Khoảng 67% người từ 30-44 tuổi mong muốn sống độc lập khi về già, nhưng chưa đến 30% trong số đó lên kế hoạch cho tuổi xế chiều của mình. Khoảng 20% cho rằng 40 trở lên là độ tuổi nên bắt đầu lập kế hoạch về sức khỏe và tài chính.
Lời tòa soạn
Theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê cho giai đoạn 2019-2069 và theo đo lường của Liên Hợp Quốc, chỉ 13 năm nữa, vào năm 2036, Việt Nam sẽ kết thúc giai đoạn già hóa dân số, chuyển sang cơ cấu dân số già, nghĩa là cứ 7 người dân lại có 1 người từ 65 tuổi trở lên.
Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và trong điều kiện kinh tế ở mức thu nhập trung bình thì nguy cơ chưa giàu đã già là một thách thức. Dù tuổi thọ người dân cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực nhưng tuổi thọ khỏe mạnh còn chưa cao.
Theo các nhà khoa học, “Lo cho tuổi già từ khi còn trẻ” thực sự là yêu cầu cấp bách. VietNamNet thực hiện tuyến bài Cơn bão dân số già ở Việt Nam để góp phần phản ánh thực trạng của vấn đề này.
Kỳ 1: Áp lực của thế hệ “bánh mỳ kẹp”
Khoảng 67% những người trong độ tuổi 30-44 mong muốn sống độc lập khi về già, nhưng chưa đến 30% trong số đó đã lên kế hoạch cho mình. Khoảng 20% cho rằng từ 40 tuổi trở lên là độ tuổi nên bắt đầu lập kế hoạch về sức khỏe và tài chính.
Đây là một số kết quả trích từ báo cáo nghiên cứu được công bố cuối năm 2022, được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học với sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Khoa học Lao động và Xã hội và một tổ chức khác.
Số liệu khảo sát với hơn 2.000 người đại diện cho nhóm dân số 30-44 tuổi trên cả nước, cho cả khu vực thành thị-nông thôn và giới tính.
Những người 30-44 tuổi được cho là nhóm dân số vào giai đoạn ổn định việc làm, có tốc độ tăng thu nhập cao nhất trong dân số Việt Nam. Với mốc 60 tuổi, họ cũng chỉ còn 16-30 năm để tính toán, suy nghĩ cho một “tuổi già thành công”.
Chưa nghĩ xa cho tương lai tuổi già
Vợ chồng chị Yến (35 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) có 2 con đang tuổi mẫu giáo, sống cùng bố mẹ chồng. Mỗi tháng, với thu nhập 30 triệu đồng, anh chị phải cố gắng lắm mới co kéo được cuộc sống cho gia đình 6 người vì bố mẹ chồng không có lương hưu.
Theo chị Yến, bố mẹ chồng chị, người mắc bệnh tăng huyết áp, mỡ máu, người mắc bệnh tiểu đường 10 năm nay. Tuy nhiên, ông bà hằng ngày vẫn phụ giúp chăm sóc các cháu trước khi các con trở về nhà sau giờ làm việc. Ông bà ngoại ở quê năm nay ngoài 60 tuổi cũng đang phải lao động để tự lo cho cuộc sống. Mỗi lần ông nội vào viện, gia đình chị lại xáo trộn nếp sinh hoạt, có khi chị còn phải xin nghỉ việc nửa buổi vào viện chăm ông thay chồng. Đặc biệt, nếu có ông bà ốm cùng lúc với con cái, chị càng “quắn chân vì không thể phân thân nổi”.
“Giờ còn trẻ, 15, 20 năm nữa, tôi thật sự chưa nghĩ đến. Công việc bận rộn, việc của vợ chồng tôi là tập trung đi làm kiếm tiền, lo cho hai con nhỏ và gia đình”, chị kể. Cứ vài tháng, anh chị lại cố gắng tích cóp được chục triệu để dành cho chuyện học hành của con sau này, hoặc phòng lúc cha mẹ, con cái ốm đau. Trong khoản chục triệu đó, không có bóng dáng cho phần của anh chị khi về già – câu chuyện sẽ xảy ra sau hơn 20 năm nữa.
Chị Yến kể câu chuyện của họ bây giờ chỉ xoay quanh con cái, nuôi bản thân và bố mẹ, chưa hình dung sau này cặp vợ chồng con một sẽ chăm sóc bố mẹ ra sao khi cha mẹ ngày một già yếu, bệnh tật. Bạn bè chị cũng vậy.
Áp lực vừa phải chăm sóc bố mẹ già, vừa phải nuôi dạy con cái ở những người tuổi từ 30-45 được gọi là “bánh mỳ kẹp”. Ảnh minh họa: Thạch Thảo
Vòng luẩn quẩn
Áp lực vừa phải chăm sóc bố mẹ già, vừa phải nuôi dạy con cái ở những người tuổi từ 30-44 như vợ chồng chị Yến đang gặp phải được các nhà xã hội học gọi bằng thuật ngữ “bánh mỳ kẹp” (Sandwich Generation).
Giáo sư Giang Thanh Long, chuyên gia cao cấp về dân số và phát triển của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng hiện Việt Nam chưa có số liệu thống kê về số người “bánh mỳ kẹp” nhưng đây là thực trạng phổ biến và tất yếu, nhất là trong bối cảnh độ tuổi kết hôn lần đầu của người Việt dần cao lên (tức là kết hôn muộn hơn), sinh ít con hơn, mô hình gia đình chuyển từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân, số người già bắt đầu nhiều hơn số người trẻ.
Theo kết quả từ điều tra biến động dân số công bố cuối năm 2022, tỷ số phụ thuộc chung (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi) ở Việt Nam chiếm khoảng 47,9%, cao hơn kết quả Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (khoảng 45%), tương đương với số người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) giảm. Chỉ số già hóa (tính bằng số người cao tuổi trên 100 trẻ dưới 15 tuổi) ngày càng tăng, hiện ở mức 53,1% (nghĩa là cứ 100 trẻ dưới 15 tuổi thì có 53,1 người là người cao tuổi).
Cũng theo dự báo dân số, năm 2019 Việt Nam chưa có tỉnh nào có dân số cao tuổi nhiều hơn dân số trẻ em, nhưng vào năm 2029 sẽ có 14 tỉnh và năm 2039 sẽ có 41 tỉnh có số người cao tuổi nhiều hơn số trẻ em.
Sau năm 2035, cứ 4 người trong tuổi lao động phải “gánh” 3 người phụ thuộc. Ảnh: Thạch Thảo
Tuổi thọ người dân ngày một tăng, hiện nay khoảng 73,7 tuổi, cao hơn mức trung bình của thế giới, nhưng số năm sống khỏe của người cao tuổi Việt Nam lại thấp. Trong khi đó, người trẻ sinh đẻ ít đi nên khi chỉ có một hoặc hai con thì gánh nặng lo toan trong tương lai nhiều hơn.
Áp lực lo toan còn nặng nề hơn khi không ít người cao tuổi vẫn sống nhờ cậy con cái do không có thu nhập hoặc thu nhập quá thấp.
Theo báo cáo về Việt Nam với vị thế của “một xã hội đang già hóa” của Ngân hàng Thế giới, số người cao tuổi Việt Nam không có lương hưu và trợ cấp chiếm 64,4% dân số cao tuổi. Dự báo, sau năm 2035, cứ 4 người trong tuổi lao động phải “gánh” 3 người cao tuổi (hiện nay tỷ lệ này là 4:2) nên cơ hội để người trẻ tích lũy, đảm bảo thu nhập lúc về già cũng bị ảnh hưởng.
Nếu không có chính sách can thiệp kịp thời, Việt Nam “sẽ luẩn quẩn trong vòng xoáy trẻ không có hoặc tích lũy ít, già thiếu thu nhập và ốm đau, bệnh tật”.
Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên, cho rằng truyền thống “con cái phải báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ” của người Việt góp phần khiến áp lực của thế hệ “bánh mỳ kẹp” nhiều hơn.
“Không ít người phải chấp nhận từ bỏ công việc phù hợp hoặc vị trí cao để ưu tiên chăm sóc cha mẹ già, con nhỏ. Cơ hội nâng cao năng suất lao động, chủ động tạo tích lũy kinh tế, cũng giảm đi”, ông nói.
Áp lực làm “trụ cột gia đình”, “trụ cột kinh tế”, ngày càng lớn trong khi nhu cầu chi tiêu và giá cả không có dấu hiệu dừng, thậm chí khiến nhiều người căng thẳng, lo âu, trầm cảm, sinh ra nhiều bệnh tật khi vẫn đang trong tuổi sung sức lao động, trong khi họ cũng cần có chỗ dựa về tinh thần.
“Vòng luẩn quẩn về áp lực về vật chất lẫn tinh thần đó lại càng khiến các cặp vợ chồng Việt không dám sinh đủ 2 con. Trong khi sinh ít con càng đẩy tốc độ già hóa của Việt Nam vốn đã rất nhanh lại càng vũ bão hơn. Ở đâu đó, bài học về tỷ suất sinh giảm quá thấp do nhiều áp lực tương tự ở Hàn Quốc là tiếng chuông cảnh báo cho chúng ta”, Giáo sư Giang Thanh Long nhận định.
Thông tin chi tiết xem tại đây.