Phấn đấu thực hiện và hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu về dân số được giao năm 2023

0
230

GĐXH – Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tại Hội thảo chuyên đề về công tác dân số – KHHGĐ năm 2023, do Tổng cục Dân số tổ chức tại Ninh Bình sáng ngày 15/8. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đại diện các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời 

Hội thảo đã được nghe báo cáo đánh giá công tác Dân số 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 và một số định hướng kế hoạch công tác Dân số năm 2024. Hội thảo cũng đã được nghe Tổng cục Dân số báo cáo dự thảo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; báo cáo đánh giá giữa kỳ giai đoạn I Đề án “Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến năm 2030”; Báo cáo tham luận của các đơn vị, địa phương về các lĩnh vực của công tác dân số.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

Qua các báo cáo và tham luận cho thấy công tác dân số thời gian qua và 6 tháng đầu năm tiếp tục được được Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp quan tâm và đạt một số kết quả.

Ở Trung ương: Ngày 7/7/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã có Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong đó có quy định về vi phạm chính sách dân số (điều 52). Thủ Tướng Chính phủ đã ký quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 11/4/2023 về kiện toàn Ban chỉ đạo Quốc gia về Dân số và phát triển do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Trưởng ban. Tổng cục Dân số đã tham mưu Bộ Y tế ban hành và và trình cấp thẩm quyền ban hành 12/13 đề án, văn bản quy phạm pháp luật được giao theo Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ. Đối với dự án Luật Dân số: hiện đang tích cực chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội vào năm 2024. Tổng cục Dân số cũng đã chủ động hướng dẫn các địa phương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch 2023; hướng dẫn các hoạt động chuyên môn cũng như chủ động xây dựng, triển khai thử nghiệm các mô hình về dân số từ đầu năm để nhân rộng ra toàn quốc trong thời gian tới, sau khi đã đánh giá kết quả.

Ở địa phương: Đến hết tháng 6 năm 2023, hầu hết các tỉnh/thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực điều chỉnh mức sinh, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đặc biệt đã có 33 tỉnh, thành phố đã xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về chính sách dân số trong tình hình mới. Đại đa số các tỉnh, thành phố đã bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các chương trình, đề án về dân số đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số

Kết quả thực hiện chỉ tiêu 6 tháng đầu năm về dân số cho thấy, ngành Dân số đã thực hiện và ước tính đạt 2/3 chỉ tiêu cơ bản theo Nghị quyết số 01/NQ-CP; tỉ lệ các chỉ tiêu chuyên môn dự kiến đạt kế hoạch là 50%. Các hoạt động về dân số được triển khai khá đồng bộ ở các tuyến…

Năm 2023 công tác dân số tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Y tế; sự phối hợp của các bộ, ngành, đoàn thể, của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân. Điều đó thể hiện “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển”.

Đối diện với nhiều khó khăn, thách thức

Tuy đã đạt được một số kết quả nêu trên nhưng công tác dân số còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hoạt động cung ứng dịch vụ dân số bị gián đoạn, mức sinh, tỷ số giới tính khi sinh có dấu hiệu tăng. Nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác dân số, gồm cả cộng tác viên dân số. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số chưa tương xứng với mục tiêu nhiệm vụ cần thực hiện; chất lượng thông tin, số liệu chuyên ngành dân số chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo đó, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số ở các cấp đều bị cắt giảm nhiều (ở Trung ương kinh phí được cấp năm 2023 chỉ bằng 15% so với bình quân năm trong giai đoạn 2016-2020); Tổ chức bộ máy, cán bộ ở cả trung ương và địa phương biến động. Kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW cho thấy nhiều nhóm mục tiêu, chỉ tiêu đạt thấp và sẽ không đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030.

Trong Báo cáo kết quả công tác dân số 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Hồng Quân – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính cho biết: Chỉ tiêu cơ bản là tổng tý suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ) dự kiến không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra (kế hoạch là 2,1 con/phụ nữ). Bên cạnh đó, có 4/8 chỉ tiêu chuyên môn đạt tỉ lệ thấp và dự kiến không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm nếu không có giải pháp căn cơ, kịp thời.

Các đại biểu tại Hội thảo

Về chỉ tiêu điều chỉnh mức sinh, dự kiến cả năm không đạt là kế hoạch là tăng 0,1%o so với năm 2022. 

Nguyên nhân được nêu ra là tại các tỉnh mức sinh thấp: Việc giao tăng sinh (+CBR) là chỉ tiêu mới, nên địa phương chưa có nhiều hoạt động can thiệp tăng mức sinh, rất khó thực hiện ngay được. Nhiều địa phương chưa quyết liệt trong rà soát, bãi bỏ, điều chỉnh các quy định không còn phù hợp; chưa ban hành các chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con; các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi về sinh đủ 02 con chưa kịp chuyển đổi phù hợp với mức sinh. Các mô hình can thiệp để nâng mức sinh thuộc vùng mức sinh thấp (các can thiệp đối với đối tượng VTN/TN, dự phòng vô sinh tại cộng đồng đối với nhóm dân số trẻ, khóa học trước khi kết hôn,…) đang trong quá trình xây dựng, đề xuất nên chưa đủ mạnh để nâng mức sinh của các tỉnh/TP thuộc vùng này.

Tại các tỉnh mức sinh cao: Sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ kết thúc, bắt đầu từ năm 2017, chi phí thực hiện các dịch vụ KHHGĐ do địa phương chi trả. Song những tỉnh có tỷ lệ miễn phí cao (tỉnh có mức sinh cao) hầu hết là các tỉnh nghèo nên việc bố trí ngân sách địa phương để thực hiện dịch vụ KHHGĐ cho các đối tượng ưu tiên theo quy định gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn chuyển đổi nhiệm vụ quản lý PTTT, cung cấp dịch vụ KHHGĐ từ Trung tâm DS-KHHGĐ sang Trung tâm Y tế nảy sinh một số khó khăn, bất cập. Số lượng cộng tác viên dân số giảm và có sự thay đổi lớn, tỷ lệ lớn cộng tác viên dân số chưa được đào tạo phù hợp đã ảnh hưởng lớn đến việc quản lý đối tượng và cấp phát PTTT tại cộng đồng. Một số văn bản quy định chuyên môn những năm gần đây làm hạn chế cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại tuyến cơ sở, nhất là tuyến xã và tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, các biện pháp tránh thai chưa đa dạng do thiếu thuốc cấy, thuốc tiêm để đáp ứng nhu cầu tránh thai của người dân.

Về chỉ tiêu giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn: dự kiến cả năm không đạt kế hoạch năm 2023 là giảm 15% so với năm 2022. 

Nguyên nhân được chỉ ra là vị thành niên, thanh niên còn nhiều hạn chế trong tiếp cận với các dịch vụ DS-KHHGĐ, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính. Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong việc giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khoẻ sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai. Gia đình VTN, TN còn chưa chú trọng việc giáo dục sức khoẻ sinh sản để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho các em.

Về chỉ tiêu tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh: số liệu tổng hợp từ báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ 55 tỉnh, thành phố 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ của sàng lọc sơ sinh chung 6 tháng đầu năm 2023 là 50,20%. Dự kiến cả năm 2023 khó đạt chỉ tiêu 55% trẻ mới sinh được sàng lọc sơ sinh.

Về chỉ tiêu tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn: Ước tính đạt 20% kế hoạch, dự kiến năm 2023 không đạt chỉ tiêu tăng thêm 8% tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn so với năm 2022.

Nguyên nhân không đạt chỉ tiêu theo báo cáo là do chưa có quy định và danh mục cụ thể trong khám sức khỏe trước khi kết hôn nên việc triển khai hoạt động dừng ở tuyên truyền, vận động và khuyến khích các đối tượng tham gia tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Cán bộ tham gia chương trình còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm, chưa được đào tạo, tập huấn hàng năm về lĩnh vực vị thành niên, thanh niên nên gây khó khăn trong việc triển khai hoạt động của chương trình. Đối tượng vị thành niên, thanh niên chưa ý thức được tầm quan trọng của khám sức khỏe trước khi kết hôn nên việc tổ chức khám còn gặp nhiều khó khăn.

Về chỉ tiêu tăng thêm tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm: Ước tính đạt 50% kế hoạch năm, dự kiến cả năm 2023 không đạt chỉ tiêu tăng thêm 11% tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm so với năm 2022.

Nguyên nhân không đạt được chỉ rõ: Một số địa phương bố trí kinh phí không đủ để thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho tất cả đối tượng NCT. Về tổ chức thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho NCT ở một số địa phương còn khó khăn do Trạm Y tế thiếu nhân lực, cơ sở vật chất; công tác phối hợp chưa tốt. Còn có người cao tuổi chưa có thói quen, hiểu hết ý nghĩa của việc khám sức khỏe định kỳ.

Nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương ghi nhận và đánh giá sự cố gắng nỗ lực vượt khó của Tổng cục Dân số; các đồng chí Lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ và cả hệ thống cán bộ làm công tác dân số các cấp. Thứ trưởng cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, bất cập của công tác dân số trong thời gian qua.

Thừa uỷ quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã trao tặng Cờ thi đua cấp Bộ Y tế năm 2022 cho 3 đơn vị bao gồm Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Phú Thọ, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Bình, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nghệ An đã có thành tích xuất sắc trong phòng trào thi đua yêu nước ngành Y tế năm 2022.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ về Dân số năm 2023 cũng như cả giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng đã có chỉ đạo cụ thể đối với Tổng cục Dân số, Sở Y tế, Chi cục Dân số các tỉnh/thành phố triển khai một số nội dung chủ yếu.

Đối với Tổng cục Dân số

Đối với Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh cần thực hiện 5 nhiệm vụ cụ thế:

Một là, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và tập trung mọi nguồn lực vào việc hoàn thiện thể chế, cụ thể là tập trung chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Dân số để trình Quốc hội năm 2024. Hoàn thiện và trình Ban cán sự Đảng Bộ Y tế cho ý kiến và gửi Chính phủ báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW trong tháng 9/2023. Trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Chi cục Dân số thuộc Sở Y tế trong tháng 9 theo chương trình đã đăng ký nhằm tạo cơ sở pháp lý để địa phương bảo vệ, giữ ổn định Chi cục DS-KHHGĐ.

Hai là, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện và trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dân số để sớm ổn định tổ chức cũng như kiện toàn, bổ sung chức danh lãnh đạo cục còn thiếu. Chủ động tham mưu với Ban chỉ đạo Quốc gia về Dân số và phát triển để xử lý, chỉ đạo những vấn đề trọng tâm, phối hợp liên ngành nhằm thực hiện hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới.

Ba là, tập trung xây dựng hoạt động và kinh phí cho công tác dân số năm 2023 và các năm tiếp theo, đặc biệt là các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ về dân số hằng năm và đến năm 2025 mà Đảng và Chính phủ đã giao.

Bốn là, tập trung chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ về dân số trong tình hình mới đối với các địa phương nhằm phấn đấu thực hiện và hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu về dân số được giao năm 2023. Chủ động lựa chọn và sắp xếp lịch làm việc với một số tỉnh/thành phố có tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu kế hoạch thấp; tổ chức bộ máy chưa kiện toàn, bố trí kinh phí ít để xác định nguyên nhân, đề xuất các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho địa phương.

Năm là, chủ động nắm bắt việc bố trí việc làm bổ nhiệm chức danh nghề của cán bộ dân số tại các địa phương để kịp thời phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng các quy định, đảm bảo cán bộ dân số được hưởng đúng chế độ đãi ngộ tương xứng với vị trí việc làm, đồng thời rà soát việc chi trả chế độ phụ cấp phòng chống dịch COVID-19 cho cán bộ dân số tham gia phòng chống dịch tại địa phương để đôn đốc các địa phương hoàn thành việc chi trả, đảm bảo quyến lợi cho cán bộ dân số.

Đối với Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng có chỉ đạo sát sao, cụ thể đối với Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố. Thứ trưởng nhấn mạnh:

Thứ nhất, các tỉnh, thành phố chưa ban hành cần khẩn trương xây dựng và trình UBND tỉnh/thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án về dân số đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt là việc tham mưu với HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách dân số trong tình hình mới; Nghị quyết về nội dung, định mức chi cho các hoạt động về y tế-dân số.

Thứ hai, tập trung xây dựng và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch về hoạt động và ngân sách địa phương đầu tư cho công tác dân số năm 2023 và các năm tiếp theo, đặc biệt là các chương trình, kế hoạch về Dân số đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ về dân số của địa phương hằng năm và đến năm 2025.

Thứ ba, phát huy tính chủ động, sáng tạo, vượt khó của địa phương, tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, hoạt động về truyền thông, điều chỉnh mức sinh, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tâm soát, điều trị bệnh, tật trước sinh, sơ sinh, tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 được giao.

Thứ tư, tiếp tục chủ động phối hợp với Sở Nội vụ, các sở ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số các cấp. Các tỉnh/thành phố chưa ban hành cần chủ động tham mưu, xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về mức chi bồi dưỡng hằng tháng cho cộng tác viên dân số ở thôn, xóm, bản làng. Rà soát lại việc phân công công việc theo đúng vị trí việc làm để chi trả phụ cấp ưu đãi nghề đúng quy định. Khẩn trương rà soát, chi trả phụ cấp phòng chống dịch COVID-19 cho cán bộ dân số tham gia phòng chống dịch.

Thứ năm, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp uỷ, chính quyền, sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể và đặc biệt là việc phát huy vai trò của Ban chỉ đạo công tác Dân số và phát triển các cấp. Tăng cường đào tạo tập huấn chuyên, môn nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra. Quan tâm, động viên, khích lệ toàn thể đội ngũ cán bộ làm công tác dân số khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, vượt khó, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao của ngành trong bối cảnh khó khăn chung của ngành Y tế. 

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số trân trọng cảm ơn những đánh giá, ghi nhận của Thứ trưởng đối với Tổng cục Dân số và những người làm công tác dân số trên cả nước. Ông Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh với những chỉ đạo cụ thể, sâu sát của Thứ trưởng, toàn ngành Dân số sẽ đoàn kết, nỗ lực có những tham mưu kịp thời với lãnh đạo Bộ cùng với sự ủng hộ của các địa phương tìm ra giải pháp phù hợp trong thời gian tới để vượt khó, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. 

Hà Anh
Thông tin chi tiết tại đây.