GiadinhNet – Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta hiện nay, phải giải quyết “gốc rễ” của vấn đề, tức là thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai hay con gái, đồng thời nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng hơn, không còn tình trạng “trọng nam khinh nữ”.
BẠN ĐỌC QUAN TÂM ĐẾN CHƯƠNG TRÌNH CÓ THỂ GỬI CÂU HỎI NGAY TỪ BÂY GIỜ Ở PHẦN GỬI CÂU HỎI PHÍA DƯỚI BÀI VIẾT NÀY.
Hiện nay, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu về bình đẳng giới. Người phụ nữ Việt Nam ngày càng chứng tỏ được năng lực của mình trong nhiều lĩnh vực với các vai trò lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, doanh nhân, kỹ sư, bác sĩ và những người lao động rất thành công.
Tuy nhiên, ở trong gia đình họ vẫn được coi là người “quan trọng” thứ 2 sau người đàn ông. Mặc dù về mặt sinh học, con gái và con trai đều mang máu huyết của cha mẹ như nhau nhưng vì những tập tục truyền thống gắn liền với gia đình phụ hệ với mô hình định cư bên nội, con gái bị coi là “con người ta” vì người phụ nữ sau khi kết hôn phải sống bên gia đình nhà chồng.
Những quan niệm đó đã tước đi vai trò chăm sóc cha mẹ, thờ cúng tổ tiên của người con gái và trao trọn trách nhiệm đó cho con trai. Đó là một trong những lý do khiến con trai trở nên quan trọng hơn con gái. Và quan niệm này cho đến bây giờ vẫn còn rất phổ biến.
Nhưng trên thực tế, ở rất nhiều gia đình con gái mặc dù đã đi lấy chồng nhưng vẫn là người chăm sóc chủ yếu cho cha mẹ của mình khi họ bị đau ốm. Cũng có rất nhiều trường hợp con gái lại chính là trụ cột về kinh tế trong gia đình.
Trong một công trình nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội thực hiện cho thấy, hơn 60% nam giới tham gia phỏng vấn đều nói rằng, có con trai là điều rất quan trọng với một người đàn ông. Người đàn ông đích thực là người phải có con trai. Kết quả này giải thích vì sao nhiều gia đình phải tìm mọi cách để sinh con trai cho bằng được.
Trong Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2020 do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam công bố cho thấy, khoảng 40.800 bé gái tại Việt Nam mỗi năm sẽ không có cơ hội chào đời vì là con gái. Điều này phản ánh thực trạng đáng báo động về tình trạng “trọng nam khinh nữ”, nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi cũng như tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam.
Từ thực tế trên, nhằm tìm ra những giải pháp quyết liệt hơn nữa để nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng hơn, không còn “trọng nam khinh nữ”; hướng tới Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10, Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh” trên chuyên trang điện tử Gia đình và Xã hội (Giadinh.suckhoedoisong.vn) vào lúc 13h30 ngày 10/10/2022.
Khách mời tham gia giao lưu gồm có:
1. TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế
2. TS Nguyễn Thị Tuyết Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
3. ThS Phạm Thị Hồng (chuyên gia tâm lý Hồng Hương), Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam
Thông tin chi tiết xem tại đây.