Châu Á bùng nổ rồng non

0
177

GiadinhNet – Chính quyền Đài Loan hôm 23/7 thông báo con số những đứa trẻ mới sinh tại đây có thể chạm mức cao nhất trong 10 năm qua.

Trẻ sơ sinh tại một bệnh viện phụ sản ở Đài Loan.

 
Làn sóng bùng nổ sinh con năm Thìn ở châu Á đã trở nên rõ nét hơn, sau khi Đài Loan thông báo họ có thể chứng kiến số ca sinh tăng cao nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên hiện tượng này có thể tạo nên áp lực lớn cho xã hội và gây khó khăn cho chính những chú “rồng non”.
Thi nhau bẫy rồng
Chính quyền Đài Loan hôm 23/7 thông báo con số những đứa trẻ mới sinh tại đây có thể chạm mức cao nhất trong 10 năm qua. Theo ông  Jiang Yi-hua, Chủ tịch cơ quan phụ trách chính sách dân số của Đài Loan, trong 6 tháng đầu năm 2012, số ca sinh nở mới ở đây đã đạt mức 107.508 trường hợp, tăng 17,29% so với năm ngoái. Dựa vào đây, ông Jiang nói rằng tỉ lệ sinh của Đài Loan có thể đạt mức 9,4 trẻ/1.000 dân trong năm nay, tương đương với khoảng 230.000 ca sinh mới – một kỷ lục ở Đài Loan.
Sự tăng sinh do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do quan niệm của người dân về sự may mắn đặc biệt trong năm Thìn. Trong văn hóa Trung Hoa, rồng được xem là một linh vật nhiều sức mạnh. Người ta tin rằng đứa trẻ sinh năm Thìn sẽ được nhiều may mắn, thông minh, khôn ngoan, can đảm và có sức mạnh.
Quan điểm trên xuất hiện rộng rãi tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á, đặc biệt là những khu vực đông cộng đồng người gốc Trung Quốc. Đơn cử như năm 2000, Hong Kong nói rằng nơi đây đã chứng kiến tỉ lệ sinh tăng thêm khoảng 5% so với một năm trước đó. Còn đầu năm nay, giới chức Trung Quốc cũng dự báo tỉ lệ sinh sẽ tăng thêm khoảng 5%. Ngay cả các nước châu Á khác cũng không nằm ngoài làn sóng “bẫy rồng”, với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam dự kiến cũng sẽ chứng kiến sự xuất hiện của một lượng lớn những chú rồng con trong năm nay.
 
Kẻ cười
Đài Loan là một trong những nơi cơn sốt “sinh con năm rồng” thể hiện rõ nhất. Các ngân hàng địa phương thi nhau bán các đồng tiền vàng và bạc in năm rồng để người dân mua về tặng cho những người thân, bạn bè chuẩn bị sinh con năm Thìn. Các công ty bán bỉm, sữa và đồ dùng cho trẻ sơ sinh hoạt động hết công suất, trong khi các bệnh viện phụ sản đã phải tăng thêm số giường nằm để đón các bà bầu sắp “vỡ chum” đang ùn ùn kéo tới.
Wu Mei-ying, một quan chức tại cơ quan phụ trách nội vụ của Đài Loan nói rằng nhiều người phụ nữ ở đây ngại đẻ con bởi họ “sợ gánh nặng con cái”. Hoặc họ chưa muốn sinh con để giữ cho chất lượng sống tiếp tục ở mức cao. Nhưng Wu nói rằng khi tất cả người dân hòn đảo  bắt đầu bàn tán về việc sẽ sinh con trong năm Thìn, ngay cả những kẻ thờ ơ nhất cũng bị cuốn vào cơn sốt đó.
Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại  Singapore. Các số liệu lịch sử cho thấy tỉ lệ sinh tại nước này luôn tăng hơn 10% trong các năm Thìn, cụ thể là vào các năm 1988 và 2000.
 
Người lo
Nhưng với các nơi khác, làn sóng sinh con năm Thìn mang tới vô số thách thức. Trước tiên là sức ép đặt lên các bệnh viện phụ sản, nhất là tại quốc gia đã có tới 1,3 tỉ dân như Trung Quốc. Được biết từ cuối năm ngoái, số thai phụ chuẩn bị sinh đã vượt quá tới 50% khả năng phục vụ của Bệnh viện Phụ sản Bắc Kinh và hiện tượng này cũng xuất hiện tại nhiều nơi khác trên đất Trung Quốc. 
Tương tự, làn sóng trẻ mới chào đời cũng sẽ gây sức ép nghiêm trọng lên các nhà trẻ. Dữ liệu từ Bộ giáo dục Trung Quốc cho thấy nước này có gần 140.000 nhà trẻ trên toàn quốc và đủ cung cấp chỗ học cho 26 triệu đứa trẻ, nhưng mới chỉ đáp ứng một nửa số trẻ tới tuổi học mẫu giáo tại đây. “Sự cạnh tranh khốc liệt sẽ không chỉ dừng lại ở trường học mà còn ảnh hưởng tới cả thị trường việc làm và nhiều thứ khác” – Tiến sĩ Tong Yuying ở Đại học Trung Quốc ở Hong Kong nhận xét – “Và như thế, quan niệm sinh năm Thìn mang lại nhiều may mắn và hạnh phúc chưa hẳn đã đúng”.

 Thảo Nguyên