Ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế): Đồng sức, đồng lòng vượt khó khăn thách thức, vì sự nghiệp dân số và phát triển

0
275

GiadinhNet – Năm 2020, năm đầu tiên triển khai Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, công tác dân số tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Y tế; sự phối hợp của các Bộ, ngành, đoàn thể, của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. “Điều đó thể hiện quan điểm hết sức đúng đắn mà Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã khẳng định: Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”, ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số chia sẻ.

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế): Đồng sức, đồng lòng vượt khó khăn thách thức, vì sự nghiệp dân số và phát triển - Ảnh 1.

ông Nguyễn Doãn Tú Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số

Nhiều hoạt động nổi bật và tích cực

– Xin ông cho biết về những kết quả đạt được của công tác dân số trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2020?

+ Sau 60 năm thực hiện công tác dân số, 28 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương khóa VII, 3 năm triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của BCH Trung ương Đảng khóa XII, công tác dân số nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Năm 2020 là năm thứ 14 Việt Nam duy trì bền vững mức sinh thay thế (mỗi phụ nữ trong tuổi sinh đẻ sinh trung bình 2,1 con). Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020, tầm vóc người dân được cải thiện, chiều cao trung bình của thanh niên nam đạt 168,1cm (tăng 3,7 cm so với năm 2009); nữ đạt 156,2cm (tăng 2,6cm so với năm 2009). Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi dưới 5 tuổi của Việt Nam là 19,6%, được coi là mức thấp theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hiện tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam không ngừng tăng và đã đạt 73,7 tuổi (tăng 0,1 tuổi so với 2019), đứng thứ 56 trong tổng số 138 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ 2 khu vực ASEAN chỉ sau Singapore dù thu nhập thấp hơn.

Năm 2020, Tổng cục Dân số cũng đã hoàn thành 6/10 chỉ tiêu kế hoạch được giao. Trong đó chỉ tiêu tỷ số giới tính khi sinh do Quốc hội, Chính phủ giao đã đạt vượt. Tuy nhiên 4/6 chỉ tiêu về cung cấp dịch vụ dân số không đạt kế hoạch đề ra. Dân số trung bình năm 2020 là 97,58 triệu, tỷ lệ tăng dân số là 1,14%/năm. Tỷ lệ tăng dân số ổn định, giữ mức sinh thay thế liên tục trong 14 năm qua đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được khống chế, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại ở mức cao (66%) và nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng ở mức thấp (6,3%) cho thấy Việt Nam đang thực hiện nghiêm túc Mục tiêu 5 Bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái của Chương trình nghị sự 2030.

Năm 2020 cũng là một năm có nhiều hoạt động nổi bật và tích cực của ngành Dân số với 6 chương trình lớn thực hiện Nghị quyết 137/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW (của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới) đã được Thủ tướng phê duyệt và đưa vào triển khai thực hiện. Đây cũng là hành trang, là sự chuẩn bị cần thiết để chúng ta triển khai, thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Tiếp tục phát huy thành quả, khắc phục khó khăn, thách thức

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế): Đồng sức, đồng lòng vượt khó khăn thách thức, vì sự nghiệp dân số và phát triển - Ảnh 2.

Dân số và Phát triển là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược của ngành Y tế Ảnh: Chí Cường

– Bên cạnh những thành công nói trên, năm 2020 cũng là một năm có nhiều khó khăn, thách thức chung trên mọi lĩnh vực bởi những tác động chủ quan và khách quan, nhất là hậu quả từ dịch bệnh COVID-19. Ông có thể cho biết cụ thể những khó khăn nào đã ảnh hưởng tới công tác dân số thời gian qua?

+ Đúng là năm 2020 là một năm nhiều khó khăn của công tác dân số. Các hoạt động kinh tế – xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID-19, trong khi đó, tổ chức bộ máy về dân số của nhiều địa phương thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác dân số ở cấp cơ sở còn thấp. Chức năng, nhiệm vụ chưa được điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình dân số dẫn đến khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều phối, phối hợp liên ngành. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu. Một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới, một số văn bản quy phạm chưa phù hợp; một số địa phương còn áp dụng cứng nhắc, không thống nhất đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc triển khai công tác dân số.

Bên cạnh đó có những khó khăn khác như: Mạng lưới cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng chưa phát triển; việc tiếp cận dịch vụ dân số của một số nhóm đối tượng, địa bàn cũng như việc khai thác, chia sẻ thông tin số liệu dân số còn hạn chế; công tác truyền thông dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao; nội dung truyền thông, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, chủ yếu vẫn tập trung vào kế hoạch hóa gia đình…

Những khó khăn nêu trên vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2021 này và cũng sẽ là một trong những nguyên nhân thách thức đối với công tác dân số trong thời gian tới. Để thực hiện thành công Nghị quyết 21-NQ/TW với những mục tiêu lớn và nặng nề hơn, đòi hỏi những khó khăn, thách thức trên rất cần được quan tâm, khắc phục sớm.

Trong năm 2020, có 6 chương trình lớn thực hiện Nghị quyết 137/NQ-CP về Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã được phê duyệt và đưa vào triển khai thực hiện:

– Chương trình truyền thông Dân số đến năm 2030;

– Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030;

– Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030;

– Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030;

– Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030;

– Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành Dân số đến năm 2030.

– Theo ông, nguyên nhân của thực trạng này do đâu?

+ Những khó khăn, thách thức nêu trên vừa có yếu tố khách quan, vừa có yếu tố chủ quan. Thực tế cho thấy, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân số; việc lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, ở một số nơi, một số cán bộ tư duy về công tác dân số còn chậm đổi mới, trong nhận thức và hành động còn nặng về kế hoạch hóa gia đình, chưa chú trọng chuyển trọng tâm sang dân số và Phát triển; Chưa nhận thức đầy đủ, chưa có kinh nghiệm giải quyết vấn đề dân số mới nảy sinh như mức sinh thấp, mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số…

Nhìn vào tổng thể, chúng ta cũng chưa có bộ máy tổ chức đủ mạnh để giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW đã đề ra.

Năm 2020, triển khai Nghị quyết số 137/NQ-CP, Tổng cục Dân số đã tham mưu Bộ Y tế trình Chính phủ sửa đổi một Nghị định, trình Thủ tướng ban hành 6 Quyết định. Hiện đang hoàn thiện hồ sơ Luật Dân số; 3 Quyết định của Thủ tướng; 2 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế. Theo dõi, đôn đốc phối hợp với các Bộ liên quan, trình Thủ tướng ban hành 10 Quyết định. Đây là những chủ trương, chính sách lớn, quan trọng có ý nghĩa để đưa Nghị quyết số 21/NQ-TW vào cuộc sống.

– Để khắc phục những khó khăn, thách thức nêu trên, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?

+ Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Y tế toàn quốc vừa qua, một trong những yêu cầu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra đó là công tác dân số và phát triển phải luôn là trọng tâm chiến lược, vừa trước mắt vừa là lâu dài của ngành Y tế.

Chính vì vậy, trong kế hoạch năm 2021 và định hướng 5 năm 2021-2025, Tổng cục Dân số đã đề ra mục tiêu chung là: Chủ động duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; dần dần đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Để tiếp tục phát huy thành quả, khắc phục những khó khăn, thách thức, ngành Dân số tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số, bảo đảm hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của người dân trong thực hiện chính sách dân số. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật Dân số trình Quốc hội (năm 2022). Tham mưu cấp thẩm quyền ban hành các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo, điều hành để tổ chức thực hiện các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một cách thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. Khẩn trương hoàn thiện, đồng thời đôn đốc các cơ quan liên quan, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình, đề án còn lại theo đúng kế hoạch, yêu cầu của Nghị quyết 137/NQ-CP.

Đồng sức, đồng lòng vì sự nghiệp Dân số

– Ông đã từng chia sẻ, công tác dân số không phải là những việc làm có kết quả ngay trước mắt mà là những hoạt động mang tính chất lâu dài, tác động đến sự phát triển bền vững. Việc đó, không phải chỉ ngành Dân số có thể một mình thực hiện. Vì vậy, để cả hệ thống chính trị cùng chung tay vì sự nghiệp dân số, ông có mong muốn gì, thưa ông?

+ Để thực hiện hiệu quả công tác dân số, hoàn thành nhiệm vụ được giao, chúng tôi đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số, quan tâm đến chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác dân số, nhất là cộng tác viên dân số.

Với các Bộ, ngành, tôi đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát, bổ sung nội dung, định mức chi công tác dân số trong phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước, phân cấp cho địa phương tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Y tế cân đối đủ nguồn lực để triển khai các Chương trình, đề án đã được phê duyệt.

Với Bộ KH&ĐT, đề nghị bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn đầu tư công cho các nội dung công tác dân số do ngân sách nhà nước bảo đảm; đồng thời có chính sách cụ thể huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước; rà soát, bổ sung chương trình vận động các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cho các chương trình, dự án về dân số.

Tổng cục Dân số mong muốn được ưu tiên đưa các nội dung của công tác dân số vào danh mục các dự án đầu tư công và dự án ưu tiên vận động viện trợ nước ngoài trong thời gian tới. Kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ Trung ương đến địa phương, thực hiện sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện công tác dân số.

– Nhân dịp Tết Nguyên đán, ông có điều gì muốn nói với đội ngũ cán bộ và cộng tác viên làm công tác dân số ở cơ sở?

+ Nếu năm 2019 là năm có rất nhiều khó khăn trong bối cảnh sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế tuyến huyện và nguồn ngân sách để triển khai các hoạt động dân số đang bị thu hẹp lại thì năm 2020 là bối cảnh đặc biệt của dịch bệnh tác động mạnh mẽ đến toàn thể các lĩnh vực. Chúng ta đã vượt qua những khó khăn lớn đó và tiếp tục bước vào năm mới với những thuận lợi và khó khăn đã nhìn thấy rõ. Những khó khăn, thách thức cả trước mắt lẫn lâu dài này rất cần sự nỗ lực hơn nữa của chúng ta để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn thể đội ngũ làm công tác dân số trong cả nước, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên dân số đã đồng hành và sát cánh bên nhau vượt qua những khó khăn, thách thức trong thời gian qua. Tôi rất mong anh chị em làm công tác dân số ở cơ sở tiếp tục phát huy lòng nhiệt thành, tâm huyết, tinh thần vượt khó và truyền thống đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao phó. Chúng ta sẽ cố gắng đạt nhiều thành tích, hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày Dân số Việt Nam trong năm nay.

Nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021, kính chúc toàn thể cán bộ dân số trên khắp mọi miền đất nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, an khang, vững tâm tiếp tục vì sự nghiệp Dân số.

Trân trọng cảm ơn ông!

Những nhiệm vụ chuyên môn của ngành Dân số trong năm 2021

Về công tác chuyên môn, Tổng cục Dân số triển khai đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và các Chương trình, Đề án, Kế hoạch, nhiệm vụ của công tác dân số đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt:

– Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con”, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

– Đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi nhận thức, tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Giáo dục nâng cao y đức, nghiêm cấm lạm dụng khoa học – công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi. Tập trung nỗ lực, tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỉ số giới tính khi sinh cao.

– Vận động thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khoẻ trước khi kết hôn, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết; phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh.

– Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số. Tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Mở rộng mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân. Bảo đảm các nhóm dân số đặc thù như người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, người di cư… được tiếp cận các dịch vụ có chất lượng.

– Phát triển mạnh chuyên ngành Lão khoa trong các cơ sở y tế, khuyến khích phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi theo các cấp độ. Mở rộng việc cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng thông qua mạng lưới tình nguyện viên, cộng tác viên và nhân viên chăm sóc được đào tạo.

– Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, đồng thời thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số trong tình hình mới.

– Nâng cấp hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành Dân số đáp ứng yêu cầu cung cấp đầy đủ, kịp thời tình hình và dự báo dân số phục vụ xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Tăng cường chia sẻ, phổ biến và phối hợp thực hiện các nghiên cứu khoa học; hình thành cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học dùng chung về Dân số và Phát triển.

– Thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ cho các đối tượng ưu tiên để bảo đảm thực hiện tốt công tác dân số, nhất là Nghị định 39/2015.

Hà Thư