Chỉ sinh con trai, lấy ai làm vợ?

0
65

GiadinhNet – Đây là một trong những gợi ý thông điệp truyền thông được các chuyên gia nghiên cứu chia sẻ tại Hội thảo tham vấn xây dựng Chương trình truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh (giai đoạn 2013-2016), do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức ngày 6/9 vừa qua.

“Chỉ sinh con trai, lấy ai làm vợ?” 1

Nam giới cần chia sẻ trách nhiệm việc nhà, việc xã hội với phụ nữ. Ảnh: Dương Ngọc

 
Hội thảo có sự tham dự của ông Lều Vũ Điều – Phó Chủ tịch thường trực TƯ Hội Nông dân, ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS- KHHGĐ (Bộ Y tế); cùng các chuyên gia Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), chuyên gia truyền thông, tâm lý, gia đình, giới và bình đẳng giới… Chương trình được Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) xây dựng với sự tư vấn trực tiếp từ Trung ương Hội Nông dân (HND), UNFPA…
 
“Đánh thức” sự quan tâm của nam nông dân về các vấn đề xã hội
Các ý kiến tại Hội thảo đều khẳng định sự cần thiết của Chương trình truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ), giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) do Trung ương HND triển khai. Ông Lều Vũ Điều – Phó Chủ tịch thường trực TƯ Hội Nông dân nhấn mạnh một trong những cơ sở, lợi thế để xây dựng chương trình: 70% dân số Việt Nam tham gia sản xuất nông nghiệp. Đa phần nam nông dân là chủ hộ và có tiếng nói chủ đạo trong gia đình.75% hội viên HND là nam giới. HND có mạng lưới tổ chức đến tất cả các địa bàn nông thôn trong cả nước và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, tín chấp vay vốn, khuyến nông đào tạo, dạy nghề và truyền thông cho các hội viên nông dân ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.
“Các nghiên cứu gần đây thực hiện trên đối tượng nam giới và trẻ em trai cho thấy: Nếu can thiệp dự phòng được thiết kế tập trung vào truyền thông thay đổi hành vi, tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ cho việc xây dựng một hình ảnh nam tính bình đẳng, tích cực, thì vẫn có thể thay đổi được những thái độ và hành vi mang tính phân biệt đối xử ở cả nam giới và phụ nữ, liên quan đến địa vị cũng như sự phụ thuộc của phụ nữ vào nam giới. Đây cũng là một phần dẫn đến BLGĐ, mất cân bằng GTKS”, ông Điều nói.
Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) nêu quan điểm: Lâu nay các chương trình về giới, BLGĐ, mất cân bằng GTKS hầu như chỉ mới được phụ nữ quan tâm. Việc tiếp cận đối tượng nam nông dân, trẻ em trai, cán bộ HND là hướng tiếp cận rất đúng và cần thiết. Đồng quan điểm này, GS.Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển chia sẻ thông tin: “Cách đây không lâu, tôi được mời đi tập huấn cho nam nông dân tỉnh Bắc Ninh về vấn đề giới. Họ đã chia sẻ rằng HND lâu nay chỉ quan tâm đến lúa, gạo, gà, vịt… nay mới biết đến các vấn đề xã hội”. GS Quý cho rằng lâu nay, nam nông dân cứ “lơ lửng trên trời” với các vấn đề về giới, BLGĐ, mất cân bằng GTKS. Đây thực sự là một khiếm khuyết và việc thiết kế, triển khai chương trình là một việc làm cần thiết, cấp bách, “đánh thức” sự quan tâm của nam nông dân về vấn đề của chính họ.

“Tổng cục DS-KHHGĐ rất hoan nghênh và ghi nhận hoạt động này. Truyền thông về bình đẳng giới, mất cân bằng GTKS là vấn đề rất khó. Phải làm sao để chương trình không chỉ đơn thuần mang tính hợp tác mà biến đây thành nhiệm vụ chính trị của mỗi người nông dân, giúp họ thấy được quyền lợi khi tham gia chương trình”.
(TS Lê Cảnh Nhạc Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ)

Bà Phùng Thị Vân Anh, cán bộ CECEM chia sẻ thông tin thực tế: Mức độ kiến thức của nam nông dân đối với vấn đề giải quyết mất cân bằng GTKS còn rất hạn chế. “Khi người phụ nữ không sinh được con trai, họ thường bị cho là “không biết đẻ”. Có 54,2% nam giới ở Hải Dương tham gia nghiên cứu không biết mình là người góp phần lớn tạo nên giới tính thai nhi. Nhiều người không biết rằng việc siêu âm xác định giới tính là hành vi bị pháp luật cấm. Tại các làng quê, với những gia đình đã có con trai, họ vẫn trêu đùa, chế giễu những người sinh con một bề là gái. Tuy nhiên, hành vi chế giễu này hiện nay vẫn chưa bị lên án. Còn đối với các trẻ em trai ở nông thôn (12-16 tuổi), khái niệm mất cân bằng GTKS hiện rất “xa vời”, bà Vân Anh nói.
 
Thông điệp truyền thông phải ngắn gọn, dễ hiểu
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia về vấn đề truyền thông chủ đề BLGĐ, mất cân bằng GTKS. “Chúng ta nên quan tâm đến văn hóa vùng miền để đưa ra những giải pháp truyền thông phù hợp với đối tượng đích của chương trình”, ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục DS-KHHGĐ) nói. Ông Phương cũng đánh giá cao những thông điệp do nhóm chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo, “Thông điệp phải ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi, tác động trực tiếp, phù hợp đặc trưng với từng đối tượng, từng vùng miền”, ông Phương nói thêm.
Đồng tình với ý kiến này, GS Quý cũng nhấn mạnh rằng: Mất cân bằng GTKS là vấn đề rất “gay go”, vì nó động chạm đến vấn đề văn hóa đã in đậm rất sâu vào mỗi người. Nếu BLGĐ là biểu hiện cao nhất của bất bình đẳng giới thì mất cân bằng GTKS là biểu hiện cao nhất của BLGĐ. Việc tập huấn thay đổi nhận thức cho nam nông dân phải là bước đi đầu tiên. “Theo tôi, chúng ta nên tập trung nhấn mạnh vào việc cho người nông dân thấy những tác hại trước mắt và lâu dài của các nội dung này. Đơn cử như hiện nay, Trung Quốc thừa từ 80-100 triệu đàn ông có nguy cơ không biết đến phụ nữ hay mái ấm gia đình là gì! Việt Nam cũng đang nằm trong mối nguy cơ cao đó, khi đến khoảng hơn 20 năm nữa, Việt Nam thừa 12% nam giới… Nên đa dạng hình thức truyền thông để phù hợp với nông dân, như sân khấu hóa bằng các vở kịch được chính người nông dân sáng tác, đạo diễn, biểu diễn, các cuộc thi trắc nghiệm… Khi đó, người dân họ mới thấm”, GS Lê Thị Quý nói.
Khẳng định sự cần thiết của chương trình, TS Lê Cảnh Nhạc chia sẻ: Cần phải đặt vấn đề từ chính điều người nông dân cần, gắn với nhiệm vụ chính trị của họ, cho họ thấy được quyền lợi khi tham gia chương trình. Khi người nông dân coi đây là nhiệm vụ chính trị của mình, cùng với nguồn lực, đây sẽ thành sinh hoạt thường xuyên của Hội.
“Mối quan hệ giữa các vấn đề bình đẳng giới – mất cân bằng GTKS là tương tác, hệ quả của nhau, thành vòng tròn bất bình đẳng giới – BLGĐ – mất cân bằng GTKS – tác động trở lại bất bình đẳng giới. Do đó, cần lồng ghép, đan xen các nội dung để triển khai chương trình. Đây là những vấn đề truyền thông rất khó vì nó tác động đến nhận thức người dân, mà đã bị truyền thống văn hóa ngàn đời cắm sâu bén rễ vào mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ”, TS Lê Cảnh Nhạc cho hay.
Về đối tượng của chương trình, Phó Tổng cục trưởng Lê Cảnh Nhạc cho rằng: Ngoài đối tượng là nam, nữ hội viên HND, trẻ em trai, cần chú trọng thêm hội viên các câu lạc bộ nam nông dân, đặc biệt là đối tượng già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng. Đây là những người có vị trí quan trọng trong đời sống người dân. Nếu họ đứng ngoài cuộc thì chương trình sẽ khó thành công.
 
 Võ Thu