VIÊM NHIỄM SINH DỤC NỮ

0
563

Là bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 – 49 tuổi), chiếm tỷ lệ 60%, ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ, chức năng sinh sản và hạnh phúc gia đình.

PHÂN LOẠI:
Chia 3 loại chính:
  – Viêm đường sinh dục dưới: viêm âm hộ, viêm âm đạo, cổ tử cung.
  – Viêm đường sinh dục trên: viêm niêm mạc thân tử cung, viêm vòi trứng và phần phụ.
  – Viêm vùng chậu cấp: viêm phúc mạc vùng chậu do viêm tai vòi, buồng trứng cấp tính.

NGUYÊN NHÂN:
  1. Do không vệ sinh:
  – Không vệ sinh bộ phận sinh dục hằng ngày.
  – Không vệ sinh trước và sau quan hệ tình dục kể cả nam và nữ.
  – Không có điều kiện vệ sinh kinh nguyệt hoặc vệ sinh kinh nguyệt không đúng cách.
  2. Vệ sinh không đúng:
  – Do thiếu các kiến thức thông thường nhất về vệ sinh cơ thể.
  – Do hiểu sai về sinh lý phụ khoa, huyết trắng nên có những cách vệ sinh hằng ngày, vệ sinh tình dục và vệ sinh kinh nguyệt sai.
  – Do không có điều kiện môi trường tốt để vệ sinh (thiếu nước sạch, toilet) nên vệ sinh không bảo đảm.
  – Do dùng chung chậu, khăn tắm, quần lót.
  3. Quan hệ tình dục không an toàn đưa đến nhiễm bệnh.
  4. Sức khỏe giảm sút.
Sức đề kháng của cơ thể giảm có thể do tuổi, do bệnh tật, do thiếu dinh dưỡng.
  5. Do mãn kinh:
Do nội tiết tố trong cơ thể giảm, giảm sức đề kháng dẫn đến thay đổi môi trường âm đạo và khô dễ viêm nhiễm phụ khoa.
  6. Do các thủ thuật y tế:
Biến chứng sau sẩy, đẻ, nạo hút thai hoặc đặt dụng cụ tử cung không an tòan, không sát khuẩn tốt sẽ gây lây nhiễm.

MẦM BỆNH:
  – Do vi khuẩn: Chlamydia trachomatis, song cầu khuẩn lậu, xoắn khẩu giang mai, trực khuẩn Ducrey (bệnh hạ cam).
  – Do virus: mụn rộp sinh dục, viêm gan B, HPV (sùi mào gà).
  – Do nấm: Candida albicans.
  – Do ký sinh trùng: rận mu.

VÌ SAO PHỤ NỮ DỄ BỊ VIÊM NHIỄM VÀ ĐIỀU TRỊ LÂU KHỎI?
  1. Do đặc điểm về tổ chức cơ quan sinh dục của phụ nữ:
  – Do cấu tạo giải phẫu cơ quan sinh dục nữ nằm sâu và là cơ quan duy nhất thông thương với bên ngoài (qua lỗ âm đạo) vào trong ổ bụng (qua lỗ vòi trứng) do vậy bệnh không phát hiện kịp thời.
  – Diện tích bề mặt của âm hộ, âm hộ lớn nên dễ tiếp xúc với mầm bệnh.
  – Lỗ niệu đạo, âm đạo và hậu môn rất gần nhau nên nước tiểu, phân, giun sán dễ xâm nhập vào âm hộ, âm đạo.
  – Âm hộ, âm đạo có nhiều nếp da gấp lại tạo những khe kẽ dễ lắng đọng các chất tiết do đó thuận lợi cho vi khuẩn ẩn nấp, phát triển và khó điều trị.
  – Do chức năng sinh lý nên vùng âm hộ, âm đạo có nhiều tuyến luôn tiết dịch nên luôn ẩm ướt, điều kiện tốt cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.
  2. Do kinh nguyệt:
Hàng tháng phụ nữ hành kinh, máu kinh là môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển.
  3. Do chức năng:
Phụ nữ mang thai, sinh sản nên thường dễ bị viêm nhiễm hơn nam giới.

VÌ SAO PHẢI ĐIỀU TRỊ TRIỆT ĐỂ?
Người bệnh phải điều trị đến khi khỏi bệnh vì nếu không sẽ:
  – Viêm nhiễm đi ngược lên vào sâu trong ổ bụng gây viêm nhiễm vùng chậu.
  – Gây rối loạn kinh nguyệt.
  – Gây khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày: tiết dịch, mùi khó chịu.
  – Ảnh hưởng sinh hoạt tình dục: đau đớn, sợ hãi, chảy máu bất thường.
  – Có thể là tiền đề của ung thư cổ tử cung.
  – Vô sinh do tắt nghẽn ống dẫn trứng.
  – Chửa ngoài dạ con.

BIỂU HIỆN ĐẶC TRƯNG:
  1. Toàn thân:
Thời kỳ cấp tính: có thể có một hoặc nhiều triệu chứng sau:
  – Tại chỗ: sưng, nóng, đỏ, đau.
  – Toàn thân: sốt, nhức đầu, chán ăn, mạch nhanh.
Thời kỳ mãn tính: các triệu chứng không rầm rộ hoặc ít triệu chứng hơn.
  2.Tại cơ quan sinh dục:
  – Dịch tiết âm đạo khác thường: nhiều, có dạng bọt màu vàng hoặc xanh, dạng miếng như sữa đặc, có máu hoặc mủ, có mùi hôi.
  – Ngứa hoặc nóng rát âm đạo.
  – Kinh nguyệt rối loạn: rong kinh, rong huyết.
  – Đau bụng: đau khi quan hệ tình dục hoặc đau bụng dưới, đau hố chậu.

PHÒNG NGỪA VIÊM NHIỄM PHỤ KHOA:
  – Phải vệ sinh hằng ngày đúng cách, không đưa ngón tay vào trong âm đạo gây xây xát, viêm nhiễm.
  – Làm tốt vệ sinh kinh nguyệt sau sẩy, nạo hút thai và sinh đẻ.
  – Vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục ở cả nam và nữ.
  – Không quan hệ tình dục khi đang hành kinh hoặc ra huyết bất thường.
  – Lau chùi khi đi vệ sinh theo hướng từ trước ra sau và phải vệ sinh, rửa tay sau khi đi cầu và phải sổ lãi định kỳ.
  – Không dùng chung khăn tắm.
  – Không lạm dụng thuốc rửa phụ khoa.
  – Một khi mắc bệnh phải điều trị tích cực để khống chế bệnh cho cả hai, bản thân và chồng.
  – Thay băng vệ sinh đúng cách, khoảng 2 giờ/lần
  – Không ngâm mình dưới nước ao tù …

Lưu ý:
Biểu hiện của viêm âm đạo thường phản ánh bằng khí hư qua đường âm đạo. Vậy chúng ta cần phân biệt dịch tiết bình thường (dịch âm đạo) và khí hư (huyết trắng bệnh lý).

THẾ NÀO LÀ DỊCH TIẾT BÌNH THƯỜNG (DỊCH ÂM ĐẠO)?
Dịch tiết bình thường: chất dịch ra ít, thường gặp ở ngày rụng trứng và ngày sắp có kinh nguyệt; màu trắng trong, không có mùi hôi, không gây khó chịu như ngứa, rát, bỏng âm hộ, âm đạo.

VẬY GỌI KHÍ HƯ KHI NÀO?
Khí hư thường dùng để chỉ khi dịch ở âm đạo có những đặc điểm bất thường như: ra nhiều, ra liên tục; màu trắng đục hoặc vàng, xanh như mủ có khi lẫn máu hoặc như bọt xà phòng, hoặc đặc như bột gạo; có mùi hôi; gây khó chịu: ngứa, rát bỏng; có khi đau bụng dưới, kèm theo đái buốt, đái gắt …
Tùy theo nguyên nhân gây viêm âm đạo mà tính chất khí hư cũng như việc chữa trị sẽ khác nhau.

Các địa chỉ cần thiết liên hệ:
1. Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ:
    Địa chỉ: 284 Cống Quỳnh , Phường Phạm ngũ Lão,  Quận 1.
2. Bệnh viện Hùng Vương:
    Địa chỉ: 128 Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5.
3. Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản:
   Địa chỉ: 957 đường 3 tháng 2, Phường 7, Quận 11.
4. Các Bệnh viện 24 quận/huyện.
5. Khoa Sản của Trung tâm Y tế Dự phòng quận/huyện.
6. Các Bệnh viện Phụ sản tư nhân hoặc Bệnh viện tư có khoa Sản.