GiadinhNet – Qua số liệu điều tra, thực tế cho thấy, ở địa phương có mức sinh cao thì độ tuổi kết hôn và sinh con sớm, từ 20 đến 24 tuổi. Nơi mức sinh thấp hoặc rất thấp thì thanh niên có xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, từ 25 đến 29 tuổi.
“Mục tiêu khuyến khích mỗi gia đình sinh đủ hai con, nuôi con khoẻ mạnh, nhằm đảm bảo nguồn lao động, nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế đất nước thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Mức sinh thay thế là mỗi phụ nữ có trung bình 2,1 con, vì theo quy luật tự nhiên và tính trên phạm vi rộng, trong 2 con sẽ có một con gái để thay thế mẹ thực hiện chức năng sinh đẻ.
Chăm sóc các bé sơ sinh tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). TP HCM là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước. Ảnh: Ngọc Dương
Năm 2019, cả nước có 21 tỉnh có mức sinh thấp (phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con), thậm chí một số tỉnh, mức sinh đã rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, Đồng Bằng Sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung.
Theo bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế), mới đây, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch xây dựng và thí điểm một số giải pháp hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con ở vùng có mức sinh thấp. Kế hoạch nhằm thực hiện Quyết định 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, điều này đánh dấu những bước đi đầu tiên trong triển khai thực hiện cuộc vận động “Nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn; mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt“.
Theo bà Đặng Quỳnh Thư, việc thí điểm khuyến khích thanh niên kết hôn trước tuổi 30 nằm trong bối cảnh cụ thể là chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp đến năm 2030 và chỉ áp dụng ở vùng mức sinh thấp. Các quyền công dân được tôn trọng theo quy định pháp luật và mỗi người đều có quyền lựa chọn, chương trình chỉ khuyến khích.
Phân tích về việc khuyến khích thanh niên kết hôn trước tuổi 30 được cho sẽ góp phần tăng mức sinh ở những nơi mức sinh thấp, bà Quỳnh Thư cho hay sau khi phân tích số liệu thống kê kết quả điều tra biến động dân số hàng năm về nhân khẩu học, cho thấy thực tế là địa phương mức sinh cao thì độ tuổi kết hôn và sinh con sớm, từ 20 đến 24 tuổi. Nơi mức sinh thấp hoặc rất thấp thì thanh niên có xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, từ 25 đến 29 tuổi.
Về sinh học, phụ nữ sinh con trước 30 tuổi sẽ rất tốt cho cả mẹ và trẻ. Sinh con muộn sẽ có nhiều nguy cơ. Vì vậy, nếu phụ nữ 30 tuổi mới sinh con thứ nhất thì thường 5 năm sau mới sinh con thứ hai; còn sau 30 tuổi mới sinh con thứ nhất thì cũng sau 5 năm mới sinh con thứ hai, lứa tuổi đó không tốt cho mẹ và con.
Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng ban hành Quyết định 588, khuyến khích thanh niên kết hôn trước 30 tuổi; phụ nữ sinh con thứ hai trước tuổi 35. Mục đích là thanh niên trước tuổi 30 kết hôn, sau đó sẽ sinh con, để vừa đảm bảo sức khỏe, vừa góp phần tăng tỷ suất sinh ở những nơi có mức sinh thấp. Theo Quyết định 588/QĐ-TTg, mục tiêu nhóm mức sinh thấp sẽ tăng 10% tổng tỷ suất sinh.
Về việc thí điểm khuyến khích thanh niên kết hôn trước tuổi 30 cũng như mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con, đại diện Tổng cục Dân số cho hay tại các vùng có mức sinh thấp sẽ bãi bỏ quy định của tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ ba trở lên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa người dân hoặc cán bộ, đảng viên được khuyến khích sinh con thứ ba.
Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số Đặng Quỳnh Thư nhấn mạnh, tại những vùng có mức sinh thấp, các địa phương sẽ nghiên cứu ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con như: Hỗ trợ tư vấn cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình; hỗ trợ mua nhà ở xã hội; thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập; hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em…
Những chính sách này sẽ được các địa phương có mức sinh thấp phân tích thực tế và áp dụng thí điểm sao cho phù hợp. Sau khi kết thúc thí điểm mới đánh giá để đưa ra những chính sách chính thức.
Q.An