ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KIẾN NGHỊ BỎ QUY ĐỊNH KỶ LUẬT CÁN BỘ ĐẢNG VIÊN SINH CON THỨ 3

0
22
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, quy định kỷ luật cán bộ đảng viên sinh con thứ 3 đúng ở giai đoạn trước, còn bây giờ tỷ suất sinh thấp thì cần thay đổi quan điểm, thay đổi quy định này.

Cán bộ trẻ thiếu động lực để cống hiến

Sáng 26/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực trong bộ máy nhà nước, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) bày tỏ băn khoăn về việc tuyển dụng và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM). Ảnh: PV

Bà Lan nêu thực tế, biên chế ngày càng được siết chặt và tinh giảm, công việc lại ngày càng tăng, trong khi chế độ lương bổng vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút sinh viên giỏi và nhân lực trẻ vào làm việc.

“Việc không có cơ chế tăng lương phân biệt theo năng lực và kinh nghiệm cũng khiến cán bộ trẻ thiếu động lực để cống hiến lâu dài”, bà Lan nhận định.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng nhấn mạnh đến việc cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước. Theo bà, đây là biện pháp tối ưu để vừa giảm áp lực cho nhân lực trong bối cảnh tinh giảm biên chế, vừa giúp tăng năng suất và hiệu quả công việc.

“Việc áp dụng các giải pháp công nghệ và số hóa không chỉ giúp cải thiện môi trường làm việc mà còn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển và quản lý nguồn nhân lực một cách hiệu quả hơn trong tương lai”, bà Lan cho hay.

Đề cập đến thực trạng tỷ suất sinh thấp, theo bà Lan, bây giờ đảng viên sinh con thứ 3 vẫn bị kỷ luật.

“Sắp đến kỳ bổ nhiệm mà có con thứ 3 là coi như xong rồi. Cần sửa đổi từ những cái đơn giản nhất trong tầm tay như vậy. Nó đúng ở giai đoạn trước, còn bây giờ tỷ suất sinh thấp thì cần thay đổi quan điểm, thay đổi quy định cho đảng viên, cán bộ”, bà Lan nêu.

Sớm công bố mức sống tối thiểu và tiền lương tối thiểu

Tại phiên họp, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, những kết quả đạt được theo báo cáo của Chính phủ là con số “cực kỳ lớn”, khẳng định sự tiến bộ của đất nước.

Bên cạnh đó, ông Nhân cũng chỉ ra một số tồn tại, như năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Đây là lý do khiến GDP tăng không cao.

Theo ông Nhân, muốn thúc đẩy GDP cần phải nâng cao năng suất lao động. ĐBQH kiến nghị, cần có báo cáo đánh giá năng suất lao động để sắp tới cần đưa năng suất lao động vào chỉ tiêu quốc gia.

ĐB đoàn TP.HCM cũng cho rằng, còn một nội dung khác mà Chính phủ hiện vẫn đang “nợ”, đó là chưa công bố mức sống tối thiểu và tiền lương tối thiểu của người dân. Ông Nhân lấy ví dụ, chúng ta có văn bản hỗ trợ người dân thu nhập thấp trong đào tạo nghề nhưng các địa phương chưa áp dụng được vì không biết thế nào là thu nhập thấp.

Do đó, Chính phủ cần tập trung trong năm 2025, công bố mức sống tối thiểu và dự kiến mức sống tối thiểu trong 5 năm tới. Theo ông Nhân, hiện nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật… không chỉ công bố mức sống tối thiểu mà còn đưa ra mức lương đủ sống cho 4 người. Nghĩa là, 1 gia đình có 2 người đi làm, lương đủ sống để nuôi 2 người con là bao nhiêu.

“Như vậy sau khi công bố thế nào là thu nhập thấp, chúng ta phải xác định lương đủ sống tối thiểu để xác định 1 gia đình có thể sinh đủ 2 con”, ĐBQH Nhân cho hay.

Ngoài ra, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cũng đặc biệt quan tâm tới chỉ số hạnh phúc của người dân. Viện dẫn báo cáo về chỉ số hạnh phúc của Việt Nam xếp hạng thứ 54 trên toàn thế giới, ông đặt câu hỏi: “Việt Nam luôn cố gắng chăm lo để người dân hạnh phúc hơn nhưng vì sao chỉ số này còn thấp như vậy?”.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng chỉ số hạnh phúc riêng của người Việt Nam, đúng với định hướng lấy con người là trung tâm, là động lực phát triển.

Nguồn: Báo Tiền Phong

Thông tin chi tiết xem tại đây