Khi xem ảnh siêu âm buồng trứng của nữ bệnh nhân 25 tuổi, bác sĩ đã ‘không tin vào mắt mình’.
Buồng trứng gần như không còn nang trứng
Ths. BS Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo (Bệnh viện Phụ sản TW) – cho biết đã từng tiếp nhận ca bệnh hiếm muộn rất đặc biệt. Khi đến khám, bệnh nhân là điều dưỡng mới 25 tuổi nhưng mắc căn bệnh suy buồng trứng sớm.
Nữ điều dưỡng (đến từ Thanh Hóa) cho biết trước khi đến khám 3 năm, bệnh nhân đã lập gia đình. Tuy nhiên, do lúc đó mới ra trường và còn đang thử việc tại một bệnh viện nên cô gái trẻ đã bàn với chồng hoãn việc sinh con lại. Trước quyết định chăm lo cho sự nghiệp của người vợ trẻ, người chồng đã ủng hộ hết mình.
Sau thời gian thử việc, chị T được nhận vào là nhân viên chính thức của bệnh viện và bắt đầu có ý định sinh em bé. Chị T cũng ‘thả’ để mang bầu nhưng không đậu thai.
Tuy nhiên, kinh nguyệt của chị T không được đều, tháng có tháng không. Cho tới khi mất kinh 6 tháng, chị T mới đến quyết định đi khám.
Khi khám cho bệnh nhân T, bác sĩ Thành đã ‘không tin vào mắt mình’ vì trên hình ảnh siêu âm buồng trứng của bệnh nhân gần như không còn các nang trứng. Kết quả xét nghiệm hormone dự trữ buồng trứng AMH còn rất thấp, bệnh nhân được chẩn đoán mắc căn bệnh suy buồng trứng sớm.
Bác sĩ Thành đang tư vấn cho bệnh nhân, ảnh BSCC.
“Lúc tôi thông báo bệnh nhân còn rất ít cơ hội làm mẹ do buồng trứng còn rất ít nang trứng, bệnh nhân đã bật khóc rồi ngất lịm. Khi tỉnh lại, nữ điều dưỡng không tin vào điều đó. Bệnh nhân vô cùng ân hận, day dứt, nghĩ rằng giá như mình đi khám sản phụ khoa sớm hơn thì đã được tư vấn và điều trị sớm hơn”, bác sĩ Thành kể.
Theo bác sĩ Thành, nếu bệnh nhân T đi khám lúc kinh nguyệt còn đều, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân nên sinh sản sớm hơn.
Thời điểm bệnh nhân T tới khám, kinh nguyệt của bệnh nhân vẫn còn nhưng rất thưa thớt. Bệnh nhân vẫn còn trứng nhưng vài tháng mới có được 1 quả.
“Ngay lập tức, chúng tôi đã cho bệnh nhân dùng thuốc kích trứng, động viên bệnh nhân bơm IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung). Bệnh nhân theo dõi suốt nhiều tháng. Sau khoảng 3 chu kỳ kinh, bệnh nhân đã có thai tự nhiên.
Lúc đầu, bệnh nhân tới cũng hỏi ‘làm thụ tinh ống nghiệm được không’. Tôi có giải thích cho bệnh nhân dù có làm tích cực hơn nữa (IVF) cũng không thể giúp cho bệnh nhân có thêm các nang trứng được.
Chúng tôi cố gắng dùng thuốc và bơm IUI – đó là cách tốt hơn cả cho bệnh nhân. Đây là bệnh nhân may mắn vì đến khám khi chưa bị mãn kinh hoàn toàn nên bác sĩ mới có thể can thiệp cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân này để thêm 1-2 năm nữa mới đi khám sẽ mãn kinh, không thể sinh sản và nguy cơ lão hoá nhanh “, bác sĩ Thành nói.
Nguy cơ ‘hóa bà già’ trong cơ thể đôi mươi
Sau điều trị, bệnh nhân T đã sinh con. Tuy nhiên, bệnh nhân T vẫn sẽ phải tiếp tục điều trị bổ sung hormone thay thế. Nếu bệnh nhân T không được điều trị bổ sung nội tiết thì sẽ giống như ‘bà già’ trong cơ thể tuổi đôi mươi. Bệnh nhân sẽ mãn kinh ở 27 tuổi và điều này sẽ gây ra rất nhiều vấn đề với bệnh nhân: ảnh hưởng tới đời sống vợ chồng, giảm ham muốn, nguy cơ mắc nhiều bệnh lý tim mạch, huyết áp, tuyến giáp…
“Bệnh nhân đã được điều trị hormone thay thế sau khi sinh. Sau 5 năm, hiện nay bệnh nhân có đời sống gia định tương đối hạnh phúc”, bác sĩ Thành cho biết.
Qua trường hợp của bệnh nhân T, bác sĩ Thành khuyên với những cặp đôi đã lấy nhau, nếu trì hoãn việc sinh con vì bất cứ lý do nào đó cũng nên đi khám sức khoẻ sinh sản trước. Bác sĩ hỗ trợ sinh sản sẽ tư vấn cho các cặp đôi. Đối với các trường hợp có nguy cơ mãn kinh sớm thì bắt buộc phải điều trị nội tiết tố thay thế để thể không bị lão hoá sớm.
Hiện nay, trước xu hướng phụ nữ lập gia đình muộn hơn trước (có người sau 35 tuổi), bác sĩ Thành khuyên các chị em có ý định lập gia đình muộn nên đi khám phụ khoa để xem chất lượng trứng của mình còn tốt hay không. Với những phụ nữ có khả năng tài chính tốt, muốn bảo tồn khả năng sinh sản có thể chọn phương án trữ trứng.
Thông tin chi tiết xem tại đây.