TỪ 1-7-2025, PHỤ NỮ ĐIỀU TRỊ HIẾM MUỘN SẼ ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ THAI SẢN

0
106

Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản trong trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh.

Sáng 29-6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật BHXH sửa đổi, gồm 11 chương, với 141 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.

Luật mới ban hành đã quy định rõ các đối tượng và điều kiện để được hưởng chế độ thai sản (Điều 50 của Luật).

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, cho biết có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng không quy định điều kiện, thời gian đóng BHXH trong 12 tháng trước khi sinh con đối với lao động nữ thuộc trường hợp hiếm muộn khi sinh con.

“Trường hợp này chỉ cần có thời gian đóng BHXH năm năm liên tục trở lên và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc điều trị hiếm muộn” – ý kiến này nêu.

Quốc hội đã thông qua Luật BHXH sửa đổi, theo đó, từ 1-7-2025, phụ nữ điều trị hiếm muộn sẽ được hưởng chế độ thai sản. Ảnh: PHẠM THẮNG

Về nội dung này, để gỡ các vướng mắc, Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đại biểu, chỉ đạo các cơ quan liên quan chỉnh lý theo hướng “lao động nữ sinh con đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh” sẽ được hưởng chế độ thai sản (khoản 5, điều 50).

Cũng theo Thường vụ Quốc hội, có ý kiến đề nghị người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi không nghỉ việc thì vẫn được hưởng chế độ thai sản giống như những trường hợp sinh con thông thường.

Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng quỹ ốm đau, thai sản trong những năm qua cơ bản không có sự chênh lệch về thu, chi (số thu lớn hơn số chi rất ít). Việc bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng chế độ này cần phải được đánh giá tác động cụ thể và bảo đảm được sự cân bằng quỹ. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật.

Luật BHXH sửa đổi vừa được thông qua quy định các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, i, k, l, m, n khoản 1 và khoản 2, Điều 2 của Luật BHXH được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp.

Cụ thể, lao động nữ mang thai, lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, lao động nữ nhờ mang thai hộ, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới sáu tháng tuổi, người lao động sử dụng các biện pháp tránh thai mà các biện pháp đó phải được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; lao động nam đang tham gia BHXH bắt buộc có vợ sinh con, vợ mang thai hộ sinh con.

Để được hưởng chế độ, lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, lao động nữ nhờ mang thai hộ, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới sáu tháng tuổi phải đóng BHXH bắt buộc từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới sáu tháng tuổi….

Trích Điều 50, Luật BHXH 2024

Nguồn: Báo Pháp Luật

Thông tin chi tiết xem tại đây