XÃ HỘI/ĐỜI SỐNG GS. TS. Giang Thanh Long: Cần tầm nhìn dài hạn để Việt Nam ‘già hóa thành công’

0
289

Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, GS. TS. Giang Thanh Long (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, một khi người cao tuổi được coi là “tài sản” thay vì bị coi là “gánh nặng” sẽ có những chính sách có tính bao trùm, không bỏ lại ai ở phía sau.

GS. TS. Giang Thanh Long cho rằng, trong giai đoạn sắp tới, Việt Nam có những điểm đáng chú ý về dân số có thể tận dụng. (Ảnh: NVCC)

Ngưỡng cửa dân số già

Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc UNFPA, Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Ông đánh giá như thế nào về thực tế này?

Dự báo dân số của Tổng cục Thống kê cho giai đoạn 2019-2069 cho thấy, Việt Nam đã và đang già hóa rất nhanh so với mức độ phát triển kinh tế. Cụ thể, trong giai đoạn 2009-2019, số lượng người cao tuổi (là những người từ 60 tuổi trở lên) tăng thêm chiếm tới 40% tổng dân số tăng thêm trong giai đoạn này.

Vào năm 2019, chúng ta có 11,4 triệu người cao tuổi (chiếm 11.9% tổng dân số) thì vào năm 2034 sẽ có 20,2 triệu người (chiếm 18,7% tổng dân số) và vào năm 2049 sẽ có 28,6 triệu người (chiếm 24,9% tổng dân số).

Cũng theo dự báo trên và với đo lường của Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ chính thức là nước có “dân số già” vào năm 2036, nghĩa là chúng ta chỉ còn chưa đầy 13 năm để chuyển sang giai đoạn “già”.

Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, các nước có thu nhập cao đã phải mất nhiều hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, mới chuyển từ trạng thái “đang già” sang “già” (như Pháp: 115 năm; Thụy Điển: 85 năm; Australia: 63 năm), trong khi Việt Nam gia nhập những nhóm nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới với chỉ có 18 năm (2018 – 2036) (như Thái Lan: 18 năm; Hàn Quốc: 18 năm; và Trung Quốc: 23 năm)

Cũng cần phải nói thêm, Việt Nam đang và sẽ “già không đều” khi xét tới phân bố dân số cao tuổi ở cấp tỉnh. Theo dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thì không có tỉnh nào có dân số cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) nhiều hơn dân số trẻ em (dưới 15 tuổi).

Tuy nhiên, dự báo cho giai đoạn 2019-2039 cho thấy vào năm 2029 sẽ có 14 tỉnh và năm 2039 sẽ có 41 tỉnh có dân số cao tuổi nhiều hơn dân số trẻ em. Điều này cho thấy rõ nguồn lực dành cho giáo dục, y tế, an sinh xã hội cũng như động cơ cho tăng trưởng, phát triển ở các tỉnh sẽ rất khác nhau với cơ cấu dân số như thế.

Những yếu tố nào đang đẩy Việt Nam đi nhanh hơn đến ngưỡng cửa dân số già, theo ông?

Nguyên nhân chính của già hóa nhanh dân số Việt Nam là tỷ suất sinh giảm mạnh cùng với sự cải thiện đáng kể về tuổi thọ trong gần bốn thập kỷ qua. Già hóa được coi là thành công của chính sách dân số, y tế… mà chúng ta đã theo đuổi trong nhiều năm qua, đặc biệt khi Việt Nam có tăng trưởng kinh tế khá cao, cũng như thay đổi nhiều chính sách quan trọng trong các lĩnh vực này.

Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

Cần làm gì để tận dụng tối đa “cơ cấu dân số vàng” cũng như cơ hội chuẩn bị tốt cho dân số “già”?

Theo cách đo lường của Liên hợp quốc và căn cứ vào dữ liệu dự báo dân số như đã nêu trên thì Việt Nam sẽ kết thúc giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” vào năm 2039, tức là chúng ta cũng chỉ còn khoảng 16 năm để tận dụng cơ hội này.

Như vậy, từ nay tới năm 2040, Việt Nam có hai xu hướng dân số rất rõ rệt cùng xảy ra: “cơ cấu dân số vàng” tiếp tục leo lên đỉnh và kết thúc vào năm 2039, trong khi già hóa dân số ngày càng nhanh hơn và “cơ cấu dân số già” bắt đầu diễn ra từ 2036.

Điều này cho thấy một hàm ý chiến lược, chính sách kinh tế – xã hội, y tế rất quan trọng, đó là tận dụng hiệu quả “cơ cấu dân số vàng” để chuẩn bị nguồn lực cho “cơ cấu dân số già” trong thời gian rất ngắn ở phía trước.

Trong giai đoạn sắp tới, Việt Nam có những điểm đáng chú ý về dân số để có thể tận dụng.

Thứ nhất, quy mô dân số tiếp tục tăng từ khoảng 100 triệu vào năm 2023 lên mức khoảng 110 triệu vào năm 2039. Với kỳ vọng thu nhập tăng lên, Việt Nam sẽ có một thị trường nội địa quy mô ngày càng lớn cho tiêu dùng, đầu tư.

Thứ hai, cùng trong giai đoạn 2023-2039, lực lượng lao động của Việt Nam (những người từ 15 đến 65 tuổi) sẽ tăng từ 67 triệu lên 73 triệu – một lực lượng lao động lớn trên thế giới và trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, dân số GenY (những người sinh năm 1981 đến 1996) và GenZ (những người sinh từ năm 1996 đến 2010) duy trì tương ứng ở khoảng 23 triệu người và 22 triệu người trong giai đoạn này.

Đây là những nhóm dân số năng động, thích ứng nhanh với công nghệ nên sẽ là nguồn lực tiềm năng cho việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng số hóa. Nguồn lao động trẻ này cũng là nguồn lực để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thứ ba, thống kê trong nhiều năm qua cho thấy khoảng 45% người cao tuổi vẫn tiếp tục làm việc cũng như đóng góp không nhỏ vào các hoạt động kinh tế của gia đình, cộng đồng.

Kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là những nước trải qua giai đoạn tăng trưởng và phát triển “thần kỳ” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, cho thấy lợi tức của “cơ cấu dân số vàng” không tự nhiên đến mà nó phải được chuyển hóa từ chiến lược và chính sách phù hợp.

Với cấu trúc dân số và thị trường lao động như hiện nay của Việt Nam, tăng năng suất lao động và tạo nhiều việc làm hơn sẽ là hai “động cơ” để cải thiện thu nhập bình quân đầu người. Bên cạnh đó, tạo việc làm bền vững và phù hợp cho người cao tuổi cũng rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh thu nhập, giảm sức ép cho hệ thống an sinh xã hội cũng như phòng, chống được nhiều bệnh tuổi già như đã thấy ở thực tế nhiều nước.

Báo cáo về thị trường lao động mới nhất (quý II/2023) cho thấy tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới chỉ gần 27%, tức là cả nước vẫn còn hơn 38 triệu người lao động chưa qua đào tạo. Ông suy nghĩ gì về những con số này?

Con số thống kê này cho thấy, Việt Nam đang có một lực lượng lao động lớn nhưng chưa tinh, tức là chuyên môn còn chưa cao. Đây thực sự sẽ là thách thức lớn cho chúng ta trong việc tận dụng “cơ cấu dân số vàng” như đã nói ở trên. Ví dụ, để nâng cao được năng suất lao động thì đòi hỏi Việt Nam phải tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Việc này quay trở lại đòi hỏi chất lượng lao động như chuyên môn, sức khỏe và các kỹ năng mềm… phải phù hợp hơn theo tiêu chuẩn toàn cầu. Bên cạnh đó, phần lớn cơ hội việc làm hiện nay là dựa vào các ngành chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động như điện tử, dệt may, da giày… trong khi các ngành này đang đối mặt với nhiều khó khăn do nền kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Cần đảm bảo kinh tế, đảm bảo sức khỏe và đảm bảo sự tham gia xã hội cho người cao tuổi. (Nguồn: KTĐT)

Để người cao tuổi không bị bỏ lại phía sau

Già hóa dân số là thách thức cho việc đảm bảo an sinh xã hội. Thực trạng và kinh nghiệm quốc tế nào để Việt Nam trong việc đồng bộ các chính sách?

Hiện nay tỷ lệ người cao tuổi đang hưởng hưu trí hoặc trợ giúp xã hội chỉ chiếm gần 50% dân số cao tuổi, tức là có khoảng 6 triệu người cao tuổi đang không hưởng bất kỳ chế độ an sinh thu nhập nào. Đây chính là “khoảng giữa mất tích” (the missing middle) trong dân số cao tuổi khi nói về độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội hiện nay.

Với lực lượng lao động hiện nay (hay là người cao tuổi trong tương lai), tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội (gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mới chỉ đạt khoảng 40% và cũng tạo ra “khoảng giữa mất tích” với 60% còn lại. Hai “khoảng giữa mất tích” giao thoa với nhau sẽ là thách thức rất lớn cho Việt Nam trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho dân số cao tuổi ngày càng tăng trong những thập kỷ tới.

Cùng lúc đó, tình trạng hàng trăm nghìn lao động tiếp tục rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần càng làm cho thách thức nghiêm trọng hơn. Bởi sẽ có thêm hàng triệu người bước vào giai đoạn cao tuổi mà không có bất kỳ khoản an sinh xã hội nào, trong khi các nguồn thu nhập thay thế từ việc làm, từ hỗ trợ của con, cháu, hay tiết kiệm, đầu tư… có thể hạn chế.

Từ các vấn đề này, theo các tiêu chuẩn quốc tế cũng như từ với kinh nghiệm của các nước khác, hiện nay chúng ta đang tích cực sửa đổi, bổ sung Luật BHXH một cách căn cơ để đảm bảo quyền an sinh xã hội cho mọi người dân, thích ứng với một dân số già hóa nhanh.

Thứ nhất, tạo ra hệ thống an sinh thu nhập đa tầng bằng cách kết nối BHXH với trợ giúp xã hội, trong đó tầng thấp nhất cung cấp thu nhập tối thiểu cho mọi người dân khi trở thành người cao tuổi.

Kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy tầng này tạo ra những tác động tích cực tới dân số cao tuổi như đảm bảo được thu nhập thường xuyên tối thiểu, cải thiện vị thế kinh tế của người cao tuổi trong gia đình và cộng đồng cũng như giảm được một phần gánh nặng tài chính trong chăm sóc sức khỏe.

Thứ hai, điều chỉnh quy định để tăng độ bao phủ cũng như chế độ và mức hưởng, đặc biệt cho các nhóm lao động phi chính thức. Ví dụ, chúng ta bổ sung trợ cấp thai sản cho lao động tham gia BHXH tự nguyện; cấp thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước chi trả khi lao động tham gia BHXH tự nguyện đến tuổi hưởng hưu trí…

Kinh nghiệm của Mông Cổ trong việc thu hút lao động phi chính thức thông qua các chế độ bổ sung này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt khi tỷ lệ bao phủ tăng lên rõ rệt trong những năm qua.

Thứ ba, tiếp tục triển khai và mở rộng bảo hiểm hưu trí bổ sung nhằm đa dạng nguồn thu nhập từ hệ thống BHXH. Đây là xu hướng mà các hệ thống BHXH các nước như Thái Lan, Trung Quốc… đang thực hiện và được thiết kế như tài khoản cá nhân để người tham gia có thể quyết định việc đầu tư tạo sinh lời, tăng thu nhập.

Ông khuyến nghị chính sách gì để người cao tuổi không bị bỏ lại phía sau?

Để người cao tuổi không bị bỏ lại phía sau, cần phải đảm bảo rằng việc thực thi các quy định này có hiệu quả thông qua việc đồng bộ, tránh các chồng chéo hoặc những lỗ hổng chính sách là hết sức quan trọng.

Cùng lúc đó, hoạch định các chiến lược, chính sách hướng tới thích ứng già hóa dân số đòi hỏi phải tính tới cả những nhóm dân số ở những độ tuổi trẻ hơn thay vì chỉ giải quyết các vấn đề của thế hệ cao tuổi hiện nay. Nói cách khác, cần có tầm nhìn liên thế hệ, dài hạn để xây dựng và thực hiện các chính sách cho “kiềng ba chân” của một xã hội “già hóa thành công”. Đó là đảm bảo kinh tế, đảm bảo sức khỏe và đảm bảo sự tham gia xã hội cho người cao tuổi.

Một khi người cao tuổi được coi là “tài sản” thay vì bị coi là “gánh nặng” thì chúng ta sẽ có những chính sách có tính bao trùm, không bỏ lại ai ở phía sau.

Xin cảm ơn ông!

Thông tin chi tiết xem tại đây.