Lựa chọn giới tính thai nhi: Cần chặn đứng sự kỳ thị trẻ em gái

0
137

GiadinhNet – Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, Phụ nữ LHQ, Quỹ Nhi đồng LHQ, Quỹ Dân số và Nhân quyền LHQ đã khẳng định: “Nơi nào không có tư tưởng“trọng nam khinh nữ” thì dù ở đó sẵn có các công nghệ tiên tiến để phát hiện giới tính thai nhi, cũng sẽ không ai sử dụng. Do vậy ở đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng không xảy ra.”- Đây là tổng kết quan trọng nhất của LHQ khi nghiên cứu các nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng như hiện nay.

Em vẽ ước mơ. Ảnh: Hồng Quang
Em vẽ ước mơ. Ảnh: Hồng Quang

Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với trẻ gái

Ngay từ năm 1994, trong Chương trình hành động của Hội nghị Dân số và phát triển tại Cairô – Aicập, được thông qua với sự đồng thuận của 198 nước tham gia đã nhất trí: “Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với trẻ gái cũng như những nguyên nhân gốc rễ của tư tưởng “thích con trai” , gây ra những hành vi tai hại và phi đạo đức, liên quan đến lựa chọn giới tính và giết trẻ sơ sinh gái” và “Nâng cao nhận thức xã hội về giá trị của trẻ em gái, từ đó nâng cao lòng tự trọng và ưu thế của trẻ em gái” .

Sau hơn 20 năm kể từ Hội nghị Dân số và phát triển tổ chức tại Cairô, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) không những chưa được khắc phục mà ngày càng trở nên nghiêm trọng trong lịch sử dân số và phát triển ở những nước vẫn còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.

Hiện nay, toàn Châu Á đang thiếu hụt tới 117 triệu phụ nữ do mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, một trong những hậu quả của tình trạng phân biệt giới tính. Việt Nam không phải là quốc gia nằm ngoài “vòng xoáy” này. Tuy không phải là quốc gia đầu tiên đối mặt với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng thách thức này đã rất rõ ràng và đang ngày càng tăng lên tại Viêt Nam. Tỷ số giới tính khi sinh đã tăng từ 106.2 bé trai trên 100 bé gái năm 2000 lên 111.9 bé trai trên 100 bé gái năm 2011 và xu hướng này tiếp tục gia tăng.

Mất cân bằng giới tính khi sinh thường xảy ra ở các quốc gia thực hiện chính sách dân số hạn chế sinh đẻ, gia đình ít con (1-2 con) như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, và một số nước vùng Trung Á như Azecbaizan, Ac mênia…Những năm 1990, tỷ số giới tính khi sinh của Trung Quốc, Hàn Quốc đã lên tới 115 trẻ trai/100 trẻ gái. Từ năm 2000 đến nay Hàn Quốc đã cơ bản khống chế được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa dần về quy luật sinh sản tự nhiên trong khi Trung Quốc vẫn tăng đến 122,8 năm 2010.

Nghiên cứu hiện tượng MCBGTKS trong hơn 2 thập kỷ qua, các chuyên gia LHQ cho rằng: Truyền thống thừa kế của chế độ phụ hệ ở nhiều cộng đồng xã hội cùng với việc trông cậy vào sự hỗ trợ tài chính của con trai để bảo đảm an sinh khi về già cùng với nghi lễ mai táng chính là tiền đề quan trọng nhất trong các chuẩn mực xã hội, đã tạo ra giá trị lớn nhất của trẻ trai so với trẻ gái. Đây chính là gốc rễ của tình trạng MCBGTKS.

Cả cộng đồng cần chung tay vì sự tiến bộ của trẻ em gái và phụ nữ

Một tiết mục văn nghệ tuyên truyền về hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ảnh: P.V
Một tiết mục văn nghệ tuyên truyền về hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ảnh: P.V

Ngoài ra, xu hướng giảm quy mô gia đình, đôi khi cũng do áp lực của chính sách hạn chế số con càng làm sâu sắc thêm tư tưởng gốc rễ thích con trai đẻ của mình. Và kết quả là tạo ra áp lực gia đình và xã hội rất lớn đối với người phụ nữ. Họ buộc phải sinh bằng được con trai. Sự thất bại của họ có thể dẫn đến những hậu quả bạo hành, sự từ bỏ của gia đình và thậm chí là cái chết. Do vậy, nhiều phụ nữ bất chấp sức khỏe, tính mạng của mình, buộc phải mang thai nhiều lần, cho đến khi có được con trai!

Mặc dù hiện nay có nhiều công nghệ tiên tiến giúp xác định giới tính và kèm theo là chọn lọc giới tính rất phổ biến nhưng đó chưa phải là nguyên nhân gốc rễ. Các chuyên gia LHQ cho rằng: “Nơi nào không có tư tưởng trọng nam khinh nữ thì dù sẵn có các công nghệ tiên tiến để phát hiện giới tính thai nhi thì cũng không ai sử dụng để lựa chọn giới tính”.

Để chặn đứng tình trạng MCBGTKS, LHQ đã khuyến cáo cho các nước đang gặp và đối mặt với tình trạng này cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, nhu cầu cần thiết phải có những số liệu đáng tin cậy hơn để không những chứng minh mức độ nghiêm trọng thực sự của vấn đề mà còn có những tác động, can thiệp kịp thời. Những số liệu này là bằng chứng cần thiết để xây dựng và điều phối chính sách đúng đắn.

Thứ hai, những nguyên tắc về đạo đức nghề nghiệp khi sử dụng những công nghệ liên quan đến lưạ chọn giới tính cần phải được xây dựng và ban hành thông qua tổ chức y tế.

Thứ ba, các giải pháp hỗ trợ cho trẻ em gái và phụ nữ cần được đặt đúng vị trí, bao gồm các giải pháp đảm bảo cho họ tăng cường tiếp cận thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và giáo dục; các biện pháp nhằm nâng cao an sinh xã hội cho họ; và các biện pháp như cung cấp những khoản thưởng cho các gia đình sinh con một bề là gái.

Thứ tư, các nước cần xây dựng, đẩy mạnh những điều luật, khung chính sách khả thi nhằm vào những nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng giới, dẫn đến sự lựa chọn giới. Chính sách cần thiết phải xây dựng trong các lĩnh vực như Luật thừa kế, của hồi môn, tài chính và bảo trợ xã hội ở tuổi già. Những chính sách và Luật này cần đảm bảo sự cam kết đối với các quyền của con người và bình đẳng giới.

Cuối cùng: Cần hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động vận động, nâng cao nhận thức để tăng cường các cuộc tranh luận, thảo luận trên các mạng xã hội. Rộng rãi hơn là trong các tổ chức dân sự để mở rộng sự thống nhất quan điểm về giá trị bình đẳng giữa trẻ gái và trẻ trai.

Con gái không hề thua kém con trai

Các chuyên gia cảnh báo: Tình trạng MCBGTKS có tác động rất lớn đến cơ cấu, chất lượng dân số nước ta và kéo theo đó là những hệ lụy cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến thiếu hụt phụ nữ và “dư thừa” đàn ông, đặc biệt là ở độ tuổi kết hôn. Đến năm 2050, số lượng đàn ông Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành không có khả năng kết hôn tích lũy lại sẽ là 2,3- 4,3 triệu người. Xã hội sẽ như thế nào nếu có hàng triệu đàn ông không có vợ? Điều đó sẽ dẫn đến việc tan vỡ cấu trúc gia đình Việt, làm xói mòn những nền tảng giá trị đạo đức. Kết hôn sớm, ly hôn, độc thân, bạo hành, bất bình đẳng giới ngày càng gia tăng. Mặc dù không thể kết hôn nhưng họ vẫn có nhu cầu tình dục và sẽ làm gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm xuyên quốc gia. Ngoài ra, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội bị đe dọa. Đối với những ngành nghề vốn được xem là thích hợp với phụ nữ như giáo viên mầm non, tiểu học, y tế, may mặc… cũng trở lên thiếu vắng nữ lao động.

Các chuyên gia cũng cho hay: Tình trạng MCBGTKS vẫn còn tồn tại chủ yếu là do định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai và xem thường giá trị phụ nữ đã ăn sâu trong các quan niệm văn hóa của nhiều người. Vì thế giải pháp của vấn đề là cần được giải quyết trong bối cảnh rộng lớn của phát triển kinh tế, xã hội và quyền con người để xóa bỏ bất bình đẳng giới.

Điều đó cho thấy rằng những vấn đề dân số có tác động, hệ lụy lâu dài và có khi từ đời này sang đời khác. Nếu chúng ta không có những giải pháp quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ, con cháu chúng ta sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề trong khi họ lại không phải là người gây ra…

PGS.TS. Trần Văn Chiến – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ