Nhiều gia đình hiện nay chỉ có một con. Và không ít người đã nghĩ con một là đứa con duy nhất trong nhà sẽ… sướng.
Trí Nhân cùng cha chụp ảnh kỷ niệm trong buổi tiệc mừng thọ người bà con. Từ khi mẹ qua đời, nhà chỉ còn hai cha con song mấy tháng mới gặp vì Nhân học và làm việc ở TP.HCM – Ảnh: NVCC
Chúng được chăm sóc chu đáo, cưng chiều hết mực, thậm chí dễ tạo áp lực buộc cha mẹ phải làm theo yêu cầu của mình mà không cần chia tài sản với ai. Sự thật thế nào?
Việc những ông bố bà mẹ chỉ có một con dành hết sự yêu chiều, điều kiện, thậm chí là gắng gượng để lo cho đứa con cưng được đủ đầy cũng dễ hiểu.
Nhưng đôi khi chính họ cũng không thể ngờ những gì được cho là hy sinh, lo lắng, bảo bọc nhất ấy lại vô tình trở thành “vòng kim cô” kìm kẹp lấy con mình.
Người chẳng đụng tay, kẻ làm đủ thứ
Cha mẹ khó khăn lắm mới sinh được một mụn con vào lúc tuổi đã 40 nên Trần Thị Cẩm Nhung (25 tuổi, ở Bến Tre) được yêu thương, cưng chiều hết mực.
Từ nhỏ, gia cảnh nhà không dư dả gì, song cha mẹ Nhung luôn cố gắng đáp ứng yêu cầu của con gái.
“Tôi chỉ có nhiệm vụ đi học và ăn ngủ, cha mẹ không cho làm gì hết. Cha mẹ không cho chạy xe đi học vì sợ nguy hiểm, tôi đi đâu cũng luôn có cha mẹ theo sát”, cô gái có cha mẹ là chủ một quán cơm nhỏ cho hay.
Nhung thích đồ chơi gì, cha mẹ sẵn sàng đáp ứng. Sợ con gái cực, cha mẹ Nhung miễn cho cô không phải làm việc nhà, kể cả… quét nhà.
Lớn lên khi vào đại học ở TP.HCM, Nhung cũng được cha mẹ giúp tìm trường, tìm nhà trọ rồi mua luôn vật dụng cá nhân, lau dọn giúp.
4 năm đại học, mọi chi phí Nhung gần như được cha mẹ lo từ A – Z, chỉ đi làm thêm năm cuối vì… thích, và cũng vì muốn thử thoát khỏi vỏ ốc được bao bọc bấy lâu.
Bao nhiêu năm sống trong bao bọc của cha mẹ, chẳng phải đụng tay đụng chân vào việc gì nên cũng chẳng có vốn sống gì để lận lưng thì đùng một cái mọi thứ quay ngược 360 độ.
Nhung ra trường, đi làm ở một ngân hàng với đồng lương của người mới đi làm cũng chỉ đủ xoay xở sống ở thành phố lớn. Nhưng lúc này cha mẹ đã gần 65 tuổi, hay đau ốm, không thể buôn bán như xưa.
Muốn đỡ đần mẹ cha, mỗi tháng Nhung gửi về nhà 3 triệu. Những lần bị giảm thu nhập, con số này cũng giảm theo.
“Cha mẹ không kêu nhưng sao tôi có thể không đưa đồng nào phụ giúp. Nếu tôi không đưa, họ lấy gì để ăn uống, đi chợ, chưa kể đau bệnh. Tôi đâu có anh chị em ruột nào phụ mình nuôi cha mẹ”, Nhung nói.
Cô gái nhớ lại hồi đợt dịch căng thẳng bị nhiễm bệnh và không thể về nhà. Ở quê, mẹ Nhung mắc COVID-19 nặng, cha phải tức tốc gọi cấp cứu đưa mẹ nhập viện. Trong nhà không đủ tiền, Nhung phải vay bạn 15 triệu đồng gửi về tạm ứng viện phí.
“May mắn hơn 10 ngày nằm viện thì mẹ tôi được về nhà. Nhưng sau đó tôi phải làm thêm một việc chân tay khác để có tiền trả lại cho bạn”, cô tâm sự.
Cũng là con một nhưng Phan Trí Nhân (sinh năm 2000) lại được tiếng hiền lành, hiếu thảo và giỏi giang. Nhân ra đời khi cha mẹ đã bước sang tuổi 40 nên chỉ có thể sinh mỗi mình anh. Mẹ Nhân bán rau ở chợ, cha chạy xe ôm, và bà nội đã già yếu sống cùng nhà.
Nhiều năm trước, người dân ở cái xóm nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (TP Châu Đốc, An Giang) nơi gia đình Nhân ở đều đã quen với hình ảnh một cậu bé nhỏ nhắn đạp xe ra chợ phụ mẹ buôn bán, ngày được nghỉ học ở nhà cơm nước phụ bà nội để cha mẹ đi làm.
Từ nhỏ đến hết lớp 12, Nhân một buổi đi học, buổi còn lại ra chợ bán phụ hoặc đi mua hàng cho mẹ. Ngày nào nghỉ học thì nấu cơm, rửa chén cho cả nhà, cho gà với chó ăn. Nhiều năm liền anh đều đạt học sinh giỏi dù chẳng có tiền đi học thêm như bè bạn.
Mấy năm trước, bà nội và mẹ Nhân lần lượt qua đời do bệnh. Nhà chỉ còn hai cha con, Nhân lại học xa nên ở quê chỉ còn lại người cha già đã 66 tuổi một mình lủi thủi.
4 năm đèn sách cũng đã gần hoàn thành khi Nhân đang làm luận văn để tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Để có tiền xoay xở, anh hiện đang làm part-time kế toán cho một quán cà phê ở TP Dĩ An (Bình Dương).
Nhân tâm sự rằng là con một nhưng sinh ra trong một gia đình nghèo, sống trong căn nhà tình thương được địa phương tặng, cha mẹ chủ yếu lo làm kiếm tiền nên Nhân lớn lên bằng ý thức tự lập của mình.
“Cha mẹ luôn rèn tôi ý thức tự giác, tự chăm sóc bản thân mình, chỉ dạy bảo khi làm sai, cũng không giám sát gì mà luôn tạo không gian riêng tư, để con cái trải nghiệm nhiều thứ rồi tự lớn lên, biết cái nào nên hay không nên làm”, Nhân cho biết.
Làm con một áp lực rất nhiều
Sướng một, áp lực tới mười
Vì nhiều lý do mà cha mẹ của Minh Nguyệt (ở H.Bình Chánh, TP.HCM) không thể sinh thêm con. Chắc vì lẽ chỉ có mỗi Nguyệt nên họ rất thương chiều con, đặc biệt là cha của Nguyệt.
Thế nhưng chỉ cần qua tuổi ấu thơ, phần đông những đứa con một như Nguyệt đã bắt đầu thấm được áp lực của con một trong nhà.
Nguyệt nói mình vui một mà áp lực tới một trăm khi là đứa con duy nhất đến nỗi cô đã từng ước phải chi mình có anh chị em. “Tôi không muốn là con một chút nào cả”, cô nói.
Nguyệt có lý lẽ của riêng mình. Một phần nguyên do khiến Nguyệt xúc động khi nói về mình là từ việc cha mẹ đã “vung quá tay”, vượt ngoài khả năng tài chính của gia đình để lo cho cô đủ đầy nhất, không để con thua thiệt so với con nhà người ta.
Từ việc được học trường quốc tế (nhưng đã nghỉ giữa chừng – PV), đi xe loại xịn đến chuyện ai có gì thì Nguyệt sẽ có thứ đó, có khi hơn.
Nhưng ở hiện tại, khi cha mẹ cô “chưa già nhưng đã yếu”, Nguyệt trở thành lao động chính và rồi vô tình chịu áp lực với một khoản nợ lớn của gia đình.
Nguyệt không than vãn về khoản nợ, về những áp lực đang trải qua nhiều bởi cô hiểu phần nguyên do của những vấn đề ấy xuất phát từ tình thương mà cô may mắn được trao nhận.
Biết ơn cha mẹ đã cho cuộc sống đủ đầy từ nhỏ, nhưng giờ đây mọi gánh nặng đang đổ lên vai cô con gái. Trong khi đó, Nguyệt lại chưa đủ khả năng để cha mẹ sống chẳng lo cơm áo như họ đã từng lo cho cô.
“Tôi ước mình có thêm em hay anh chị để san sẻ tình yêu thương, cũng là choàng nhau áp lực phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu…”, Nguyệt trải lòng.
Còn Cẩm Nhung, mấy năm đi làm, Nhung nói mình không có dư dù đã cố gắng tiết kiệm bởi còn phải gồng gánh nhiều thứ.
“Hồi đó cha mẹ nuôi mình tôi, giờ mình tôi phải nuôi hai người, nếu tôi có gia đình riêng thì còn phải nuôi thêm con. Tôi thương cha mẹ, không dám coi họ là gánh nặng nhưng tôi thật sự quá áp lực khi chỉ có một mình…”, cô gái mắt đỏ hoe, trải lòng.
Theo ThS Phạm Chánh Trung – chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, hiện nay thống kê dân số sẽ đánh giá dựa trên con số tính toán hằng năm dựa trên số trẻ sinh ra và số phụ nữ trong độ tuổi khả sản để nắm tình hình chung của một tỉnh thành, chứ không xem xét từng hộ gia đình.
Hơn nữa, tuổi khả sản sẽ trải dài theo lý thuyết nhân khẩu học là từ 15 đến 49 tuổi, nên việc thống kê số lượng gia đình chỉ có một con chưa được sử dụng để đánh giá mức sinh.
“Chúng ta có con số tổng tỉ suất sinh năm 2023 là 1,32 con/phụ nữ, có nghĩa là hiện nay có nhiều gia đình tại TP chỉ sinh một con. Trong khi đó, con số lý tưởng về tái sản xuất dân số theo nhân khẩu học là 2,1 con/phụ nữ”, ông Trung cho biết.
***********
Khi yêu thương của cha mẹ dồn hết vào đứa con duy nhất và “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
Thông tin chi tiết xem tại đây