Con một thời nay: sướng hay khổ? Nếu trước đây các gia đình có con một thường do không thể sinh thêm vì tuổi tác, thì gần đây ngày càng nhiều người chỉ dám sinh một con, đa phần do “kinh tế khó khăn”.
Hết nợ mới tính chuyện sinh thêm
Chập tối, sau khi đi làm về, cơm nước xong xuôi, chị Bùi Thị Trang (36 tuổi) từ phòng trọ trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP.HCM) gọi video cho con gái hỏi thăm kết quả thi tuyển sinh chuyển cấp của con.
Hồng Đào, con gái duy nhất của vợ chồng chị, vừa hoàn thành lớp 9. Cô bé sống với bà ngoại ở An Biên (Kiên Giang) từ nhỏ bởi cha mẹ đi làm xa.
Chị Trang là công nhân tại một công ty xuất khẩu sản phẩm đông lạnh nhiều năm nay. Lương cơ bản 5 triệu, tháng nào tăng ca nhiều thì thu nhập khoảng 10 – 11 triệu đồng.
Chồng chị – anh Ngô Văn Phương – nửa năm nay là tài xế ô tô một hãng xe công nghệ, sau khi trải qua nhiều nghề. Được hỗ trợ lương cứng, thu nhập của anh sau khi trừ hết chi phí còn khoảng 10 – 14 triệu/tháng tùy số cuốc xe, khoản này gồm cả tiền boa.
Vợ chồng anh thuê phòng trong dãy trọ công nhân gần Khu chế xuất Tân Thuận, sống cùng cháu gái. Trừ chi phí sinh hoạt, mỗi năm vợ chồng gửi bà ngoại của Hồng Đào 15 triệu đồng để bà nuôi cháu giúp.
Nhìn qua, thu nhập hai vợ chồng cộng lại cũng có dư chút. Vậy nhưng đến nay con gái chuẩn bị vào lớp 10, chị đã gần 40 tuổi mà họ vẫn chưa định sinh thêm con thứ hai.
Tương tự, vợ chồng anh Văn Tín (32 tuổi, quận Bình Tân) cũng chưa muốn sinh thêm sau khi bé trai đầu lòng đã gần 2 tuổi, dù bị hối thúc, thậm chí áp đặt sinh tiếp đứa nữa với lý lẽ ngàn đời “khổ lần cho luôn” từ cha mẹ.
“Đẻ chi nữa, một đứa đủ rồi, cũng xem như hoàn thành nghĩa vụ nối dõi dòng giống vì có con trai rồi”, anh Tín cười nói. Anh cũng là con duy nhất của một gia đình ở ven biển tỉnh miền Trung.
Hiện nay, một số gia đình trẻ hoàn cảnh khó khăn hay dư dả cũng phân vân có nên sinh thêm. Theo các chuyên gia, người phụ nữ hiện đại đang nhìn ra được nhiều cơ hội, điều kiện phát triển mình. Từ đó đưa ra những thứ tự ưu tiên, việc chỉ có một con sẽ thuận tiện hơn để họ theo đuổi nhiều sứ mệnh, vị trí dưới nhiều vai trò hơn.
Vợ chồng chị Thu Trinh (34 tuổi, ở TP Thủ Đức) có tài chính dư nuôi hai con, song tới giờ con trai đầu lòng đã 9 tuổi, chị lại cho biết không muốn sinh tiếp. Người phụ nữ làm nhân viên ngân hàng, có chồng là kỹ sư xây dựng, chia sẻ một phần vì lười đẻ, còn lại do công việc cả hai quá bận, áp lực triền miên, sợ không có thời gian chăm sóc và dạy dỗ con cho tốt.
Hơn nữa, chị nói mình đang có khả năng thăng tiến nên lúc này chỉ muốn dồn sức vào công việc, chưa muốn gián đoạn vì sinh thêm con.
Vòng lặp áp lực
“Tiền đâu mà đẻ”, anh Ngô Văn Phương thở dài khi được hỏi vì sao chưa sinh thêm con. “Chừng nào trả hết nợ rồi tính”, anh nói.
“Giờ tụi tui lãnh lương ra còn phải trả tiền trọ, ăn uống, thêm trả nợ rồi gửi cho cha mẹ. Có dư một chút nhỏ thôi nên cũng lừng khừng chưa dám đẻ. Lỡ đau bệnh hay mất việc bất ngờ thì tiền đâu nuôi hai đứa con? Chưa kể nếu đẻ thêm phải ở nhà giữ con, mất một đầu lương, mà ở quê khó kiếm việc lắm”, vợ anh Phương bộc bạch.
Còn anh Văn Tín, thực ra vợ chồng anh cũng muốn có thêm con. Cả hai thừa hiểu khi già đi thì đông con, nhiều cháu sẽ vui và hạnh phúc biết mấy. Nhưng trước khi nghĩ về tương lai, bắt buộc phải nhìn kỹ thực tại: một cuộc sống vây quanh bởi áp lực.
Là con một, anh Tín chia sẻ nếu trước đó anh gần như được cha mẹ “thả nổi” tự lớn, tự quyết định trong việc ăn học, thì đến nay vợ chồng muốn đồng hành cùng con trong mọi việc. Anh thừa hiểu những gì mà vợ chồng đang tính toán, vạch ra chắc chắn sẽ gây áp lực lớn cho con. Nhưng phận làm cha làm mẹ, anh chỉ muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con.
Anh tâm sự thêm gánh nặng là con một thì mình quá hiểu. Nhưng khi quyết định chỉ sinh một con rồi thôi, vòng luẩn quẩn áp lực ấy lại không thể “hóa giải”.