Môi trường sống làm yếu tinh trùng gây vô sinh

0
221

Các nhà khoa học tại khoa Y, ĐH Quốc gia TP HCM, xác định nồng độ các gốc oxy hóa (ROS) trong tinh dịch tăng cao ở một số mẫu tinh trùng. Một trong những nguyên nhân là do môi trường sống.

Ước tính khoảng 5% nam giới có vấn đề về khả năng sinh sản, trong đó 30-80% hiếm muộn là do tác động tổn thương của các tác nhân oxy hóa. Các tác động này xảy ra khi các gốc oxy hóa (reactive oxygen species – ROS) quá cao trong tinh dịch và làm tổn thương các tế bào tinh trùng.

Môi trường sống làm yếu tinh trùng gây vô sinh 1
  Nhiệt độ môi trường sống, từ trường, phóng xạ, thuốc trừ sâu, ô nhiễm môi trường sống,
rượu, thuốc lá có thể ảnh hưởng đến vô sinh. Ảnh: Drawgsaloon.com.

Sự gia tăng ROS có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiệt độ môi trường sống, từ trường, phóng xạ, thuốc trừ sâu, ô nhiễm môi trường sống, rượu, thuốc lá, căng thẳng tinh thần, béo phì, chế độ ăn không hợp lý, nhiễm trùng, miễn dịch và các bệnh mạn tính. Nhiều nghiên cứu cho rằng số lượng và chất lượng tinh trùng giảm dần trong vài chục năm qua và ROS được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng của vấn đề này.

ROS có thể gây vô sinh nam theo hai cơ chế. Thứ nhất gây tổn thương màng tinh trùng, do đó làm giảm khả năng di động và khả năng thụ tinh của tinh trùng. Thứ hai, gây tổn thương DNA của tinh trùng dẫn đến giảm khả năng thụ tinh và ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi sau khi thụ tinh. Do đó, ROS có thể làm giảm khả năng sinh sản của nam giới và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của phôi và thai nhi sau này.

Nhiều nghiên cứu trong thời gian qua ở Việt Nam cho thấy tỷ lệ bất thường tinh dịch đồ ở các cặp vợ chồng hiếm muộn là rất cao. Nghiên cứu trên 396 tinh dịch đồ ở các cặp vợ chồng hiếm muộn tại Bệnh viện Từ Dũ cho thấy 78% tinh dịch đồ bất thường ở ít nhất một trong 3 chỉ số chính.

Sau khi các trung tâm hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam triển khai thực hiện tinh dịch đồ theo tiêu chuẩn của WHO 2010, một loạt nghiên cứu từ các trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn như IVFAS, IVF Vạn Hạnh, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương với cỡ mẫu lớn hơn đã cho thấy tỷ lệ bất thường tinh dịch đồ ở các cặp vợ chồng hiếm muộn ở Việt Nam có xu hướng tăng lên.

Điều này cho thấy hiếm muộn nam giới do bất thường về tinh trùng là rất phổ biến và có xu hướng gia tăng. Theo nghiên cứu mới nhất của Bộ Y tế công bố, gần 8% các cặp vợ chồng ở Việt Nam bị hiếm muộn. Như vậy, mỗi năm Việt Nam có hơn một triệu cặp vợ chồng gặp vấn đề về hiếm muộn. Với tỷ lệ bất thường tinh trùng như trên, có thể có khoảng một triệu nam giới bị hiếm muộn liên quan đến suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.

Định lượng ROS trong tinh dịch

Định lượng nồng độ ROS trong tinh dịch là một phương pháp quan trọng nhằm tìm hiểu nguyên nhân và cơ chế gây hiếm muộn ở nam giới. Phương pháp này bắt đầu được nghiên cứu nhiều trên thế giới trong vòng khoảng 10 năm gần đây. Tuy nhiên, việc đo ROS trong tinh dịch trước đây chưa được nghiên cứu ở Việt Nam.

Có nhiều kỹ thuật định lượng ROS trong tinh dịch đã được nghiên cứu. Phương pháp được xử dụng phổ biến nhất hiện nay là phương pháp phát quang hóa học (Chemiluminescence), sử dụng đầu dò luminol. Trung tâm nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản (CGRH) thuộc Khoa Y, ĐH quốc gia TP HCM đã nghiên cứu phát triển kỹ thuật này ở Việt Nam nhằm nghiên cứu về nguyên nhân và cơ chế gây bất thường số lượng và chức năng tinh trùng.

Trung tâm nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản đã chủ trì thực hiện nghiên cứu nhằm xây dựng quy trình đo ROS trong tinh dịch và bước đầu tìm mối liên quan giữa chất lượng tinh trùng và ROS. Nghiên cứu có sự phối hợp giữa các nhà khoa học và lâm sàng thuộc Trung tâm nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản, Phòng thí nghiệm tế bào gốc thuộc ĐH tự nhiên TP HCM và trung tâm hỗ trợ sinh sản.

Trong nghiên cứu lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam, các tác giả đã xây dựng thành công quy trình đo ROS trong tinh dịch trước và sau lọc rửa. Kết quả cũng cho thấy có sự tương quan rõ rệt giữa nồng độ ROS và chất lượng tinh trùng, nếu ROS càng tăng thì số lượng và chất lượng tinh trùng càng giảm.

Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng các phương tiện chẩn đoán và phát triển các phác đồ điều trị hiệu quả cho hiếm muộn nam giới có liên quan với ROS. Kỹ thuật định lượng ROS đã được xây dựng thành công sẽ từng bước được chuẩn hóa và phát triển thành các xét nghiệm chẩn đoán cơ bản. Các biện pháp điều trị can thiệp có thể làm giảm hoặc cân bằng ROS trong cơ thể, hiện có sẵn ở Việt Nam và chi phí thấp.

Các kết quả nghiên cứu có thể được ứng dụng để chẩn đoán, theo dõi và điều trị cho hàng triệu cặp vợ chồng với chi phí phù hợp. Kết quả của các nghiên cứu này cũng góp phần vào kiến thức chung về nguyên nhân và cơ chế gây hiếm muộn nam giới, một vấn đề lớn của sinh sản người hiện nay.

Theo BS Hồ Mạnh Tường
Tổng thư ký Hội Nội tiết – Sinh sản và vô sinh TP HCM
VnExpress