Những kết quả ban đầu và bài học kinh nghiệm từ chương trình khám sức khoẻ người cao tuổi trên địa bàn Thành phố năm 2023

0
754

Trong 7 tuần (từ ngày 07/8 – 26/9/2023), có khoảng 17.000 người cao tuổi được khám sức khỏe tại 70 Trạm y tế phường, xã, thị trấn. Với kết quả này, Thành phố dự kiến mất khoảng 10 tháng để hoàn tất việc khám sức khỏe cho gần 1 triệu người cao tuổi trên địa bàn Thành phố.

Chiều ngày 27/9/2023, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết “Triển khai thí điểm khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023” với sự tham dự của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, Chi Cục dân số và Kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các Bệnh viện, Phòng y tế, Trung tâm y tế và Trưởng Trạm y tế phường, xã, thị trấn. Hội nghị này là cơ hội nhằm nhìn lại một số hoạt động đã thực hiện và sẽ thực hiện trong những giai đoạn tiếp theo.

Ảnh: TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết để chuẩn bị cho mục tiêu khám sức khỏe cho gần 1 triệu người cao tuổi trên địa bàn Thành phố vào năm 2024, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai một đợt thí điểm khám sức khỏe người cao tuổi tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức với 70 Trạm y tế tham gia. TS.BS.Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết thêm trước đây mỗi quận, huyện thực hiện khám sức khỏe cho người cao tuổi chưa có sự đồng nhất, theo những cách và thông tư khác nhau. Với việc triển khai thí điểm khám sức khỏe này nhằm giúp Ngành y tế vận hành thử hệ thống mới, có quy trình đồng nhất về cách khám sức khỏe tại các Trạm y tế. Qua đó, Thành phố sẽ triển khai khám đồng loạt cho tất cả người cao tuổi để đưa vào quản lý và chăm sóc điều trị vào năm 2024.

Theo báo cáo, tính đến ngày 26/9/2023, có hơn 17.000 người cao tuổi được khám sức khỏe theo mô hình mới. Qua đó, bước đầu nhận diện mô hình sức khoẻ của người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn Thành phố để từ đó có các giải pháp can thiệp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. Theo đó, người cao tuổi đang sinh sống tại TP.HCM mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khoẻ đứng đầu là tăng huyết áp (chiếm tỷ lệ 51,30%), kế đến là đái tháo đường (14,60%), hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (2,57%), tiền sử ung thư (1,10%), có dấu hiệu trầm cảm (2,85%), có dấu hiệu lo âu (1,98%). Điều đáng ghi nhận là qua khám sức khoẻ còn ghi nhận số trường hợp mới được phát hiện tăng huyết áp (7,25%), đường huyết cao cần kiểm tra lại đường huyết lúc đói (14,96%), nghi hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (1,11%), nghi ngờ có dấu hiệu ung thư (2,62%). Ngoài ra, qua đợt thí điểm khám sức khoẻ này, lần đầu tiên Thành phố có số liệu về chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Cụ thể, chương trình đã ghi nhận 16,27% người cao tuổi có dấu hiệu tiền suy yếu, 0,45% người có dấu hiệu suy yếu; 28,88% người có nguy cơ té ngã; 1,60% người phụ thuộc vào các hoạt động sống cơ bản hằng ngày (tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, tiêu tiểu, di chuyển); 6,54% người phụ thuộc vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (khả năng sử dụng điện thoại, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ…..).

Qua chương trình này, Ngành y tế Thành phố bước đầu đạt được một số kết quả như sau:

  1. Tạo được sự đồng thuận ở các cấp lãnh đạo, các cấp chính quyền và nhân dân.
  2. Thống nhất nội dung khám sức khỏe cho tất cả người cao tuổi tại 22 quận, huyện.
  3. Thống nhất quy trình khám sức khỏe tại tất cả các trạm y tế.
  4. Đảm bảo mỗi người cao tuổi trên địa bàn Thành phố đều được khám sức khỏe định kỳ 01 lần/ năm.
  5. Số hóa toàn bộ dữ liệu khám sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn Thành phố.
  6. Tạo được dữ liệu lớn về sức khỏe ban đầu của người cao tuổi trên địa bàn Thành phố, chuẩn bị sẵn sàng liên thông với hồ sơ sức khỏe điện tử.
  7. Bước đầu nhận diện mô hình sức khoẻ của người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn Thành phố.
  8. Ghi nhận dữ liệu ban đầu về chất lượng cuộc sống của người cao tuổi tại các địa phương.
  9. Thu hút người dân đến khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại các Trạm y tế phường, xã, thị trấn.
  10. Phát hiện, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm theo hướng dẫn Bộ Y tế tại tuyến y tế cơ sở.

Bên cạnh đó, Ngành y tế đã rút ra 10 bài học kinh nghiệm trong hoạt động tổ chức khám sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua.

  1. Cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, đặc biệt là vai trò điều phối của Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
  2. Truyền thông kịp thời để tạo sự đồng thuận trong nhân dân và sự tham gia hưởng ứng của tất cả người cao tuổi trên địa bàn Thành phố.
  3. Chuẩn hóa chương trình đào tạo, tập huấn về khám sức khỏe cho người cao tuổi cho các đơn vị được phân công khám sức khỏe.
  4. Đảm bảo tất cả đối tượng tham gia khám sức khỏe người cao tuổi đều được tập huấn về quy trình tổ chức khám sức khỏe; cách sử dụng phiếu khám sức khỏe để sàng lọc và tầm soát bệnh; cách nhập liệu kết quả khám sức khỏe trực tuyến.
  5. Đảm bảo phần mềm nhập liệu kết quả khám sức khỏe ổn định.
  6. Chuẩn hóa việc nhập kết quả khám sức khỏe lên phần mềm để dữ liệu chính xác, chuẩn bị liên thông dữ liệu vào hồ sơ sức khỏe điện tử.
  7. Kết nối liên thông phần mềm khám sức khỏe người cao tuổi và các phần mềm quản lý khác để thuận tiện trong việc theo dõi, quản lý, điều trị các bệnh mạn tính không lây tại trạm y tế
  8. Cập nhật, điều chỉnh nội dung phiếu khám sức khỏe qua góp ý của các trung tâm y tế, trạm y tế.
  9. Điều chỉnh quy trình khám sức khỏe phù hợp điều kiện thực tế của các địa phương.
  10. Chủ động mua sắm thuốc theo nhu cầu điều trị đặc thù tại mỗi quận, huyện, chú ý theo mục tiêu quản lý bệnh không lây nhiễm, lao, tâm thần…

Để hoạt động khám sức khỏe người cao tuổi đạt hiệu quả cao nhất theo chủ trương của Thủ tướng chính phủ, Bộ Y tế và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Ngành y tế xác định sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động như sau:

  1. Tiếp tục triển khai kế hoạch khám sức khỏe, tầm soát bệnh mạn tính không lây cho tất cả người cao tuổi trên địa bàn Thành phố.
  2. Mở rộng mô hình thí điểm gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở trên địa bàn TP.HCM (WHO PEN) cho 310 Trạm y tế.
  3. Mở rộng danh mục thuốc tại Trạm y tế đảm bảo nhu cầu điều trị của người dân trên địa bàn.
  4. Chuẩn hóa danh mục dịch vụ y tế cơ bản tại Trạm y tế. Xây dựng chương trình tập huấn cho các Trạm y tế, đảm bảotất cả các cơ sở đều thực hiện được chuẩn dịch vụ y tế cơ bản.
  5. Đảm bảo tất cả các Trạm y tế có đều triển khai khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và kiến nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cho phép người bệnh có thẻ BHYT ban đầu ở tuyến trên được khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở.
  6. Tổ chức tập huấn và tái tập huấn cho các Trạm y tế về tầm soát, phát hiện, quản lý, điều trị và chăm sóc người cao tuổi tại địa phương.
  7. Tăng cường giám sát hỗ trợ Trạm y tế triển khai các hoạt động chuyên môn.
  8. Liên thông dữ liệu khám sức khỏe vào hồ sơ sức khỏe điện tử và phần mềm báo cáo bệnh không lây nhiễm do Tổ chức y tế thế giới triển khai.
  9. Phối hợp Sở Lao động Thương Binh và Xã hội xây dựng mô hình chăm sóc phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi tại các địa phương.
  10. Phối hợp Sở Thông tin truyền thông tăng cường truyền thông về chiến lược khám sức khỏe người cao tuổi, truyền thông thay đổi suy nghĩ về mô hình chăm sóc phát hiện bệnh tại Trạm y tế.
SỞ Y TẾ TP.HCM
Thông tin chi tiết xem tại đây.