Trang chủ Tin chuyên nghành Chủ động thích ứng với già hóa dân số

Chủ động thích ứng với già hóa dân số

0
131

Dân số Việt Nam gần chạm mốc 100 triệu người và đang bước vào giai đoạn già hóa. Chất lượng dân số đang đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, đòi hỏi nước ta phải có những chính sách và chương trình thích ứng với xu hướng nhân khẩu học này

 Tình trạng già hóa dân số sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chung của nền kinh tế do thiếu hụt nguồn lao động, cũng như ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Người trẻ ngại sinh con

Chị Nguyệt N. (32 tuổi; quận 7, TP HCM) lập gia đình được 5 năm, đời sống vật chất dư giả, ở chung cư cao cấp, song đến giờ vẫn lủi thủi chỉ có 2 vợ chồng. Dù 2 bên nội ngoại thúc sớm có em bé để ông bà ẵm bồng nhưng vợ chồng chị vẫn hẹn lần hẹn lữa. Chị N. làm trưởng phòng nhân sự một công ty đa quốc gia, do đặc thù công việc nên chị chưa dám mang bầu. Riêng chồng chị hoạt động kinh doanh, đi công tác liên tục cũng là một trong những lý do trì hoãn việc sinh con.

Tương tự, chị Phạm Thu Phương Thảo Vi (31 tuổi; quận Phú Nhuận, TP HCM) thổ lộ: “Vợ chồng tôi sống riêng phải lo kinh tế trong khi thu nhập không ổn định mà chi phí chăm sóc một đứa trẻ giờ đây không hề nhỏ. Riêng tiền tã, sữa, đồ chơi, quần áo… đã chiếm một nửa chi tiêu trong gia đình. Áp lực về kinh tế khiến chúng tôi ngại sinh thêm con”.

Dân số Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa nên cần có giải pháp thích ứng với thực trạng này. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đây là thực trạng cuộc sống hiện nay ở các đô thị, nhiều người trẻ dù đã thành thân nhưng chỉ biết kiếm tiền, chú trọng công danh sự nghiệp mà lơ là trong chuyện con cái. Theo nhiều chuyên gia dân số, tâm lý “ngại” sinh con, sinh con ít là xu hướng khá phổ biến ở các khu đô thị, thành phố lớn. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là nhiều cặp vợ chồng trẻ bị cuốn theo cuộc sống hiện đại, công việc bận rộn, chưa chuẩn bị tâm lý sinh con hoặc không có thời gian chăm sóc cho con, nên chỉ dừng lại ở 1 con.

Là 1 trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (1,48 con vào năm 2021 – PV), theo các chuyên gia, tình trạng già hóa dân số ở TP HCM sẽ tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ. Tương lai gần, một đứa trẻ ở TP HCM sẽ đối diện với vấn đề cùng lúc chăm sóc bố mẹ và 4 ông bà (nội, ngoại). Đây là một trong những bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và phát triển kinh tế – xã hội của thành phố thời gian tới.

Theo thống kê, ở nước ta chỉ có khoảng 25% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội, còn lại trên 70% người cao tuổi không hề có tích lũy vật chất, vẫn phải tự lao động kiếm sống. Nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn đang đè nặng lên vai khiến cho việc tận hưởng cuộc sống an nhàn, sum vầy cùng con cháu còn xa vời với nhiều người cao tuổi. Rời quê từ Nam Định vào TP HCM làm bảo vệ cho một cửa hàng đồ ăn, ông Nguyễn Văn Thắng (60 tuổi) tâm sự: “Trước đây, ở quê không có lương hưu nên thu nhập của vợ chồng tôi chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng và chăn nuôi. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu nên tôi vào TP HCM làm bảo vệ để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, cũng như phòng những lúc đau ốm sau này”.

Nỗi lo “chưa giàu đã già”

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho biết từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khi nhóm từ 14-60 tuổi chiếm trên 2/3 và đến năm 2019, tỉ lệ này xấp xỉ 70%, tương đương hơn 67 triệu người. Đây là cơ hội vàng để phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu bước vào già hóa dân số khi tỉ lệ người trên 65 tuổi chiếm 7%. Cũng theo ông Tú, năm 2011, tỉ lệ người trên 60 tuổi tại Việt Nam chỉ chiếm chưa tới 10% thì đến năm 2018 tăng lên 11,95%. Năm 2019, tỉ lệ này chạm mốc 14%, trong đó người trên 65 tuổi xấp xỉ 8%. “Các mô hình tính toán cho thấy nếu không có các chính sách can thiệp, đến năm 2038, tỉ lệ người trên 60 tuổi ở nước ta sẽ tăng lên trên 20%, tương đương 21 triệu người, trong đó người trên 65 tuổi chiếm trên 14%. Khi đó, Việt Nam chính thức bước sang giai đoạn dân số già. Đến năm 2049, tỉ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có 1 người cao tuổi” – ông Tú nói.

Chị Phạm Thu Phương Thảo Vi (quận Phú Nhuận, TP HCM) từ khi sinh con chuyển sang làm tự do để có thời gian chăm sóc con nhỏ. Ảnh: HẢI YẾN

Như vậy, Việt Nam chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang dân số già chỉ mất hơn 30 năm, trong khi các nước có nền kinh tế phát triển mất nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ. Đơn cử, Pháp mất 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Úc 73 năm, Mỹ 69 năm… “Dân số già là đặc trưng của các nước phát triển, trong khi Việt Nam mới đang phát triển nên rất nhiều chuyên gia lo ngại chúng ta “chưa giàu đã già”, khi đó kéo theo rất nhiều hậu quả kinh tế – xã hội” – ông Tú cảnh báo.

Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm: Thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi… Chính vì vậy, mục tiêu xuyên suốt của chính sách dân số trong bối cảnh hiện nay là cần phát huy “dân số vàng” – thời kỳ có đông lực lượng lao động, nguồn nhân lực, yếu tố quyết định để phát triển kinh tế – xã hội bền vững đất nước; cũng như chủ động tích lũy các nguồn lực thích ứng khi bước vào thời kỳ già hóa dân số.

Cần duy trì mức sinh thay thế

Theo các chuyên gia dân số, để có thể kéo dài thời kỳ dân số vàng, cần duy trì mức sinh thay thế 2,1 con càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, thách thức hiện tại của nước ta là sự chênh lệch mức sinh giữa các khu vực, các vùng. Mức sinh ở khu vực thành thị, vùng Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long giảm sâu dưới mức 2 con. Thời gian qua, nhiều giải pháp đã được đưa ra để khuyến khích các cặp vợ chồng vượt qua tâm lý ngại sinh con ở vùng có mức sinh thấp. Trước đó, Thủ tướng đã ra Quyết định 588 yêu cầu điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Trong 5 năm tới, sẽ điều chỉnh giảm 10% tổng tỉ suất sinh ở 33 tỉnh có tỉ suất sinh cao, tăng 10% ở 21 tỉnh có mức sinh thấp và duy trì mức sinh thay thế ở 9 tỉnh còn lại.

Là một trong những địa phương có tổng tỉ suất sinh thấp nhất cả nước, TP HCM đã và đang có những đề xuất, giải pháp nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Theo ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, hiện chi cục đã có những đề xuất tham mưu đối với Sở Y tế trong dự thảo về chính sách dân số tại TP HCM đến năm 2030 để trình HĐND thành phố trong kỳ họp gần nhất, có thể cuối năm 2022. Cụ thể, các giải pháp đề xuất được tập trung vào việc hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, hỗ trợ viện phí cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ 2, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn… Song song đó, hỗ trợ toàn diện cho các cặp vợ chồng an tâm sinh con và nuôi dạy con như: Hoàn thiện hệ thống chăm sóc y tế – giáo dục, miễn giảm học phí, thay đổi hình thức – thời gian trông trẻ mầm non – mẫu giáo, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản,…

Ngoài ra, để thích ứng với tình trạng già hóa dân số, Sở Y tế TP HCM đã tham mưu UBND thành phố có kế hoạch cho chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố. Đến nay, chương trình đã triển khai thực tại 118 phường, xã, thị trấn thuộc 22 quận – huyện và TP Thủ Đức.

GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng già hóa dân số là xu hướng chung của thế giới. Đó là quy luật không thể nào cưỡng được. Để giải bài toán này, GS Nguyễn Đình Cử khuyến nghị cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng lao động là người cao tuổi… Về kinh tế, phải nâng cao năng suất lao động để bù đắp cho người già. Về chăm sóc sức khỏe, phải giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh. Để thích ứng với già hóa dân số, người cao tuổi cần chủ động bảo đảm tài chính, đủ chi trả cho hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống của mình. Doanh nghiệp cần cung cấp hàng hóa và dịch vụ thích hợp với người cao tuổi; tạo việc làm, sử dụng lao động cao tuổi; hỗ trợ nguồn lực đóng góp cho việc chăm sóc người cao tuổi.

Thông tin chi tiết xem tại đây