Ngày Dân số Thế giới năm 2023 có chủ đề: “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”. Đây là chủ đề rất thời sự, phản ánh một vấn đề to lớn của cộng đồng toàn cầu và cũng là một dịp để Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tiếp tục thực hiện những giải pháp bảo đảm quyền lựa chọn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Trong đó, từng bước kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở ngưỡng cao
Theo các chuyên gia dân số, tại Việt Nam, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang tăng nhanh; tình trạng thừa nam, thiếu nữ ngày càng lan rộng, cả thành thị và nông thôn. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, năm 2022, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta là 112,1 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái, tương đương 2 năm trước đó. Cả nước có 21 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao hơn mức trung bình cả nước. Một số địa phương có tỷ số này cao như Sơn La (117), Nghệ An (116,6), Hà Nội (112)… Trong khi đó, nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ có tỷ số dưới 108.
Dự báo, đến năm 2034, Việt Nam sẽ “dư thừa” 1,5 triệu nam giới lứa tuổi từ 15-49 nếu tỷ số giới tính khi sinh không giảm. Nguồn: ITN
Xuất hiện muộn nhưng tăng rất nhanh, mất cân bằng giới tính ở Việt Nam cũng có những điểm khác biệt. Theo TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam cao ngay từ lần sinh đầu tiên, cao hơn hẳn ở những lần sinh sau, đối với những gia đình chưa có con trai, đặc biệt với những gia đình có 2 con gái và chưa có bé trai nào. Mức độ mất cân bằng ở nước ta cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao và điều kiện kinh tế khá giả. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và sẽ tăng lên 2,5 triệu vào 25 năm sau đó.
Ông Phạm Ngọc Cương, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Ninh Bình cho biết, theo số liệu báo cáo dân số hàng năm, tỷ số giới tính khi sinh năm 2022 của tỉnh Ninh Bình là 116,2 bé trai/100 bé gái (năm 2021 là 112,04 bé trai/100 bé gái). Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn đang ở mức khá cao so với ngưỡng tự nhiên (ở mức tỷ lệ sinh tự nhiên khoảng 104 – 106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống) và không ổn định.
Ngoài những nguyên nhân khiến chênh lệch giới tính khi sinh tăng do tâm lý ưa thích con trai thì định kiến giới nằm ngay trong các hoạt động về dân số, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản; sự tham gia của nam giới vào công tác dân số còn hạn chế. Những suy nghĩ, định kiến dẫn đến tâm lý phải sinh bằng được con trai, từ đó dẫn đến lựa chọn giới tính thai nhi và trở thành nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức
Với tỉnh Nghệ An – tỉnh có quy mô dân số lớn (đứng thứ 4 cả nước) và có mức sinh cao (đứng trong tốp 7 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước), mất cân bằng giới tính khi sinh cũng ở mức báo động (116,6/100). Ông Nguyễn Bá Tân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, ngày Dân số Thế giới năm 2023, là điểm nhấn cần thiết thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Quá trình này cần bắt đầu từ việc lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, trẻ em gái, những người yếu thế; xây dựng luật pháp, chính sách để có thể giúp họ thực hiện các quyền của mình và đưa ra các quyết định đúng đắn.
Theo đó, thời gian tới, cần tập trung nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số và phát triển…; thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ. Đặc biệt, triển khai mạnh, có hiệu quả các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông; thúc đẩy bình đẳng giới và trao thêm quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phụ nữ được tham gia vào lập kế hoạch, quyết định thực hiện đánh giá các chương trình dân số và phát triển…
Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, theo ông Phạm Ngọc Cương, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Ninh Bình, các địa phương cần tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như nâng cao vai trò, trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo công tác dân số các cấp trong việc tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể phù hợp với từng ngành, lĩnh vực trong phối hợp tuyên truyền. Tăng cường sự tham gia của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc triển khai nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; lồng ghép, tích hợp nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh vào các hoạt động hàng năm của các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, chú trọng các hoạt động tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin kịp thời nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp; sự ủng hộ và tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa và giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Cho rằng việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về mất cân bằng giới tính khi sinh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; ông Nguyễn Hồng Nam, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh An Giang cho rằng, cần xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan có chức năng điều tra, thanh tra, kiểm tra. Thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, buôn bán và lưu hành các tài liệu phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi, các cơ sở dịch vụ y tế liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, thông báo công khai, rộng rãi các đơn vị, cá nhân vi phạm và kết quả xử lý…