Sự cần thiết ra đời Luật Dân số: Có nên quy định cụ thể nội dung về mổ đẻ?

0
150

GiadinhNet – Số liệu khảo sát từ các bệnh viện phụ sản lớn trên cả nước, hiện tỷ lệ mổ đẻ đang ở mức 40-60%, thậm chí nhiều sản phụ và gia đình còn “chỉ định đẻ mổ” thay bác sĩ.

 

Có nên quy định cụ thể nội dung về mổ đẻ? 1

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc, Nghệ An.  Ảnh: Võ Thu

Các bác sĩ cho rằng, mổ đẻ dễ gây tai biến cho cả mẹ và bé hơn sinh thường. Điều này cũng gây nên tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên. Nguyên nhân một phần vì hiện nay, chưa có quy định nào về vấn đề này…

Nguy cơ cao nhưng vẫn khăng khăng đòi mổ đẻ

BS Nguyễn Bá Hòe – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS Hải Phòng cho biết: Năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, tỷ lệ mổ đẻ ở Hải Phòng lên đến hơn 30%. Ngoài các ca chỉ định mổ theo chuyên môn, không thiếu các trường hợp sản phụ và người nhà yêu cầu được mổ đẻ cho kịp “giờ đẹp”, “ngày đẹp” (?!). Còn tại một số bệnh viện, khoa sản lớn trong cả nước, tỷ lệ mổ đẻ cũng tăng mạnh trong những năm gần đây.

Năm 2012, tại Khoa Sản, BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, 25-30% số sản phụ sinh mổ là do người nhà yêu cầu. Nhiều thai phụ qua thăm khám, sức khỏe hoàn toàn bình thường, nhưng ngay từ lúc mang bầu đã nhất định “đòi” sinh mổ bằng được. “Thậm chí có gia đình ngay khi cho bà bầu nhập viện đã khẩn thiết viết tay “Đơn xin được mổ đẻ”. Với những trường hợp này, chúng tôi đều giải thích cho thai phụ và người nhà, đồng thời có cam kết giữa hai bên để đảm bảo nếu không may xảy ra tai biến cho mẹ và em bé…”, BS sản khoa Trần Ngọc Hà, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho biết.

Tại Khoa Đẻ, BV Phụ sản Trung ương, hay Khoa Phụ sản – BV Trung ương Huế, số ca đẻ mổ chiếm 40%. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trong năm 2012, có hơn 45.900 ca đẻ, trên 50% trong đó là sinh mổ. Đây cũng là bệnh viện nằm trong “top đầu” các bệnh viện có tỷ lệ mổ lấy thai lớn nhất cả nước.

Theo ông Đinh Công Thoan – nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục DS-KHHGĐ), thành viên Tổ chuyên trách soạn thảo Dự thảo Luật Dân số: Hiện nay, việc mổ đẻ đang có xu hướng bị lạm dụng. Thậm chí nhiều trường hợp sản phụ và người nhà nằng nặc đề nghị bác sĩ “chỉ định đẻ mổ”. Theo khảo sát tại một số bệnh viện lớn trong cả nước, tỷ lệ mổ đẻ lên tới 40-60%, trong khi trên thế giới, chỉ có 15% sản phụ phải mổ lấy thai theo chỉ định y khoa.

 

Hiện nay, ngoại trừ hướng dẫn chuyên môn y khoa, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về việc mổ đẻ, yêu cầu về đối tượng, điều kiện mổ đẻ. Trong mọi trường hợp, việc chỉ định mổ lấy thai là phải theo ý kiến của Hội đồng chuyên môn y khoa và bác sĩ. Trên thực tế, việc lạm dụng mổ đẻ đã gây ra tình trạng quá tải cho bản thân bác sĩ (nếu cùng lúc được người nhà sản phụ yêu cầu mổ) và bệnh viện (sản phụ luôn mong mỏi được sinh con tại các bệnh viện tuyến trung ương cho “yên tâm”).

Các bác sĩ sản khoa chia sẻ: Có nhiều nguyên nhân của sự lạm dụng này, phần lớn do sản phụ và gia đình yêu cầu với nhiều lý do như: Chọn “ngày, giờ tốt” để sinh con hoặc gia đình thấy sản phụ đau, chờ lâu nên gây áp lực để bác sĩ phải chỉ định mổ. Tình trạng viết đơn tay xin được mổ đẻ là chuyện rất bình thường tại các bệnh viện sản khoa, khoa sản lớn trong cả nước…

Tạo hành lang pháp lý

Các chuyên gia sản khoa cũng khẳng định: Việc mổ đẻ không phải là giải pháp tốt cho bà mẹ và em bé. Trừ những trường hợp như theo tư vấn của BS Lê Thiện Thái – Trưởng Khoa Đẻ, BV Phụ sản Trung ương: Chỉ định mổ là những sản phụ không thể đẻ được đường dưới do khung chậu người mẹ, thai to, ngôi bất thường, mổ đẻ cũ, rau tiền đạo, nhau bong non, các bệnh nặng của mẹ… Đôi khi nguy cơ tai biến khi sinh mổ có thể cao hơn đẻ thường. Đẻ mổ còn tiêu tốn một lượng kinh phí của nhà nước và bệnh nhân, hậu sản kém hơn, những lần có thai sau sẽ khó khăn, vất vả hơn. Vỡ tử cung trong những lần có thai sau đó là một ví dụ điển hình. Không thiếu các trường hợp phải cắt bỏ hoàn toàn tử cung để bảo toàn tính mạng cho người mẹ khi sản phụ mang thai tại vết mổ đẻ cũ – đó là một thảm họa đối với bất kỳ phụ nữ nào.

Theo ông Đinh Công Thoan: Thực ra không phải đến bây giờ quy định về mổ đẻ mới được cân nhắc để đưa vào văn bản quy phạm pháp luật. Bản thân ông Thoan cũng là người đã tham gia vào Ban soạn thảo Pháp lệnh Dân số 2003, lúc đó vấn đề này từng được đề cập. Nhưng vì thời điểm đó, mổ lấy thai chiếm tỷ lệ không lớn, tình trạng người nhà và sản phụ “chỉ định mổ đẻ” thay bác sĩ cũng chỉ là thiểu số; Nếu quy định cụ thể về mổ đẻ trong văn bản này dễ bị hiểu theo nghĩa “vẽ đường cho hươu chạy”. Vì vậy, trong Pháp lệnh Dân số chưa quy định. Thực tế 10 năm sau khi thi hành, “không vẽ đường, hươu cũng tự chạy”, khi tỷ lệ mổ lấy thai theo yêu cầu của gia đình sản phụ tăng chóng mặt.

Vậy có nên quy định sản phụ, người đại diện của sản phụ không có quyền và không được yêu cầu bác sĩ chuyên môn thực hiện mổ lấy thai trước khi chuyển dạ vì bất cứ lý do gì hay không? BS Nguyễn Bá Hòe chia sẻ: Rất cần thiết. Bác sĩ là người đưa ra chỉ định điều trị. Đây sẽ là hành lang pháp lý giúp bác sĩ có căn cứ, ngoài việc giải thích cho người nhà và sản phụ về các nguy cơ và điều kiện mổ đẻ, thì còn có thể dựa vào Luật, lời giải thích sẽ có tính thuyết phục, chặt chẽ hơn. Ngoài ra, nếu quy định này được đưa vào Luật, sẽ góp phần giảm tải tình trạng quá tải cho bác sĩ và bệnh viện, hạn chế được nguy cơ cho sản phụ khi sinh mổ.

Võ Thu