Cơn bão ‘già hóa’ ở Việt Nam: Bao nhiêu tuổi nên bắt đầu lo cho tuổi già?

0
388

Khi số người cao tuổi tăng lên với tốc độ nhanh, gánh nặng đè lên vai những người chăm sóc, đặc biệt là con, cháu, lại càng nhiều. Chuẩn bị sẵn sàng để già hóa thành công là điều cần tính toán

Kế hoạch “kiềng ba chân” để già hóa thành công

Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội của Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng mỗi người dân cần chủ động lên kế hoạch từ trước để chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu, già hóa của mình cả về vật chất lẫn tâm lý. 

Theo Giáo sư Giang Thanh Long, chuyên gia cao cấp về dân số và phát triển của Đại học Kinh tế Quốc dân, già hóa thành công được thể hiện qua ba khía cạnh, gắn bó chặt chẽ và đều như “kiềng ba chân”, đó là sức khỏe (giảm bớt các nguy cơ bệnh tật, khuyết tật); kinh tế (đảm bảo thu nhập thông qua việc làm bền vững, tiết kiệm, bảo hiểm xã hội…) và tham gia xã hội (các hoạt động trong gia đình và cộng đồng).

Để “già hoá thành công”, theo chuyên gia cần chuẩn bị đủ và đều 3 yếu tố: Sức khỏe, tài chính và tham gia xã hội. Ảnh: Thạch Thảo

Giải thích về việc phải có “đều” 3 yếu tố già hóa thành công, Giáo sư Long ví dụ một người cao tuổi khỏe, giàu có nhưng không tham gia hoạt động xã hội, sống tách biệt, không giao lưu với ai thì cũng không thể coi là già hóa thành công. Hoặc một người mới 60 tuổi, có điều kiện kinh tế nhưng sức khỏe suy kiệt, ốm đau liên miên thì cũng không phải là già hóa thành công. 

Khi số người cao tuổi tăng lên với tốc độ nhanh, gánh nặng đè lên vai những người chăm sóc, đặc biệt là con, cháu, lại càng nhiều, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con, thậm chí chỉ một con, thì chỉ 15-20 năm nữa sẽ gánh trên vai trách nhiệm vừa phải chăm sóc nhiều người cao tuổi, vừa nuôi nấng con cái đang trong tuổi ăn học và lại phải lo cho tuổi già của chính mình. 

Lo cho tuổi già từ khi còn trẻ cũng là khuyến nghị từ nhiều tổ chức quốc tế. Đáng nói, nhiều người chưa có kế hoạch cho điều đó.

Giáo sư Giang Thanh Long là trưởng nhóm khảo sát “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống về già của người Việt Nam” với hơn 2.000 người đại diện cho dân số 30-44 tuổi trên cả nước đã công bố vào năm 2022, cho biết “khoảng 67% người được phỏng vấn mong muốn độc lập khi về già, không phụ thuộc vào ai về sức khỏe, tài chính và các quyết định của mình trong cuộc sống, nhưng tỷ lệ đã lên kế hoạch cho tuổi già chỉ là 28,38%. Điều đó có nghĩa là 2/3 số người mong muốn, nhưng chỉ 1/4 đã lập kế hoạch”.

Ông Long còn cho biết thêm rằng trong số những người đã lên kế hoạch thì người ở khu vực thành thị và nam giới có tỷ lệ cao hơn tương ứng người ở khu vực nông thôn và nữ giới. Tỷ lệ lên kế hoạch chuẩn bị cho lúc nghỉ hưu thậm chí còn thấp hơn (chỉ là 17,3%) và không có sự khác biệt quá lớn giữa các nhóm đối tượng nghiên cứu khi xét theo nhóm tuổi, giới tính và khu vực.

Bao nhiêu tuổi nên chuẩn bị dần cho tuổi già?

Cũng theo khảo sát trên, khi trả lời câu hỏi về độ tuổi nên bắt đầu chuẩn bị tài chính cho cuộc sống về già, có 22% người tham gia cho rằng “nên từ 50 tuổi trở lên”. Tỷ lệ cho đáp án “nên từ 40 tuổi trở lên”’ và “nên từ 30 tuổi trở lên” lần lượt là 19,8% và 14,6%. Với kết quả này, Giáo sư Long cho rằng mức độ sẵn sàng cho tuổi già của những người tham gia nghiên cứu là khá muộn, trong khi càng lớn tuổi, nguy cơ phải đối diện rủi ro càng cao. 

“Một phần lớn do họ không đủ nguồn lực đủ cho việc đó. Những người thu nhập càng thấp, tỷ lệ chuẩn bị tài chính muộn càng cao. Trong khi càng lớn tuổi, cơ hội nâng cao tốc độ thu nhập giảm đi cùng với sức khỏe giảm sút, rủi ro sức khỏe nhiều hơn”, ông Long nói.

Phải nói thêm rằng, nhiều người trung niên, thậm chí trẻ tuổi hiện nay xác định tương lai sau này sẽ vào trung tâm dưỡng lão ở nếu con cái không có điều kiện chăm sóc. “Nhưng muốn vậy thì phải chuẩn bị tài chính trong nhiều năm”, vị chuyên gia nhận định, chưa kể số trung tâm dưỡng lão trên cả nước cũng chưa đủ lớn để “gánh” lượng người cao tuổi ngày càng cao.

Già hóa dân số không phải là câu chuyện của riêng cá nhân ai, ,cũng không phải chỉ là chuyện vĩ mô của quốc gia nào. Ảnh: Thạch Thảo

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên, cho rằng những người chưa lên kế hoạch cho tuổi già từ sớm phần lớn do cuộc sống khó khăn, phải lo những việc trước mắt như đầu tư vào học hành của con cái, ổn định nhà ở. Nhiều người vẫn nặng tư tưởng “trẻ cậy cha, già cậy con” khi đầu tư cho con cái với hy vọng rằng sau này con cái sẽ chăm sóc mình. Theo ông Linh, nên lên kế hoạch cho tuổi già từ tuổi 45.

Về mặt sức khỏe, khảo sát nêu trên cho thấy gần 26% người cho rằng độ tuổi nên bắt đầu để lên kế hoạch về sức khỏe cho cuộc sống khi về già nên bắt đầu từ tuổi 50; gần 21% chọn tuổi 40 và chỉ 16,4% cho rằng nên chuẩn bị từ tuổi 30.

“36 tuổi mới bắt đầu lo cho tuổi già thì đã là… hơi muộn”, Giáo sư Nguyễn Đình Cử bày tỏ quan điểm. Ông dẫn chứng nếu tuổi trẻ không có ý thức giữ gìn sức khỏe, chẳng hạn hút thuốc lá, uống bia rượu từ năm 16, 18 tuổi thì đến khi 36 tuổi đã có thâm niên 20 năm hút thuốc, rượu bia, chắn chắn sẽ ảnh hưởng sức khỏe, nguy cơ bệnh tật.

Thực tế, các cơ sở y tế tiếp nhận không ít quý ông chỉ mới 36 tuổi nhưng đã đột quỵ, nhồi máu cơ tim, cuộc sống tương lai lờ mờ như khói thuốc. Đặc biệt, nhiều chuyên gia y tế cũng cảnh báo nhiều căn bệnh đang dần trẻ hóa, như ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ… Nếu không có ý thức giữ gìn từ sớm, những căn bệnh này sẽ ập đến khi chưa đến tuổi già.

“Hay tuổi trẻ là độ tuổi sinh sản nên nếu không có ý thức kế hoạch hóa gia đình mà 35, 36 tuổi, thậm chí tuổi lớn hơn, vẫn cố sinh đẻ để… có bằng được đứa con trai mới thôi thì không những ảnh hưởng sức khỏe mà ảnh hưởng cả đến quá trình chuẩn bị vật chất, tâm lý khi bước vào tuổi già”, Giáo sư Cử nói thêm.

Kết hôn muộn, lười sinh con là xu hướng tiêu cực 

Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng già hóa dân số không phải là câu chuyện của riêng cá nhân ai và cũng không phải chỉ là chuyện vĩ mô của quốc gia nào. 

Tốc độ già hóa dân số chịu tác động mạnh mẽ do yếu tố giảm sinh. Trong một thời kỳ dài, Việt Nam kiểm soát tốc độ gia tăng dân số, kiểm soát mức sinh, nhiều gia đình chỉ sinh 1-2 con. Gia đình ít con đem lại nhiều thuận lợi, nhưng áp lực lên vai họ cũng nặng nề hơn trong trách nhiệm với cha mẹ hai bên sau này, đặc biệt với xu thế kết hôn và sinh con muộn như hiện nay. 

“Đây là xu hướng dân số nhiều thách thức. Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hiện nay rất khó vực dậy mức sinh trong bối cảnh già hóa dân số do người dân sinh ít con thời kỳ dài cùng với những biến đổi lớn trong bối cảnh kinh tế – xã hội”, Giáo sư Giang Thanh Long nhận định.

Năm 2018, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới có tổng tỷ suất sinh dưới 1. Nghĩa là một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) của đất nước này sinh chưa đến 1 con. Dự kiến cuối năm 2023, con số này giảm về còn 0,78 con/phụ nữ, trong đó ở thủ đô Seoul thì chỉ còn chưa tới 0,4 con. Sinh ít con khiến số người sinh ra ở nước này không đủ bù đắp người mất đi, dẫn tới nguy cơ giảm dân số, làm cho tốc độ già hóa càng nhanh hơn. Gia đình nhỏ hơn càng đẩy gánh nặng trách nhiệm gia đình, xã hội cho lực lượng trụ cột tài chính trong khi họ càng áp lực vì chi phí liên quan cuộc sống, công việc thì lại càng lười sinh đẻ.

Việt Nam nếu không ngăn chặn kịp đà giảm sinh, duy trì mức sinh thay thế bền vững, tức là mỗi phụ nữ sinh đủ 2 con, thì nguy cơ như Hàn Quốc và Trung Quốc, Nhật Bản càng hiện hữu.

“Người ở thế hệ ‘bánh mỳ kẹp’ hiện nay phải hiểu về những nguy cơ này để chủ động chuẩn bị già hóa thành công, giảm gánh nặng cho con cái về cả vật chất lẫn tinh thần sau này”, Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh chia sẻ. 

Còn theo ý kiến của Giáo sư Long, để tận dụng thời gian còn lại của giai đoạn già hóa dân số trong bối cảnh vẫn còn cơ hội của thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” đòi hỏi nhà nước thực sự phải có giải pháp đột phá liên quan việc làm, thu nhập bền vững làm tăng năng suất lao động của thế hệ trẻ để họ sẵn sàng đón một tuổi già thành công. 

Thông tin chi tiết xem tại đây.