TỪ CHUYỆN MỨC PHÍ “NHÀ GIÀ” VÀ KHẢ NĂNG CHI TRẢ CỦA NGƯỜI GIÀ

0
30

Tháng 7 vừa qua, nhân dịp tham gia một hội thảo ở Vũng Tàu, tôi được đi thăm Trung tâm chăm sóc người cao tuổi (NCT) trên địa bàn. Bản thân tôi là một NCT và vẫn nghiên cứu về dân số, nên tôi rất háo hức với chuyến đi này.

Đến năm 2021, Việt Nam đã có 13 triệu người cao tuổi (đủ 60 tuổi trở lên). Trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa, gia đình nhỏ và kinh tế thị trường, chăm sóc NCT thường vượt quá khả năng gia đình. Vì vậy, NCT sống trong các Trung tâm như thế này là sự lựa chọn phù hợp. Đến thăm tôi được biết trong Trung tâm có cụ Việt kiều, lương hưu 4.000 USD, lựa chọn trở về cội nguồn (nói tiếng mẹ đẻ, ăn cơm “chuẩn mẹ nấu”), được sống gần gũi với thiên nhiên, hít thở không khí biển hàng ngày mà giá so với lương thì “rẻ ơi là rẻ”.

Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ mới biết đầu tư cho “nhà già” tốn kém hơn nhiều so với đầu tư cho “nhà trẻ”. Vì vậy, phí vào Trung tâm nhìn chung chưa phù hợp với số đông NCT Việt Nam. Phí mỗi tháng như sau: 18 triệu đồng/người/phòng; 14 triệu đồng/2 người/phòng; 9 triệu đồng/6 người/phòng. Nhìn vào chi phí này có thể thấy nếu nhà nước không có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ (đất đai, lãi suất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực…) thì những Trung tâm cần thiết như thế khó phát triển.

Việt Nam bắt đầu bước vào quá trình già hóa dân số từ năm 2011 (Ảnh minh họa: CV)

 

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ NCT của nước ta năm 2011, đạt 10%, nghĩa là bắt đầu bước vào quá trình già hóa và sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038, khi  có hơn 22 triệu NCT chiếm 20% tổng số dân.

Với thời gian tăng gấp đôi tỷ lệ NCT dự kiến chỉ là 27 năm (2011 – 2038), Việt Nam thuộc nhóm quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới (Trung Quốc 26 năm; Thái Lan 22 năm; Brazil 21 năm…). Quá trình già hóa dân số ở các nước như Pháp là 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Úc 73 năm … Điều này cho thấy, thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, tâm lý xã hội cho dân số già của Việt Nam ngắn hơn rất nhiều so với các nước đã phát triển.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy NCT nước ta có một số đặc điểm sau.

Thứ nhất, NCT là nữ chiếm số đông. Năm 2019, trong tổng số hơn 11,4 triệu NCT thì có tới trên 6,6 triệu cụ bà (chiếm 58%), còn lại là 4,7 triệu cụ ông (chiếm 42%). Nói khác đi, cứ 100 cụ ông thì có tới 139 cụ bà!

Cần chú ý rằng, tuổi càng cao thì số cụ bà càng nhiều hơn số cụ ông. Từ tuổi 85 trở lên, số cụ bà gấp hơn 2 lần số cụ ông! Năm 2019, tỷ lệ nam giới cao tuổi đang có vợ là 88% nhưng đối với nữ cao tuổi đang kết hôn chỉ có 53,3%! Đặc biệt, cả nước có hơn 474.000 cụ ông góa vợ thì có tới trên 2,7 triệu cụ bà góa chồng, nhiều gấp 5,7 lần so với cụ ông.

Rõ ràng, già hóa, chủ yếu là già hóa nữ, và phụ nữ khi về già thường thiệt thòi hơn nam giới: Sống đơn côi và có thể vẫn phải tiếp tục thực hiện trách nhiệm với cha mẹ già và những đứa con chưa trưởng thành!

Từ phân tích trên, chúng ta có thể rút ra kết luận là chính sách đối với NCT, hoạt  động của Hội NCT cần chú ý nhóm nữ, nhất là nhóm nữ góa chồng.

Thứ hai, người cao tuổi ở nước ta chủ yếu sống ở nông thôn, đa số không có thu nhập thường xuyên.

Tổng điều tra dân số năm 2019 cho thấy 67,2 % NCT sống ở nông thôn. Cư trú ở nông thôn, nên thế hệ cao tuổi ngày nay phần lớn làm nông nghiệp, là nông dân, hầu hết không có lương hưu.

Hiện nay chỉ có khoảng 23% NCT hưởng lương hưu hoặc trợ cấp từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội, số còn lại sống dựa vào hỗ trợ của con cháu/người thân hoặc tự lao động mưu sinh… Theo dự báo đến năm 2060 cũng chỉ  có 10 triệu người hưởng lương hưu, chiếm 31,8% NCT. Như vậy, an ninh thu nhập của NCT không chỉ là thách  thức lớn hiện nay mà còn cả trong tương lai xa.

Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp để đa dạng hóa nguồn thu nhập của NCT, đặc biệt là tăng tỷ lệ NCT có lương hưu; tăng tỷ lệ NCT có việc làm (nếu có khả năng và có nhu cầu), tăng tỷ lệ NCT được hưởng trợ cấp xã hội, có chính sách hỗ trợ để giảm chi phí khi vào các Trung tâm dưỡng lão.

Thứ ba, cứ 100 người cao tuổi thì có 38 người tham gia lực lượng lao động.

Theo Tổng điều tra dân số 2019, khoảng 4,41 triệu NCT tham gia lực lượng lao động, chiếm 7,9% lực lượng lao động của cả nước và bằng 38% số NCT.

Hàng triệu NCT đang hoạt động kinh tế vừa phản ảnh khả năng, vừa phản ảnh nhu cầu có việc làm của NCT, đồng thời là đóng góp lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên các thống kê cũng cho thấy phần lớn NCT tham gia lực lượng lao động gặp khó khăn trong tiếp cận việc làm. Để giải quyết vấn đề này, nhà nước cần đa dạng chính sách thu hút, khuyến khích, hỗ trợ NCT và doanh nghiệp sử dụng lao động cao tuổi.

Gia đình và xã hội ủng hộ NCT tiếp tục làm việc phù hợp khả năng sức khỏe, chuyên môn; chú trọng đào tạo nghề và đào tạo chuyển đổi nghề cho NCT.

Thứ tư, phần lớn người cao tuổi sống với con nhưng tỷ lệ này đang giảm nhanh.

Mối liên hệ giữa các thế hệ trong văn hóa truyền thống Việt Nam là “Trẻ cậy cha, già cậy con”, gia đình thường có “tam, tứ đại đồng đường”.

Khảo sát năm 2018  cho thấy 61,3% NCT đang sống cùng ít nhất một người con. Tuy nhiên, quy mô gia đình Việt Nam không ngừng giảm: Từ 5,22 khẩu/hộ (năm 1979) chỉ còn 3,6 khẩu/hộ (năm 2019). Thậm chí, một số tỉnh có tỷ lệ dân nông thôn lớn nhưng quy mô gia đình rất nhỏ, như: Thái Bình, Nam Định chỉ có 3,1 khẩu/hộ; Hà Nam, Hải Dương, Bến Tre đều 3,2 khẩu/hộ…

Năm 2009  tỷ lệ NCT ở riêng (sống một mình hoặc chỉ sống với vợ/chồng) là 18,37% thì đến năm 2019 đã tăng lên 27,83%. Xu hướng này đồng nghĩa với việc NCT sống cùng con cháu giảm nhanh. Như vậy, việc “tự cung, tự cấp chăm sóc NCT” sẽ ngày càng khó khăn do thiếu nhân lực gia đình

Các cơ quan quản lý cần tính đến việc khuyến khích đa dạng hóa nơi ở của NCT và đa dạng hóa các hình thức chăm sóc NCT. Bên cạnh hình thức “tự cung, tự cấp chăm sóc NCT” nên hình thành và phát triển nhanh “dịch vụ chăm sóc NCT”. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc xây dựng, phát triển và đa dạng hóa các hình thức đào tạo nhân viên chăm sóc và cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc NCT, để không chỉ các cụ Việt kiều lương hưu cao mà NCT trong nước cũng có thể vào ở các “nhà già” thuận lợi hơn.

Thứ năm, khác biệt thế hệ, mâu thuẫn thế hệ và xung đột thế hệ. Thế hệ tuổi trẻ (sinh sau Đổi mới 1986) và thế hệ cao tuổi (sinh trước năm 1964) ở Việt Nam sinh ra và lớn lên trong bối cảnh hết sức khác biệt về kinh tế – xã hội.

Do vậy, nếu không vượt qua được sự khác biệt giữa 2 thế hệ, không có sự chia sẻ, thấu hiểu những đặc điểm của NCT như đã trình bày ở trên, sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa thế hệ trẻ và thế hệ già. Không giải quyết được mâu thuẫn sẽ dẫn đến xung đột, và NCT yếu thế về nhiều mặt sẽ luôn là nạn nhân của xung đột.

Nhà nước và Hội NCT cần tăng cường giáo dục, truyền thông cho cả hai thế hệ để các thế hệ lắng nghe nhau, thấu hiểu nhau và luôn luôn chia sẻ. Luật Người cao tuổi khi sửa đổi, cần có mục bảo vệ NCT cả về thân thể, tinh thần, nhân phẩm, tài sản…

Trên đây là một vài nét về xu thế già hóa, đặc điểm người cao tuổi ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách. Trong khuôn khổ một bài viết không thể nêu được bức tranh toàn cảnh. Nhưng tựu trung, có thể nói dân số già và biến đổi khí hậu đang trở thành 2 trong số những vấn đề cấp bách nhất trong chính sách của nhiều quốc gia. Vào giữa tháng 6 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dân số, mà lý do chính là tình trạng tỷ lệ sinh thấp, dân số già.

Việt Nam tuy chưa ở mức báo động, nhưng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới khi NCT cũng đang tăng nhanh cả về số lượng và tỷ lệ. Chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu, truyền thông về xu thế già hóa nhanh để toàn xã hội nhận thức đầy đủ về thời cơ, thách thức của thời kỳ này. Các cơ quan quản lý sớm có chính sách phù hợp, hữu hiệu thích ứng với già hóa, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn dân nói chung và chất lượng cuộc sống của hàng chục triệu NCT nói riêng.

Nguồn: Báo Dân Trí

Thông tin chi tiết xem tại đây