CON MỘT THỜI NAY: SƯỚNG HAY KHỔ – KỲ 2: CON MỘT ĐƯỢC NÂNG NHƯ TRỨNG MỎNG

0
271

Khi yêu thương của cha mẹ trong gia đình dồn hết vào đứa con duy nhất, những người con một thường sẽ được bảo bọc từng li từng tí, đúng nghĩa đen của cụm từ “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.

Gia Hân trong lễ tốt nghiệp tại TP.HCM. Là con một, Hân phải mất nhiều thời gian thuyết phục cha mẹ cho học xa nhà – Ảnh: NVCC

Một điều dễ nhận thấy ở con một là họ thường được cha mẹ đầu tư hết sức mình, nuôi dưỡng, cho ăn học đến nơi đến chốn cho dù gia đình khá giả hay chỉ thuộc dạng trung bình.

Được đi du học, lại không vất vả làm thêm

Lý Gia Hân (24 tuổi, quê Đồng Tháp) ngay từ nhỏ đã nhận ra mình được cưng chiều hơn hẳn bạn đồng trang lứa. Bạn bè thường phải lên cấp III mới có điện thoại, nhưng Hân đã mua ngay từ đầu cấp II. Cô bé được nuông chiều, có thể nói ăn sung mặc sướng, dù cha mẹ chỉ buôn bán tạp hóa nhỏ ở quê.

Được lo lắng đầy đủ về vật chất, nhưng Hân lại “chậm” hơn bạn cùng tuổi ở nhiều thứ khác. Bạn bè tiểu học đã chạy xe đạp ào ào thì tới tận lớp 8 Hân mới tập tành đạp xe chút đỉnh, còn lại đều được đưa đón dù đi học hay đi chơi.

Bạn bè năm nhất đại học đã tự chạy xe máy thì Hân chỉ biết chạy sau khi… tốt nghiệp đại học, còn trước đó cô là “mối ruột” của hãng xe ôm công nghệ. Hầu hết trẻ em ở tỉnh lẻ đều phải làm việc nhà, phụ giúp cha mẹ nhưng riêng Hân “trước khi vào đại học chưa từng động đến quét nhà hay rửa chén”.

Trong khi đó, Thảo Nguyên, cô gái con một khác ở TP.HCM, thì đến tận 35 tuổi cũng vẫn chưa… rớ tới xe máy.

“Khi tôi còn nhỏ, ba mẹ bảo bọc quá mức, hầu như không cho tôi đi chơi xa với bạn bè. Năm lớp 9, lớp tôi tổ chức đi biển chơi trước khi thi cuối cấp. Những bạn khác được gia đình cho đi khá thoải mái, riêng tôi và một số bạn con một khác thì thầy giáo chủ nhiệm phải gọi điện thuyết phục rất nhiều ba mẹ mới cho tụi tôi đi, một phần do tôi chưa biết bơi”, Nguyên chia sẻ.

Sợ con “lỡ có bề gì” nếu tự chạy xe, Nguyên được đưa đón mọi lúc hệt như Gia Hân. Nỗi sợ của cha mẹ được nhắc nhiều đến nỗi trở thành ám ảnh của chính Nguyên với xe máy. Đến lúc đi làm, đặc thù công việc ngành truyền thông lại khiến Nguyên thành “khác lạ” khi không biết chạy xe máy.

“Bạn bè tôi vẫn có nhiều người không chạy xe máy được. Có những bạn làm quản lý, giám đốc ở tập đoàn lớn nhưng vẫn không biết đi xe máy, chỉ đi taxi, xe công nghệ. Và điểm chung là họ cũng là con một, hoặc được gia đình quan tâm, bảo bọc quá mức như tôi”, Nguyên bộc bạch.

Tương tự, là con một nên Thành Vũ (27 tuổi, đã đổi tên) chưa khi nào đụng tay vào việc nhà hay phải mang nỗi lo cơm áo gạo tiền. Cha là tài xế chạy xe, mẹ kinh doanh nên gia đình Vũ cũng thuộc diện khá giả. Vũ trải qua những năm tháng học trò ở quê nhà Vĩnh Long với sự chăm lo “tận răng” của cha mẹ, đến cả đi chơi với bạn bè thì cha anh cũng phải đưa đi đón về mới yên tâm dù anh là con trai.

Cách đây 7 – 8 năm, nhiều vùng nông thôn vẫn ít có đứa trẻ nào được cho đi du học tự túc ở một đất nước có chi phí đắt đỏ hàng đầu như Nhật Bản. Vậy mà cha mẹ Vũ quyết tâm dồn hết mọi thứ cho cậu con trai duy nhất đặt chân đến xứ mặt trời mọc. “Học ở Nhật tốn kém lắm nhưng mọi thứ từ ăn ở, tiền học, cha mẹ đều chu cấp chứ tôi không phải vất vả làm thêm như những du học sinh Việt Nam khác”, Vũ kể.

Người bị kiểm soát, người tự do trải nghiệm

Được nuông chiều thì sướng thật, song những đứa con một như Gia Hân hay Thành Vũ chia sẻ họ luôn thấy “ngộp” khi luôn nằm trong vòng kiểm soát chặt chẽ từ phụ huynh, nhất là ở vào thời ai cũng đã dùng điện thoại thông minh.

“Tôi đã ra trường hai năm, nhưng tới giờ cha mẹ vẫn cài định vị điện thoại để lâu lâu kiểm tra tôi đang ở đâu”, Hân kể. Ngay cả quyết định rời quê để học đại học ở TP.HCM, Hân cũng phải đấu tranh rất nhiều mới nhận được cái gật đầu của cha mẹ.

“Nhà ở Đồng Tháp, cha mẹ chỉ muốn tôi học Cần Thơ cho gần. Tôi chỉ xin đi học ở Sài Gòn được với điều kiện phải ở cùng chị họ”, Hân kể. Ở quê xa xôi nhưng cho đến tận bây giờ, mỗi lần Hân thuê trọ thì cha mẹ Hân thậm chí vẫn đón xe từ nhà lên TP để giúp con tìm nhà trọ, “biết rõ nơi con ở” mới yên tâm.

Là con trai một có ba làm việc ở ngành dầu khí, mẹ là kế toán, anh Nguyễn Hòa Thái (31 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chỉ thấy cô đơn do từ nhỏ không có anh chị em chơi cùng, chứ không thấy mình bị kiểm soát. Tuy vậy, anh cũng gặp áp lực vô hình bởi kỳ vọng của phụ huynh.

“Điểm thấp thì giấu, sợ bị la. Thầy cô đánh đòn cũng không dám nói, sợ cha mẹ nghĩ mình lì nên bị đánh là đúng rồi”, anh Thái nói. Từ nhỏ, ba mẹ anh không kiểm soát theo kiểu “kè kè theo con mọi lúc mọi nơi” hay kiểm tra mọi thứ mà con cho là riêng tư.

Anh Thái được tham gia mọi hoạt động vui chơi, tập những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như đạp xe, bơi lội, cha mẹ anh chỉ thi thoảng ngó qua xem con tập thế nào. “Thật ra có kiểm soát đôi chút nhưng cũng thoáng vì muốn con được va vấp, trải nghiệm”.

Nhiều phụ nữ thời nay được động viên sinh nhiều hơn một con – Ảnh: DUYÊN PHAN

Gánh trên vai kỳ vọng của cha mẹ

Nhận được trọn vẹn yêu thương, quan tâm của cha mẹ, nhưng những người con một cũng đồng thời phải gánh áp lực từ sự kỳ vọng, cầu toàn của cha mẹ ngay từ nhỏ.

Thảo Nguyên kể khi còn là một đứa trẻ vì là con một nên mọi hy vọng của gia đình đều đổ vào cô. Cha mẹ luôn muốn Nguyên phải giỏi giang, phải vào trường chuyên lớp chọn. “Tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng sống quá lâu trong kỳ vọng cao của cha mẹ nên lúc nào cũng khiến tôi thấy mình làm chưa đủ tốt”.

Là con một, nếu gọi bằng một câu tích cực, Nguyên là đứa con một hiểu chuyện khi cố gắng đạt được kỳ vọng của cha mẹ. Nhưng kỳ vọng ấy cũng là gánh nặng khiến cô gần như trầm cảm suốt thời học phổ thông.

Nguyên cho biết với các quyết định quan trọng luôn cân nhắc đến gia đình vì cô thương và đặt cha mẹ trên hết. “Những đứa con khác có thể lựa chọn làm công việc mình thích chứ ít theo ý cha mẹ, nhưng ở vai trò con một mới hiểu mọi thứ không dễ dàng như vậy, không phải muốn là làm vì mọi sự đầu tư của cha mẹ đã dồn hết vào mình”, Nguyên kể.

Áp lực của cô hiện không còn là việc phải sống theo kỳ vọng của cha mẹ, mà là làm thế nào để trở thành trụ cột trong gia đình, một mình gánh vác mọi thứ.

“Giờ ba mẹ đã về hưu, đau ốm thì cũng chỉ có mình tôi chăm sóc. Mỗi lần ba mẹ bệnh nặng thì chỉ có một mình tôi xoay xở. Tôi phải xin nghỉ việc để vào viện chăm sóc. Đi công tác xa nhà vài trăm cây số nhưng nghe mẹ điện báo ba nhập viện cũng phải bỏ ngang xin về. Nhưng đó chưa phải nỗi lo lớn nhất của tôi. Khi cha mẹ về già, điều tôi thấy sợ nhất là khi nghĩ về việc lúc nào đó tôi đúng nghĩa chỉ còn một mình trên đời”, Nguyên tâm sự.

Có tâm lý xem mình là “rốn” vũ trụ

ThS Nguyễn Thị Ngọc Vui – giảng viên khoa tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) – nhận định con một dĩ nhiên sẽ được hưởng trọn vẹn tình thương, bảo bọc và nguồn lực từ ba mẹ, nhưng đồng thời cũng là thách thức, áp lực. Các bạn này cũng dễ mất đi cơ hội được trải nghiệm sự chia sẻ, giao tiếp và lớn lên cùng anh chị em của mình.

“Con một dễ có nguy cơ gặp vấn đề liên quan đến giao tiếp, đối xử bởi theo những nghiên cứu về tâm lý học thì con một dễ bị phụ thuộc vào bố hoặc mẹ, hoặc cả hai. Thế giới của đứa con một lớn lên đã quen với việc mình là rốn của vũ trụ.

Vậy nên sau khi lớn và bước ra môi trường đi học, đi làm rồi thấy mình không được ưu ái, mọi thứ không xoay quanh mình, đứa con này sẽ dễ bị khủng hoảng, xem đó là sự bất công”, ThS Ngọc Vui nói.

————————-

Được chăm bẵm như đứa trẻ cho đến tận đôi mươi nhưng biến cố ập đến khiến Thành Vũ bỗng nhiên phải trở thành trụ cột, chỗ dựa của cả cha lẫn mẹ chỉ trong một ngày.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Thông tin chi tiết xem tại đây