GiadinhNet-Những số liệu được công bố tại hội nghị về sức khỏe sinh sản và tình dục đã khiến không ít người phải giật mình. Đó là tình trạng quan hệ tình dục của thanh niên ngày càng sớm trong khi kiến thức về sức khỏe sinh sản và tình dục lại chưa được trang bị đầy đủ.
Thanh niên ngày nay có nhận thức “khá thoáng” về quan hệ tình dục trước hôn nhân,ThS Nguyễn Thị Phương Yên, Trung tâm Ngiên cứu Giới & Gia đình (Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ) nhận định. Theo ThS Yên, mặc dù chuẩn mực văn hóa truyền thống không cho phép, trên thực tế điều này đang diễn ra ngày càng phổ biến. Một bộ phận thanh niên đã xem hành vi quan hệ tình dục trước hôn nhân là sự lựa chọn của cá nhân, không phải là tiêu chuẩn để đánh giá về nhân cách hay đạo đức như quan niệm truyền thống.
Nhận thức về mối quan hệ giữa tình yêu và tình dục cũng biến đổi, một số thanh niên đã đồng nhất tình yêu với tình dục. Minh chứng cho nhận định trên, ThS Nguyễn Thị Phương Yên đã khảo sát trên 204 thanh niên từ 16-25 tuổi tại Long An và TP.HCM. Kết quả cho thấy có 11,8% thanh niên đã từng quan hệ tình dục. Số thừa nhận đã hoặc đang sống chung với người yêu, tức “sống thử” trước hôn nhân là 6,4%. Theo ThS Yên, có trên 20% thanh niên cho rằng tình yêu đi liền với tình dục.
Về quan hệ tình dục trước hôn nhân, có 40,2% thanh niên cho rằng có thể chấp nhận được việc một cô gái có quan hệ tình dục với người yêu của cô ta mặc dù họ chưa cưới nhau. Trong lần quan hệ tình dục đầu tiên (đối với những thanh niên thừa nhận đã có quan hệ tình dục), chỉ có 45,8% sử dụng biện pháp tránh thai. Lý do được các bạn đưa ra là “Những lần đó xảy ra đột ngột với chúng em khi chúng em cùng nhau đi chơi xa”. Nếu mua để trong người thì sợ nhà phát hiện nói mình đi chơi bời bậy bạ. Khi chúng em gặp nhau thì cũng đâu có tính quan hệ đâu, khi gần nhau rồi thì chúng em mới nảy sinh ý định đó thì không kịp”.
“Trái đắng” đầu đời
Quan niệm về tình dục ngày càng thoáng trong khi kiến thức về sức khỏe sinh sản lại hạn chế nên không ít bạn trẻ đã nếm “trái đắng”. Khảo sát của BS Nguyễn Duy Tài, Trưởng bộ môn Phụ sản (ĐH Y-dược TP. HCM) tại BV Hùng Vương, BV Từ Dũ và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM cho thấy tỷ lệ vị thành niên có thai ngoài ý muốn có xu hướng gia tăng. Năm 2008 là 2,15%, năm 2009 lên 2,45%. Khảo sát trong nhóm vị thành niên có thai ngoài ý muốn, tuổi bắt đầu có quan hệ tình dục trung bình là 14 (sớm hơn nhiều so với con số trong điều tra quốc gia về thanh niên và vị thành niên lần 2-2010 là 18,1 tuổi, còn trước đó 5 năm là hơn 19 tuổi). BS Tài cho biết: Trong quá trình khảo sát chúng tôi có ghi nhận một số trường hợp quan hệ lần đầu khi mới 10 tuổi. Đa phần những trường hợp này đều khẳng định mình đều… tự nguyện.
Không chỉ có vị thanh niên nhận “trái đắng” mà SV các trường CĐ, ĐH cũng nhiều lần “vỡ kế hoạch”. Theo nghiên cứu của ThS Trần Văn Hường và cộng sự tại Trường Đại học Sao đỏ (tỉnh Hải Dương) trên 417 SV, có tới 23,1% SV có quan hệ tình dục trước hôn nhân, trong đó ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Tuổi trung bình quan hệ tình dục (QHTD) lần đầu là 19,5. Một thông tin đáng lưu ý là có tới 53% SV không sử dụng các biện pháp tránh thai . Lý do thường gặp nhất là khi đó SV không dự định quan hệ tình dục hoặc bạn tình không thích sử dụng. Không sử dụng biện pháp tránh thai nên có tới 27,1% sinh viên nam đã làm cho bạn tình của mình mang thai và gần 20% sinh viên nữ từng mang thai. 100% các trường hợp quan hệ hệ tình dục có thai ngoài ý muốn đều phải phá thai.
Trong nghiên cứu “Quan niệm về tình dục của SV trường Đại học Y dược Huế” cho thấy, 36,2% SV nam và 12,5% SV nữ đồng ý với QHTD trước hôn nhân. Lý do chính là do tò mò và sự hấp dẫn về thể xác. Nghiên cứu trên cũng cho thấy chỉ có 31,2% SV nam và trên 50% SV nữ coi trọng vấn đề trinh tiết. Còn khảo sát của Sở Y tế Hà Nội mới đây về thực trạng chăm sóc sức khỏe sinh sản ở 1.120 nữ công nhân tại 12 nhà máy cho thấy, trong năm 2011 hơn 13% phụ nữ từng nạo phá thai, trong đó trên 4% nạo phá thai 2 lần trở lên…
GD sức khỏe sinh sản cho thanh niên: Gia đình trông chờ và ỷ lại
Trong nghiên cứu của ThS Yên, 61,5% nói rằng không sẵn sàng, 15,4% do quá say không làm chủ được bản thân và 15,4% không thích. Điều này cho thấy việc tìm hiểu về các biện pháp tránh thai và cách thức áp dụng không phải là mối quan tâm của các bạn thanh niên. ThS Yên khuyến cáo, giáo dục tại nhà trường và gia đình cần được chú trọng bên cạnh các phương tiện thông tin đại chúng nhưng nghiên cứu của nhóm nghiên cứ Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho thấy, gần một nửa vị thành niên cho rằng cha mẹ ít nói chuyện với mình và có tới 10% không cảm nhận được tình thương của cha mẹ. Khi gặp khó khăn về sức khỏe sinh sản, gần một nửa vị thành niên tìm đến sự giúp đỡ của bạn bè, chỉ 24% tìm đến sự giúp đỡ từ tư vấn tổng đài và hơn 13% giấu kín.
Tại nhà trường, tình trạng trên cũng tương tự, BS Nguyễn Thu Giang, PGĐ TT nghiên cứu sức khỏe cộng đồng Ánh sáng cho biết: khảo sát tại hai trường thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội cho thấy cha mẹ thường đợi thầy cô giáo nói cho học sinh về sức khỏe sinh sản và tình dục, nhưng thực tế thông tin sức khỏe tình dục nhận được từ thầy cô là thấp nhất.
Còn theo bà Nguyễn Kim Thúy, TT nghiên cứu giới, gia đình và môi trường phát triển, giáo dục giới tính và sức khỏe tình dục đã được lồng ghép vào ba môn học chính khóa, nhưng chỉ khoảng 17% học sinh THPT biết thời điểm dễ thụ thai (trong đó có 19% nam, 10% nữ). BS Giang cho rằng, bên cạnh những “lỗ hổng” về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản trong nhà trường, gia đình, hiện thanh thiếu niên đang phải chịu áp lực từ nhiều phía.
Bên cạnh việc phải làm quen, chấp nhận với sự thay đổi từng ngày từng giờ của cơ thể, tâm lý, các em còn chịu tác động từ các phương tiện truyền thông, điện thoại, internet. Có thể nói, internet đã đem lại cho con người một kho tàng kiến thức khổng lồ nhưng với những người không có bản lĩnh thì khả năng lọc thông tin sẽ rất kém. Hậu quả nhiều trẻ “mắc bệnh” từ công cụ hiện đại trên. Kết quả khảo sát trên gần 3000 thanh niên từ 18-30 tuổi của nhóm tác giả Hoàng Tú Anh (TT sáng kiến sức khỏe và dân số) cho thấy điện thoại di động giúp thanh niên giao tiếp hiệu quả hơn các vấn đề nhạy cảm liên quan đến tình yêu, tình dục. Gần 35% đối tượng đã từng nhận hình ảnh sexy. 45% từng tự quay, chụp ảnh sexy bản thân, 21% từng quay, chụp ảnh sexy của người yêu (8,6% không hỏi ý kiến). 22% tham gia khảo sát từng nhận tin nhắn, cuộc gọi quấy rối tình dục nhưng chưa nhiều thanh niên biết ứng xử khi bị quấy rối.
Theo BS Tài, những tình huống trên đều có cách giải quyết. Chỉ cần các gia đình cha mẹ quan tâm, thân thiện với con cái, thường trao đổi hướng dẫn con khi có thay đổi về tâm sinh lý, học hành thì khả năng có thai ngoài ý muốn giảm 0,62 lần. Nói như vậy để thấy rằng mỗi ngày cha mẹ bớt một chút thời gian để thăm hỏi, động viên, hiểu con hơn thì sẽ tránh được rất nhiều hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.