Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế, nước ta đạt mức sinh thay thế vào năm 2006, nhưng hiện nay mức sinh vẫn không đồng đều giữa các vùng, miền và các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, theo Quyết định số 2019/QĐ-BYT của Bộ Y tế về danh sách tỉnh, thành phố được phân chia theo các vùng mức sinh thấp, mức sinh cao và mức sinh thay thế, TP. Hồ Chí Minh là 1 trong 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp.
Theo các mô hình nhân khẩu học, mức sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số TP. Hồ Chí Minh trong tương lai, tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, điều này càng làm gia tăng tốc độ già hóa dân số tại TP. Hồ Chí Minh. Trước thực trạng này, UBND TP. Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và thích ứng với giá hóa dân số; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của thành phố.
TP. Hồ Chí Minh là 1 trong 21 tỉnh, thành phố trên cả nước có mức sinh thấp.
Theo đó, TP. Hồ Chí Minh xác định đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tạo dư luận xã hội hưởng ứng công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; tuyên truyền nội dung, quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, nâng cao y đức của đội ngũ cán bộ ngành y tế để không lạm dụng khoa học – công nghệ thực hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đưa nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Cán bộ thành phố, các trung tâm chính trị quận, huyện và TP. Thủ Đức; thường xuyên tuyên truyền vận động trực tiếp về kiểm soát mất cân bằng giới tỉnh khi sinh đến từng khu phố, tổ dân phố để hình thành các chuẩn mực, giá trị xã hội mới phù hợp, loại trừ dần nguyên nhân sâu xa của hiện tượng lựa chọn giới tính thai nhi.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền tại các quận, huyện đang có xu hướng gia tăng về tỷ số giới tính khi sinh; triển khai các mô hình hỗ trợ, can thiệp nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Y tế – Dân số; tổ chức ký cam kết không lựa chọn giới tính thai nhi với các đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ liên quan.
Ngoài ra, tuyên truyền về lợi ích của việc sinh đủ 2 con, vận động không kết hôn muộn, không sinh con muộn và sinh đủ hai con. Đối tượng tác động chủ yếu là nam, nữ thanh niên chưa kết hôn và các cặp vợ chồng chưa sinh đủ 2 con. Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động người dân thành phố thực hiện thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con” nhằm nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội. Rà soát các quy định không còn phù hợp liên quan đến mục tiêu giải quyết tình trạng mức sinh thấp.
Lựa chọn triển khai mô hình hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con phù hợp, cụ thể: can thiệp giảm tình trạng kết hôn muộn: tạo môi trường thuận lợi để nam, nữ thanh niên giao lưu, kết bạn, tìm hiểu, hẹn hò và tiến tới hôn nhân; nâng cao hiểu biết về tránh thai, tình dục an toàn, kỹ năng sống; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, sinh con, nhất là người lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế: hỗ trợ khám thai, quản lý và theo dõi thai sản, gói dịch vụ sinh đẻ, gói dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh; hỗ trợ, khuyến khích các dịch vụ thân thiện với người lao động có con nhỏ tại khu công nghiệp, khu kinh tế: hỗ trợ đón trẻ, trông trẻ; ngân hàng sữa mẹ…