“LƯỜI ĐẺ” VÀ HỘI CHỨNG 4-2-1

0
75

Dự thảo Luật Dân số mới đây do Bộ Y tế chuẩn bị, đề xuất trao cho cặp vợ chồng “quyền quyết định thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh” đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Điều này dễ hiểu vì Pháp lệnh Dân số 2008 quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng “Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định” và mấy chục năm nay mọi người đã quen thuộc với khẩu hiệu “mỗi cặp vợ chồng nên sinh từ 1 đến 2 con”.

Vậy, vì sao phải thay đổi quy định như đề xuất của Bộ Y tế?

“Lười đẻ” đã trở thành xu thế

Việt Nam bắt đầu chính sách kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) từ năm 1961 khi bình quân mỗi bà mẹ sinh khoảng 7 con! Sau hơn 40 năm kiên trì và đẩy mạnh KHHGĐ, năm 2005, chúng ta đã thực hiện được mục tiêu đạt mức sinh thay thế – bình quân 2,1 con/bà mẹ và được duy trì mức sinh thấp cho đến nay.

Việc sinh đẻ đã chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên, bản năng sang hành vi có kế hoạch, văn minh; từ bị động sang chủ động; từ số lượng nhiều, chất lượng thấp sang số lượng ít, chất lượng cao; từ sinh đẻ ít trách nhiệm sang sinh đẻ có trách nhiệm đầy đủ hơn. Đây thực sự là một trong những biến đổi xã hội sâu sắc nhất ở Việt Nam mấy chục năm qua.

Bộ Y tế đề xuất trao cho cặp vợ chồng “quyền quyết định thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh” (Ảnh minh họa: CV)

Một trong những mục tiêu trong Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “công tác dân số trong tình hình mới” là “duy trì vững chắc mức sinh thay thế”. Tuy nhiên, đạt được mục tiêu này là một thách thức lớn do mức sinh có xu hướng giảm sâu. Trong 7 năm thực hiện Nghị quyết này, có tới 5 năm mức sinh xuống thấp hơn mức thay thế; riêng năm 2023 chỉ còn 1,96 con/phụ nữ. Đặc biệt, toàn bộ khu vực thành thị và Nam Bộ, khoảng 25 năm nay đã đạt và giảm sâu dưới mức thay thế. Năm 2023, bình quân mỗi phụ nữ tính đến hết tuổi sinh đẻ khu vực thành thị chỉ còn 1,7 con; ở nông thôn là 2,07 con/phụ nữ; ở Đông Nam Bộ là 1,47 con; ở đồng bằng sông Cửu Long là 1,54 con.

Những con số nói trên cho thấy thế hệ trẻ ngày càng “lười đẻ”. Song song với xu thế này là tuổi kết hôn không ngừng tăng, thậm chí có hiện tượng không muốn kết hôn. Trong bối cảnh đô thị hóa, xu thế hội nhập quốc tế và áp lực của cuộc sống hiện đại, mức sinh sẽ tiếp tục giảm, nếu chúng ta không có những chính sách mới ứng phó, ngăn chặn xu hướng này. Bài học kinh nghiệm của các nước đã phát triển cho thấy rất nhiều thách thức cả ở tầm vĩ mô và tầm vi mô do xu hướng mức sinh giảm sâu gây ra.

Hội chứng 4-2-1

Ở tầm vĩ mô, những nước có mức sinh thấp, kéo dài đang gánh chịu hậu quả dân số giảm, thiếu lao động, tỷ lệ người già cao, tăng trưởng kinh tế chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm…

Nhật Bản là nước điển hình mức sinh thấp, kéo dài. Năm 1960, nước này đạt mức sinh thay thế, sau đó giảm liên tục, năm 2022 chỉ còn 1,26 con/phụ nữ. Nghĩa là cứ 100 cặp vợ chồng (200 người) thì thế hệ sau chỉ có 126 đứa con thay thế!  Vì vậy, dân số nước này đã giảm từ 128,1 triệu năm 2010 xuống 125,1 triệu năm 2022 và dự báo, năm 2100 chỉ còn 50 triệu, nghĩa là chỉ bằng 40% tổng dân số hiện nay.

Điều này đồng nghĩa với cơ sở vật chất – kỹ thuật tạo ra hiện nay, trong tương lai sẽ chỉ sử dụng hết 40% công suất, gây lãng phí nghiêm trọng. Nhiều cơ sở y tế, giáo dục… sẽ bị đóng cửa. Mức sinh thấp, kéo dài nên Nhật Bản đang thiếu lao động. Nhiều tỉnh, tỷ lệ thiếu hụt lao động ở mức hơn 20%, thậm chí là hơn 30%. Vì vậy, Nhật phải nới lỏng điều kiện nhập cư và đưa ra một số chính sách mời gọi lao động sang nước này làm việc để giải quyết tình trạng khan hiếm nhân công. Đây cũng là câu chuyện của các nước “lười đẻ” như Hàn Quốc, Đức…

Sinh ít con, tỷ lệ trẻ em trong tổng dân số giảm, thấp. Trong khi đó, tuổi thọ cao và không ngừng tăng lên nên tỷ lệ người già rất cao. Năm 2022, ở Nhật có 29.1% dân số từ 65 tuổi trở lên; dự báo năm 2050 sẽ lên tới 33%!  (các tỷ lệ tương ứng ở Việt Nam là 9% và 19%). Già hóa góp phần kết thúc giai đoạn “phát triển thần kỳ” của Nhật Bản.

Ở tầm vi mô, mức sinh quá thấp (1 con), kéo dài sẽ dẫn đến “hội chứng 4-2-1”, nghĩa là 4 ông bà nội, ngoại; 2 bố mẹ và 1 đứa con. “Con một” khi còn nhỏ được 6 người chăm sóc (bố mẹ và ông bà nội ngoại); lớn lên lại có trách nhiệm chăm sóc 6 người. Được nhiều người chăm sóc và phải chăm sóc nhiều người đều bất lợi cho sự phát triển của “con một” nói riêng và chất lượng cuộc sống của gia đình nói chung. Số liệu thống kê thể hiện rõ xu hướng, mức sinh càng thấp, tỷ lệ trẻ thừa cân/béo phì càng cao. Năm 2020, TPHCM có mức sinh thấp nhất cả nước (1,56 con/phụ nữ) cũng là địa phương có tỷ lệ trẻ thừa cân/béo phì lên tới 14,7% – gấp đôi tỷ lệ này của toàn quốc!

Đa dạng hóa các giải pháp vực dậy mức sinh

Rõ ràng Việt Nam cần sớm có chính sách tránh “bẫy mức sinh thấp”, trước hết là thay đổi tư duy xã hội, đẩy mạnh nghiên cứu, truyền thông về xu hướng giảm sâu mức sinh hiện nay. Các địa phương nên tạo những diễn đàn để người dân, nhất là các bạn trẻ thảo luận về hậu quả trước mắt và lâu dài của kết hôn muộn, sinh đẻ ít đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Từ đó, có thái độ và hành vi hợp lý trong lĩnh vực hôn nhân và sinh sản.

Đổi mới chính sách, pháp luật liên quan đến mức sinh, như dự thảo Luật Dân số là hoàn toàn cần thiết. Đó là bãi bỏ quy định “mỗi cặp vợ chồng sinh một hoặc hai con” và xử lý vi phạm sinh con thứ 3 trở lên. Chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, việc bãi bỏ những quy định này không làm dân số “bùng nổ”. Hiện nay, hầu hết phụ nữ sinh con ở độ tuổi dưới 35. Đây là thế hệ sinh ra và lớn lên sau Đổi mới, trong thời kỳ đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình, thế hệ Internet nên có xu hướng sinh ít con. Hơn nữa, thực tế, đã gần 20 năm, nước ta đã duy trì được “mức sinh thay thế”; mô hình “gia đình nhỏ, 1 hoặc 2 con” đã trở nên phổ biến. Nhìn sang Trung Quốc sau khi bỏ “chính sách 1 con” mức sinh cũng không tăng trở lại.

Một vấn đề khác cần tính đến ở cấp độ chính sách là “chung tay” chia sẻ chi phí nuôi dạy con. Chi phí nuôi dạy con không chỉ về vật chất ngày càng lớn so với thu nhập của vợ chồng trẻ mà còn cả sự quan tâm, lo lắng về sức khỏe, trí tuệ, đạo đức,… của con, nhiều khi đến mất ngủ. Mặt khác, sinh con không chỉ là hạnh phúc gia đình mà con cái lớn lên sẽ là nguồn nhân lực bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Vì vậy, nhà nước, gia đình và xã hội cần “chung tay nuôi, dạy trẻ”, cần đa dạng hóa các hình thức chia sẻ “chi phí nuôi, dạy con” với các cặp vợ chồng, như: Trợ cấp một lần, trợ cấp hằng năm; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn, giảm nghĩa vụ đóng góp trong cộng đồng khi nuôi con nhỏ; miễn giảm học phí; xây dựng nền giáo dục chất lượng, môi trường xã hội lành mạnh văn minh.

Các chính sách cần thiết khác bao gồm đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi; hỗ trợ các cặp vợ chồng nuôi con nhỏ, thiết kế chế độ làm việc linh hoạt như: Giảm giờ làm, đi muộn, về sớm; nghỉ không lương, làm việc tại nhà…

Hàng năm, nước ta có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn (chiếm tỷ lệ khoảng 7,7%). Do vậy, hỗ trợ cả kỹ thuật và tài chính cho việc chữa trị vô sinh, hiếm muộn là nhu cầu lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và là giải pháp nâng cao mức sinh.

Ở nhiều nước, khi mức sinh giảm sâu, chính phủ mới có chính sách quyết liệt nhằm đưa mức sinh tăng lên. Sự muộn màng của chính sách đã hạn chế hiệu quả khuyến sinh gây khủng hoảng xã hội về nhiều mặt. Đây là bài học sâu sắc và đắt giá cho chúng ta.

Nguồn: Báo Dân Trí

Thông tin chi tiết xem tại đây