Ban quản lý mô hình tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai: Tìm giải pháp bán bao cao su

0
195

GiadinhNet – Nhiều kinh nghiệm quý, những vấn đề phát sinh cần khắc phục trong quá trình triển khai tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai tại cộng đồng đã được các đại biểu thẳng thắn chia sẻ, góp ý tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tiếp thị xã hội PTTT Night Happy do Tổng cục DS-KHHGĐ vừa tổ chức tại Bạc Liêu.

 

Việc chuyển dần cung cấp miễn phí PTTT sang hình thức người sử dụng tự chi trả là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo tính bền vững của các Chương trình DS-KHHGĐ. Ảnh: Dương Ngọc.

Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Chương trình Liên hoan Tuyên truyền viên dân số khu vực phía Nam.

Để sản phẩm gần gũi hơn với người dân

Lãnh đạo các Vụ chức năng, Ban quản lý mô hình tiếp thị xã hội các PTTT (Tổng cục DS-KHHGĐ), các chuyên gia định vị thương hiệu và đặc biệt là đại diện 20 Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành – những người trực tiếp thực hiện việc tiếp thị các PTTT trong cộng đồng đã cùng bàn thảo: Làm sao để mô hình này phát huy hiệu quả? Làm thế nào để nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của đối tượng trong việc chi trả một phần cho việc mua các PTTT theo nhu cầu của chính họ?

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh: Khi đã đạt mức sinh thay thế, đời sống nhân dân được nâng cao thì việc chuyển dần cung cấp miễn phí PTTT sang hình thức người sử dụng tự chi trả là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo tính bền vững của các chương trình DS-KHHGĐ. Nhiệm vụ trọng tâm của công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới là đẩy mạnh tiếp thị xã hội các PTTT. Công việc này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống ngành dân số từ TƯ đến địa phương.

Sự thẳng thắn đóng góp kinh nghiệm, nêu ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tại địa phương của các đại biểu đã giúp Hội thảo thu hoạch được nhiều điều quý báu. Từ đây, thấy rõ hơn cấp TƯ phải giải quyết thêm vấn đề gì; Các địa phương phải nỗ lực ra sao để tiến trình tiếp thị xã hội các PTTT vận hành suôn sẻ hơn, hiệu quả hơn.

Tại Hội thảo, ông Đặng Văn Nghị, đại diện Vụ Kế hoạch- Tài chính, bà Lê Ánh Tuyết- Giám đốc Ban quản lý mô hình tiếp thị xã hội các PTTT (Tổng cục DS- KHHGĐ) cùng các chuyên gia định vị thương hiệu đã làm rõ thêm một số vấn đề liên quan, giúp các đại biểu có đầy đủ thông tin hơn về kết quả đã đạt được và xu hướng tiếp thị xã hội các PTTT trong thời gian tới.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tân đặt vấn đề với các chuyên gia định vị thương hiệu: Làm thế nào để nhãn sản phẩm Night Happy trở nên quen thuộc thực sự với những người làm công tác dân số cơ sở trên cả nước. Bởi họ chính là cầu nối đưa một sản phẩm mới đến với đối tượng. Ông Nguyễn Văn Tân ví von: Nhiều người dân phía Nam thường gọi chung xe gắn máy là “xe Honda”, bởi thương hiệu này quá mạnh vì gần gũi. “Làm thế nào trong định vị thương hiệu để sản phẩm Night Happy được người dân thấy gần gũi như thương hiệu xe máy trên?…”, ông Nguyễn Văn Tân dí dỏm.

Ghi nhận những đóng góp quí báu
 

Tiếp thị xã hội là một kênh trung gian giữa cung cấp miễn phí và thị trường thương mại. Hoạt động tiếp thị xã hội PTTT là việc sử dụng kỹ thuật thương mại kết hợp với các hoạt động phi thị trường nhằm tạo ra nhu cầu sử dụng của khách hàng, tạo ra sự sẵn có và khả năng tiếp cận dễ dàng đến sản phẩm tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai trong Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ.

Lần đầu tiên, cán bộ DS-KHHGĐ các cấp thuộc 63 tỉnh, thành phố thực hiện tiếp thị xã hội hai phương tiện tránh thai phi lâm sàng là bao cao su NightHappy và viên uống tránh thai liều thấp kết hợp NightHappy.

Đại biểu Tôn Thất Khoa, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thắc mắc về vấn đề muốn nhân bản tài liệu để phát hành rộng rãi cho đối tượng có được không. Cũng đến từ địa phương trên, ông Đặng Phúc Đồng, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tân Thành chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm mà theo ông là đã giúp địa phương mình thành công trong vấn đề tiếp thị xã hội PTTT: “Một là chúng tôi chọn những cán bộ chuyên trách giỏi nhất để thực hiện tiếp thị xã hội trước. Sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm rồi đến lượt các cán bộ chuyên trách khác thực hiện. Hai là chúng tôi chọn các hộ gia đình kinh doanh thuốc Tây để nhờ họ trợ giúp tiếp thị xã hội bao cao su và viên thuốc tránh thai”. Tuy nhiên, ông Đặng Phúc Đồng cũng không quên kiến nghị một giải pháp “nặng” tính thị trường, nhưng được khá nhiều đại biểu ủng hộ: Tại sao không phát miễn phí Night Happy một thời gian để thương hiệu này đi vào lòng người dân rồi mới bán(?).

Một đại biểu đến từ Cà Mau băn khoăn: Nếu bán không hết sản phẩm thì có được để lại bán tiếp hay phải trả lại? Việc tính kết quả tiếp thị xã hội các PTTT vào điểm thi đua của mỗi đơn vị, vậy nếu đơn vị nào không đạt, liệu có bị trừ điểm không? Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tân trả lời ngay: “Dĩ nhiên là bị trừ điểm rồi!”. Còn bà  Lê Ánh Tuyết thì cho hay: Không cần phải trả lại PTTT nếu đơn vị chưa bán hết, bán đến khi nào hết thì thôi…

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước chia sẻ khó khăn phát sinh trong việc tiếp thị xã hội các PTTT: “Tỉnh nhận chỉ tiêu về “thúc” huyện thực hiện, huyện lại “thúc” cán bộ chuyên trách xã, cộng tác viên. Chi phí vận chuyển phát sinh mà không biết lấy nguồn nào bù vào(?). Người dân thì đã quen được phát miễn phí, giờ bảo phải mua nên không ít người chưa mặn mà. Lại có trường hợp bảo rằng: Phương tiện rẻ quá, chắc có “vấn đề về chất lượng” (?!)… Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tân giải thích: Sở dĩ giá thành Night Happy rẻ là do Nhà nước đã trợ giá giúp người nghèo chứ không phải do chất lượng sản phẩm “có vấn đề”.Việc người dân bỏ ra một phần kinh phí rất nhỏ mua sản phẩm chính là để chung vai gánh đỡ khó khăn cùng Nhà nước.

“Nóng” vấn đề bảo quản sản phẩm

Riêng đối với TP HCM, tiếp thị xã hội các PTTT tại địa phương này được thực hiện khá suôn sẻ. Ông Trần Văn Trị, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP HCM cho biết: Từ khi có chủ trương này, đến nay ngành dân số thành phố đã tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để thực hiện.

Tuy nhiên ông Trị cũng bày tỏ sự lo lắng đối với việc bảo quản PTTT tại cấp xã, phường, khóm, ấp sao cho chất lượng sản phẩm không bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó kỹ năng tiếp thị (vốn thuộc lĩnh vực kinh doanh) còn khá mới mẻ đối với các cán bộ, CTV dân số. Vấn đề này nhận được sự đồng tình của rất nhiều đại biểu.

Mặt khác, sự cạnh tranh của các hệ thống cung cấp PTTT ngày càng phát triển mạnh tại TP HCM cũng khiến địa phương này đối mặt với không ít khó khăn trong việc đưa Night Happy đến gần với người dân. Chiết khấu dành cho người trực tiếp bán Night Happy cũng chưa cao để khích lệ, động viên họ… Hàng loạt ý kiến liên quan đến việc: Làm sao để công tác tiếp thị xã hội các PTTT hiệu quả hơn nữa đã được các đại biểu Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu, Bến Tre… đóng góp.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tân thay mặt lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ cảm ơn những chia sẻ thẳng thắn của các đại biểu. “Mặc dù phát sinh nhiều khó khăn trong quá trình triển khai; Mẫu mã, ngay cả tên sản phẩm cũng còn hơi dài, rồi vấn đề chi phí vận chuyển, chiết khấu… khiến kết quả tiếp thị xã hội PTTT tại một số nơi chưa được như mong muốn. Tuy nhiên điều đáng mừng là tất cả các địa phương đều đồng thuận, thống nhất và nỗ lực thực hiện chủ trương này. Những ý kiến đóng góp, kinh nghiệm quý báu được chia sẻ tại đây sẽ giúp ích rất nhiều để Ban quản lý mô hình TTXH các PTTT, Tổng cục DS-KHHGĐ đưa ra các định hướng, chỉ đạo các địa phương để công tác này được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới…”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh.

 

“Điều đáng mừng là tất cả các địa phương đều đồng thuận, thống nhất và nỗ lực thực hiện chủ trương mở rộng việc tiếp thị xã hội các PTTT. Những ý kiến đóng góp, kinh nghiệm quý báu được chia sẻ tại đây sẽ giúp ích rất nhiều để Ban quản lý mô hình tiếp thị xã hội các PTTT, Tổng cục DS-KHHGĐ đưa ra các định hướng, chỉ đạo các địa phương để công tác này được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới…”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Tân chia sẻ.

Thanh Giang