Quán cà phê chỉ thuê nhân viên đãng trí

0
362

NHẬT BẢN Mỗi tháng một lần, quán cà phê ở Sengawa ở Tokyo lại thuê những người cao tuổi mắc chứng đãng trí đến làm việc.

Mỗi khi thấy người bước vào quán, phục vụ bàn Toshio Morita (85 tuổi) liền nói lớn “Irashaimase” (chào mừng), nhằm bày tỏ lòng hiếu khách. Mọi thứ chỉ trở nên phức tạp hơn khi ai đó muốn đặt đồ từ người phục vụ cao tuổi này.

Ông bước đến một bàn nhưng quên không cầm tập giấy ghi order. Sau đó, ông đưa một miếng bánh cho khách nhưng lại đặt nhầm bàn. Trong lúc đó, một người khác đã đợi 16 phút chỉ để có một cốc nước lọc.

Tuy nhiên, không một ai phàn nàn hay làm ầm ĩ về những thứ sai lệch này. Họ vui vẻ đón nhận mọi sự nhầm lẫn của người phục vụ 85 tuổi và không quên khích lệ ông.

Đây chuyện thường ngày diễn ra ở Orange Day Sengawa – nơi được gọi là “quán cà phê của những order nhầm lẫn”. Địa điểm này ở ngoại ô phía tây Tokyo, thuê những người cao tuổi mắc chứng đãng trí phục vụ mỗi tháng một lần.

Ông Morita, người xuất hiện các triệu chứng sa sút trí tuệ cách đây hai năm nói: “Ở đây vui quá. Tôi cảm thấy như mình trẻ ra mỗi lần được đến đây làm việc”.

Ông Toshio Morita (85 tuổi) đang nhận order từ khách tại quán cà phê Orange Day Sengawa (Nhật Bản), đầu tháng 9/2023. Ảnh: Irwin Wong/Washington Post

Từ tháng 4, quán cà phê của những order nhầm lần đã mở cửa mỗi tháng một lần vào giờ ăn trưa. Mỗi bệnh nhân làm việc như một phục vụ bình thường trong một giờ đồng hồ. Họ sẽ đeo tạp dề màu cam, màu dành riêng cho những người sa sút trí tuệ. Chủ quán cũng đặt sẵn những chiếc ghế dành riêng cho các nhân viên lớn tuổi ở gần bếp để họ có thể ngồi nghỉ ngơi sau mỗi lần nhận đơn.

Trong khi đó, các tình nguyện viên trẻ sẽ giúp người phục vụ lớn tuổi bằng cách đánh dấu đơn hàng của khách với mã màu riêng. Thay vì đánh số bàn, họ cũng gắn những bông hoa có màu sắc khác nhau, để các nhân viên lớn tuổi dễ nhận biết mỗi khi giao đồ.

Yui Iwata, quản lý quán cà phê, cho biết có rất nhiều người cao tuổi phải ở viện dưỡng lão hoặc bị nhốt trong nhà. “Tôi hy vọng sáng kiến của mình sẽ mang đến cho người mắc chứng đãng trí điều gì đáng mong đợi, ví dụ như được ra ngoài và được giao tiếp”.

Đưa người già đến các quán làm thêm trong các môi trường an toàn được đánh giá là cách hiệu quả để người cao tuổi được làm việc hiệu quả và cảm thấy bản thân còn hữu ích. Theo các chuyên gia, hành động này có thể là chìa khóa làm chậm sự tiến triển của chứng mất trí nhớ, một căn bệnh thoái hóa thần kinh chưa có thuốc chữa. Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới, khiến chứng mất trí nhớ trở thành một thách thức sức khỏe quốc gia cấp bách.

Các thống kê của Bộ Y tế nước này cho thấy hiện có khoảng 30% dân số Nhật Bản (37,5 triệu người) trên 65 tuổi. Ước tính có đến 6 triệu người mắc chứng mất trí nhớ và dự kiến tăng lên 7,3 triệu người, tức là cứ 5 người trên 65 tuổi lại có một trường hợp bị bệnh, vào năm 2025.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu người chăm sóc và chi phí tăng cao khiến nước này buộc phải tìm nhiều cách thức sáng tạo, trao quyền cho những bệnh nhân sa sút trí tuệ. Mong muốn họ có thể được hoạt động thể chất, tinh thần lâu nhất có thể, thay vì cách ly tại nhà hoặc bệnh viện.

Một trong số đó là quán cà phê cho người mất trí nhớ. Ý tưởng này có từ năm 2017 thông qua các sự kiện ngắn hạn, nhưng cần nỗ lực lâu dài để có thể triển khai trên khắp đất nước. Suốt những năm qua, các nhà tổ chức vì cộng đồng đang làm việc với chính quyền địa phương để kết nối với các bệnh nhân cao tuổi được hòa nhập cộng đồng.

Không gian bên ngoài quán cà phê của những đơn hàng nhầm lẫn ở Sengawa, Tokyo, nơi những người mắc chứng mất trí nhớ làm nhân viên phục vụ. Ảnh: Irwin Wong/Washington Post

Ông Kazuhiko (65 tuổi), mắc chứng mất trí nhớ năm 2018, đang làm việc tại quán cà phê này hàng tháng. Công việc này được vợ ông ủng hộ bởi muốn tìm một nơi để chồng giao lưu với người lạ, thay vì quanh quẩn trong viện dưỡng lão.

Trong thời gian làm việc, không ít lần ông Kazuhiko đến bàn nhận đặt đồ nhưng bị thu hút bởi đội xây dựng bên ngoài gây ồn ào. Ông lập tức rời khỏi quán để di chuyển về nơi có âm thanh và khiến các tình nguyện viên phải đưa trở lại.

“Bác làm việc ở đâu bao lâu rồi?”, một khách hàng hỏi. “Hôm nay là lần đầu tiên của bác ạ?”. “Đúng”, ông Kazuhiho trả lời. Tất nhiên đây không phải ngày đầu tiên ông đến quán làm việc.

Người đàn ông 65 tuổi ít khi nói chuyện hay thể hiện cảm xúc. Ông cũng hạn chế giao tiếp bằng mắt với những khách hàng chưa gặp nhiều lần. Nhưng ngày hôm đó ông đã nở một nụ cười với hai vị khách quen là Tomomi Arikawa (48 tuổi) và con gái Sayaka (16 tuổi).

Sayaka đang thực hiện một dự án nghiên cứu mùa hè ở trường và chọn chủ đề về chứng mất trí nhớ để tưởng nhớ ông nội, người mắc căn bệnh này năm 2019 và qua đời đầu năm nay.

Sau khi nhận đồ từ ông Kazuhiko , Sayaka cảm ơn và mỉm cười. Người phục vụ già cũng đáp lại bằng một nụ cười. “Cảm giác thật sự rất đặc biệt”, cô bé nói.

Còn với người phục vụ già Morita, trong suốt thời gian làm, ông không ngừng trò chuyện với khách hàng bởi bản thân từng làm nhân viên bán bảo hiểm và chủ tịch hiệp hội khu phố đang sống. Hai năm trước ông đột nhiên không nhớ được tên những người hàng xóm. Ông nói muốn được tiếp tục làm việc nhưng không nơi nào nhận và may mắn Sengawa xuất hiện.

Ông Kazuhiko đang đưa đồ cho khách tại quán cà phê của những đơn hàng nhầm lẫn tại Nhật Bản, tháng 9/2023, Ảnh: Irwin Wong/Washington Post

Vào mỗi buổi sáng của ca làm việc, cách 10 phút, cụ ông lại hỏi vợ sắp đến giờ xuất phát chưa. Ông cũng nhờ vợ đưa đến chỗ làm bởi không nhớ đường đến quán.

Bà Masako (80 tuổi), vợ ông Morita, nói: “Ông ấy luôn hào hứng khi đến đây và nói rằng mỗi tháng một lần là không đủ”. Trong thời gian ông Morita làm việc, người vợ 80 tuổi sẽ thưởng thức bánh ngọt và quan sát chồng từ xa.

Minh Phương (Theo Washingtonpost)

Thông tin chi tiết xemtại đây.