Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến nhân dân, Bộ Y tế đề xuất chính sách thích ứng với già hóa dân số, dân số già.
Tốc độ già hoá dân số nhanh
Dự án Luật Dân số đang được Bộ Y tế lấy ý kiến nhân dân đề cập đến 6 chính sách bao gồm:
- Chính sách 1: Duy trì mức sinh thay thế.
- Chính sách 2: Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
- Chính sách 3: Thích ứng với già hóa dân số, dân số già.
- Chính sách 4: Phân bố dân số hợp lý.
- Chính sách 5: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
- Chính sách 6: Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Bộ Y tế cho biết nếu trong 10 năm, từ 1979 – 1989, dân số tăng thêm 20% thì người cao tuổi tăng thêm 25%; giai đoạn 1989-1999, các tỉ lệ tương ứng là 18% và 33%. Trong những năm đầu của thế kỷ 21, giai đoạn (1999 – 2016), dân số tăng thêm 21,1% còn người cao tuổi tăng thêm 49,4%.
Đáng chú ý là những người 80 tuổi trở lên, nhóm đang được hưởng trợ cấp xã hội, nếu không có lương hưu hoặc các loại trợ cấp khác là nhóm tăng nhanh nhất.
Theo Điều tra biến động dân số – kế hoạch hoá gia đình, tại thời điểm 1/4/2011, người cao tuổi ở nước ta đã chiếm 9,9% dân số, còn tại thời điểm 1/4/2012 là 10,2%. Như vậy, có thể coi Việt Nam đã đạt được 10% người cao tuổi và bước vào quá trình già hóa ngay từ năm 2011.
Dự báo, chỉ 20 năm sau, tỷ lệ này đạt 20%, tức là “dân số già” còn đến giữa thế kỷ XXI, lên tới 24% với số người cao tuổi khoảng 25 triệu. Cần lưu ý là, thời gian để người cao tuổi tăng từ 10% lên 20%, ở Pháp mất 115 năm (1865-1980), Thụy Điển 85 năm (1890-1975) và Việt Nam chỉ khoảng 20 năm.
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Châu Á, thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già là 17-20 năm, ngắn hơn so với nhiều nước khác đã kể trên.
Theo Dữ liệu dân cư quốc gia, cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Trong đó, khoảng 2,6 triệu người từ 80 tuổi (chiếm 15,9% tổng số người cao tuổi), 9,05 triệu người cao tuổi là nữ (chiếm 57,8%), 10,3 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn (chiếm 64%). Tuổi thọ bình quân chung là 73,6 tuổi (nam: 71, tuổi, nữ: 76,4), người cao tuổi mắc trung bình từ 2 – 3 bệnh nên, tuổi thọ khỏe mạnh chỉ đến 66 tuổi.
Theo dự báo dân số, chỉ số già hóa sẽ vượt ngưỡng 100 vào năm 2032, là thời điểm nước ta bắt đầu có dân số cao tuổi nhiều hơn dân số trẻ em; nếu năm 2023, cứ hơn 7 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ 1 người cao tuổi thì đến năm 2036 là hơn 3 người và đến năm 2049 chỉ còn hơn 2 người
Nguyên nhân già hóa của Việt Nam cũng tương tự nguyên nhân của thế giới. Đó là tuổi thọ tăng và mức sinh giảm. Chỉ có điều khác là tuổi thọ ở Việt Nam tăng nhanh, từ 44,4 tuổi năm 1960 lên 73,4 tuổi năm 2016. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình của thế giới.
Đồng thời, Việt Nam đẩy mạnh kế hoạch hoá gia đình nên mức sinh cũng giảm mạnh, từ chỗ trung bình mỗi bà mẹ có khoảng 7 con những năm 1964-1969, giảm xuống chỉ còn 2 con vào năm 2003 và mức sinh thấp này vẫn duy trì liên tục cho đến nay. Tuổi thọ tăng và mức sinh giảm vẫn sẽ là các nhân tố thúc đẩy nhanh và mạnh hơn nữa quá trình già hoá dân số nước ta trong tương lai.
Ngoài ra, theo số liệu điều tra dân số 2016, ở Việt Nam, đến tuổi hưu, trung bình sống thêm 18,3 năm; đối với nữ là 24,7 năm. Trong số người cao tuổi, nhiều người khỏe mạnh, có khả năng và trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và nhu cầu lao động, vẫn có thể tiếp tục làm việc bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, có cuộc sống ý nghĩa hơn và tích cực hơn.
Do vậy, tỉ lệ người cao tuổi hoạt động kinh tế không tăng lên. Tuy nhiên, 57% số người cao tuổi hoạt động kinh tế là làm nông nghiệp, tức là khu vực có năng suất thấp. Người cao tuổi ở thành thị, thường có sức khỏe tốt hơn, kiến thức tay nghề cao hơn nhưng tỉ lệ hoạt động kinh tế chỉ có 20%.
Trong khi đó, tỉ lệ này ở nông thôn lên tới 42,5%. Đây là dấu hiệu cho thấy chưa tận dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
Hiện vấn đề tạo việc làm cho người cao tuổi có nhu cầu còn hạn chế. Cả nước có trên 4 triệu người cao tuổi đang làm việc trong nền kinh tế, song hầu hết đang làm các công việc có tính chất dễ bị tổn thương và có thu nhập thấp, với gần 80% lao động cao tuổi là lao động tự làm và lao động hộ gia đình.
Mức lương bình quân của người cao tuổi gần 3,8 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 34,0% mức lương bình quân trên thị trường.
Thích ứng với già hoá dân số: Đề xuất xây dựng các gói dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đề xuất xây dựng các giải pháp thích ứng quá trình già hóa dân số, dân số già; đáp ứng nhu cầu cơ bản về chăm sóc người cao tuổi và một số nhu cầu cơ bản của người cao tuổi ngày càng tăng nhanh.
Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất xây dựng quy trình, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi. Xây dựng các gói dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi.
Xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn người cao tuổi phù hợp với đặc điểm về giới, độ tuổi, học vấn, văn hóa, kinh tế, xã hội, phù hợp các vùng miền, địa phương.
Đề xuất xây dựng các gói dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi để thích ứng với già hoá dân số.
Xây dựng các chương trình, dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi là người cao tuổi phù hợp với nhu cầu, sức khỏe, trình độ, năng lực và nhu cầu thị trường. Xây dựng, tạo môi trường làm việc thân thiện với người cao tuổi;
Tổ chức nghiên cứu phát triển và ứng dụng những thành tựu khoa học để thích ứng với già hóa dân số, dân số già; Thực hiện các chương trình, dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi là người cao tuổi; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực về chăm sóc dài hạn người cao tuổi.
Bộ Y tế nhận định những giải pháp này sẽ giảm bớt áp lực về dân số đối với các đô thị lớn và bảo đảm nguồn nhân lực đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế; thúc đẩy sự phân bố dân cư, lao động giữa các vùng miền.
Đưa lao động từ các khu vực đông dân nhưng ít tài nguyên sang khu vực ít dân nhưng giàu tài nguyên để tận dụng tối đa nguồn lao động cho quá trình phát triển.
Đồng thời, tăng cường đầu tư và phát triển kinh tế tại các vùng miền chưa được phát triển; hỗ trợ để đẩy mạnh quá trình tái định cư và phân bố dân cư hợp lý; khuyến khích người dân sinh sống và làm việc tại các vùng đang thiếu hụt lao động.
Tuy nhiên để thực hiện giải pháp này, Bộ Y tế cho rằng Nhà nước cần bảo đảm ngân sách để tuyên truyền vận động và xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành…
Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống
Thông tin chi tiết xem tại đây