NỮ GIỚI Ở TP.HCM THỌ HƠN 5,3 TUỔI SO VỚI ĐÀN ÔNG, TẠI SAO?

0
325

Tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM là 76,5 tuổi, cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước (74,5 tuổi). Trong đó, tuổi thọ trung bình của nam là 73,9 tuổi và nữ là 79,2 tuổi.

Phụ nữ ở TP.HCM có tuổi thọ trung bình cao hơn nam giới 5,3 tuổi và sắp đạt mốc 80 tuổi – Ảnh: THÙY DƯƠNG

Tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM cao hơn mặt bằng chung tuổi thọ của cả nước là 2 tuổi. Vậy trong những năm tới, dự đoán tuổi thọ của người dân TP.HCM còn tiếp tục tăng nữa không?

Ông Phạm Chánh Trung, chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho hay: “Khi tuổi thọ của người dân TP.HCM đã ở mức cao rồi, trong những năm tới tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM sẽ tiếp tục tăng, nhưng sẽ tăng chậm chứ không tăng nhanh như trước đó”.

Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2025 tuổi thọ của người dân TP.HCM sẽ tăng lên mức 76,8 tuổi và đến năm 2030 sẽ tăng lên mức 77 tuổi.

Năm 2023, tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM là 76,5 tuổi, cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước là 74,5 tuổi (nguồn số liệu từ Tổng cục Thống kê). Trong đó, tuổi thọ trung bình của nam là 73,9 và nữ là 79,2. Như vậy, tuổi thọ trung bình của nữ hơn nam là 5,3 tuổi.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, phó chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực TP.HCM, lý giải tuổi thọ của phụ nữ cao hơn đàn ông là do phụ nữ quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn nam giới.

Phụ nữ hay đi khám sức khỏe định kỳ hơn nam giới. Phụ nữ ít phải làm những việc nặng nên ít bị tai nạn lao động. Phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt, được thay máu hằng tháng nên phụ nữ có sức khỏe tốt hơn nam giới.

Phụ nữ còn có lối sống lành mạnh hơn nam giới, trong khi nam giới hay nhậu, hút thuốc lá… thì nữ giới ưa thích ăn rau, trái cây, tập thể dục thường xuyên hơn.

Ông Chánh Trung cho rằng có nhiều yếu tố tác động đến tuổi thọ như môi trường sống, chế độ dinh dưỡng, vận động thể dục thể thao, sức khỏe tinh thần, sự cân bằng về dinh dưỡng và rèn luyện, giữ gìn sức khỏe cùng với sự thuận lợi trong việc tiếp cận hệ thống y tế là những yếu tố giúp tuổi thọ trung bình tăng.

Việc được tiếp cận dễ dàng với các kiến thức dinh dưỡng cũng như chế độ ăn lành mạnh cũng là một trong những nguyên nhân giúp cho người dân có thể nâng cao tuổi thọ trung bình.

“Tuy nhiên điều quan trọng là tuổi thọ trung bình và tuổi thọ khỏe mạnh của người dân hiện nay chênh rất cao, có nghĩa là người cao tuổi của chúng ta mặc dù sống thọ nhưng vẫn phải đối mặt và sống chung với các bệnh tật”, ông Chánh Trung lưu ý.

Tuổi thọ trung bình của TP.HCM giảm bình quân 0,2 – 0,3 tuổi do COVID-19

Theo nguồn số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM năm 2016 đã lên đến 76,5 tuổi, tuy nhiên năm 2021 giảm còn 76,2 tuổi và năm 2022 là 76,3 tuổi.

Theo các chuyên gia, do 2 năm 2021 và 2022 xảy ra dịch COVID-19 nên đã làm tuổi thọ trung bình của người dân giảm hẳn. Năm 2023 tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM là 76,5 tuổi.

Nữ giới luôn có tuổi thọ bình quân cao hơn nam

Năm 2023, Niên giám thống kê cho biết tuổi thọ bình quân người Việt đạt 74,5 tuổi, trong đó nam là 72,1 tuổi và nữ là 77,2 tuổi, nữ giới cũng thọ hơn nam trung bình hơn 5 tuổi. Mục tiêu đến năm 2030 tuổi thọ bình quân chung đạt mức 75 tuổi.

Trên thế giới, tuổi thọ trung bình của phụ nữ Nhật Bản là 87,14 tuổi, tăng 0,05 tuổi so với năm 2022, trong khi tuổi thọ trung bình của nam giới là 81,09 tuổi, tăng 0,04 tuổi.

Nhật Bản vẫn giữ vị trí đứng đầu toàn cầu về tuổi thọ của phụ nữ, tiếp theo là Thụy Sĩ với 85,9 tuổi và Pháp với 85,75 tuổi.

Trong bảng xếp hạng toàn cầu về tuổi thọ nam giới, Nhật Bản tụt từ vị trí thứ 4 xuống thứ 5. Thụy Sĩ vẫn đứng đầu với 82,3 tuổi, tiếp theo là Thụy Điển với 81,58 tuổi và Na Uy với 81,39 tuổi.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Thông tin chi tiết xem tại đây