Nhiều phụ nữ lo xa, đưa trứng đi trữ lạnh

0
4223

GiadinhNet – Lâu nay, việc nữ giới thực hiện chọc hút, lưu trữ trứng, noãn thường được áp dụng cho trường hợp các cặp vợ chồng hiếm muộn, thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, gần đây, Báo GĐ&XH nhận được không ít thắc mắc của bạn đọc về việc lưu trữ trứng “để dành” cho tương lai, khi hiện tại họ chưa thể thực hiện thiên chức làm mẹ…

Kỹ thuật viên y tế của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec thu hoạch trứng sau chọc hút để chuẩn bị làm thụ tinh ống nghiệm. 	ảnh: T.L
Kỹ thuật viên y tế của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec thu hoạch trứng sau chọc hút để chuẩn bị làm thụ tinh ống nghiệm. ảnh: T.L

40-50 triệu đồng/1ca lưu trữ trứng

Chị Ngô Thu H (32 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) hiện đã có một cậu con trai 4 tuổi. Nắm giữ chức vụ quan trọng trong một tập đoàn truyền thông lớn có trụ sở tại Hà Nội, yêu cầu công việc bắt buộc chị H phải thường xuyên đi công tác xa. Bản thân chị H vừa muốn có thêm em bé, nhưng lại “ngần ngừ” muốn yên tâm cống hiến trong vài năm tới nên chưa thể mang thai lúc này. “Nhưng để vài năm nữa, khi đã lớn tuổi mới mang bầu tiếp thì tôi sợ trứng “lão hóa” dần, không còn chất lượng, sẽ ảnh hưởng đến con cái”, chị H lo lắng. Chị H đã bày tỏ dự định sẽ thực hiện phương pháp lưu trữ trứng “chính chủ”, sau đó, khi điều kiện bản thân và công việc cho phép, chị sẽ mang thai.

Một trường hợp khác là chị Quỳnh N (30 tuổi, tại Đà Nẵng). Vì nhiều lý do cá nhân, chị N chia sẻ, chị muốn làm mẹ đơn thân trong vòng 1-2 năm tới, khi công việc ổn định hơn. Cũng như chị H, chị N e ngại việc càng lớn tuổi thì chất lượng trứng sẽ giảm, do đó, chị dự định đi khám và thực hiện lưu trữ trứng “để dành” cho năm sau có bầu và sinh con.

Trên thực tế, tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên cả nước, việc lưu trữ trứng thường được áp dụng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số chị em phụ nữ có nhu cầu lưu trữ trứng, noãn vì lý do cá nhân (như trì hoãn việc lập gia đình, chưa thể mang thai và sinh con) có dấu hiệu tăng lên. Tại TPHCM, hầu hết các bệnh viện triển khai thụ tinh trong ống nghiệm đều có ngân hàng tiếp nhận dịch vụ lưu trữ tinh trùng, trứng và phôi cho khách hàng như: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Vạn Hạnh, Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện Mỹ Đức… Tại đây, chi phí cho lần đầu tiên lưu trữ trứng, phôi khoảng 40-50 triệu đồng, sau đó khách hàng phải trả chi phí lưu trữ trứng, phôi khoảng 4 -5 triệu đồng/1 năm. Theo một bác sĩ tại Bệnh viện Mỹ Đức (TP HCM), việc trữ lạnh trứng (noãn) khi tuổi còn trẻ giúp bảo quản trứng không bị thoái hóa theo thời gian. “Nhờ áp dụng các phương pháp lưu trữ mới, chất lượng trứng sau khi được trữ lạnh tại bệnh viện sẽ được đảm bảo”, BS Vũ Nhật Khang (Bệnh viện Mỹ Đức) cho biết.

TS.BS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, bệnh viện có thực hiện dịch vụ lưu trữ trứng, noãn cho nữ giới và lưu trữ tinh trùng cho nam giới với chi phí cho một lần chọc, kích thích trứng khoảng trên dưới 20 triệu đồng, chi phí lưu trữ năm đầu và hàng năm theo quy định của Nhà nước.

Bảo quản trứng không bị thoái hóa theo thời gian

Các chuyên gia sản khoa cho hay, tuổi có con và sinh sản tốt nhất của phụ nữ là từ 20 – 30. Sau tuổi 25, buồng trứng bắt đầu suy giảm số lượng và chất lượng. Sau 30 tuổi khả năng sinh sản giảm dần đi. Sau 35 tuổi khả năng sinh sản giảm nhanh, việc có con rất khó và nhiều nguy cơ. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra, đối với phụ nữ sau tuổi 35, khả năng sinh con mang các dị tật bẩm sinh cao hơn trước đó.

Về mặt thực tế xã hội, theo các chuyên gia sản khoa, nếu vài thế hệ trở về trước, đa số phụ nữ ở Việt Nam có con khoảng 20-25 tuổi, thì hiện nay khi cuộc sống càng phát triển, con người càng có xu hướng kết hôn, sinh con muộn. Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ 1/4/2014 cho thấy, tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại Việt Nam tăng từ 24,5 tuổi (năm 2009) lên 24,9 tuổi (năm 2014). Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam năm 2014 tăng 0,6 tuổi so với năm 2009, ở nhóm nữ con số này ở mức 0,1 tuổi. Ngoài ra, phụ nữ ngày càng muốn dành thời gian độ tuổi từ 20-30 cho học tập và công việc, sự nghiệp.

Một thực tế khác cho thấy, ngày càng nhiều phụ nữ muốn có con vào tuổi mà khả năng sinh sản đã giảm nhiều hoặc không còn. Tại Bệnh viện Từ Dũ, thông thường các bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên lưu trữ trứng ở độ tuổi dưới 35, vì từ 35 tuổi trở đi, theo chu kỳ sinh lý nữ, chất lượng trứng bắt đầu suy giảm. Tuy nhiên, khách hàng cũng có thể lưu trữ trứng ở giai đoạn này, vì thụ tinh trong ống nghiệm vẫn có thể kéo dài đến 45 tuổi. Quy trình chọc hút noãn trung bình 10-12 ngày. Những phụ nữ muốn lưu trữ trứng phải được xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, khám âm đạo, phải được siêu âm theo dõi noãn qua ngả âm đạo. Người cần lưu trữ trứng sẽ được tiêm thuốc để kích thích buồng trứng và theo dõi phát triển noãn bằng siêu âm và xét nghiệm máu. Việc hút trứng gây cảm giác đau nên có gây mê. Sau khi hút trứng, tất cả noãn đủ tiêu chuẩn sẽ được trữ lạnh.

Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo không nên trữ chỉ để yên tâm vì có “của để dành”. Chị em nên lưu tâm đến chuyện sinh đẻ đúng độ tuổi, không nên ỷ lại đã có trứng trữ sẵn, cũng như “tàn phá” sức khỏe sinh sản của mình.

Phương pháp ngày càng phổ biến

Từ tháng 1/2015, các nữ nhân viên toàn thời gian hoặc bán thời gian tại hãng Apple sẽ được tập đoàn này hỗ trợ chi phí lên tới 20.000 USD để thực hiện trữ đông lạnh và bảo quản trứng (noãn) của mình. Ngoài Apple, một “đại gia” trong ngành công nghệ khác là Facebook cũng thực hiện chế độ thai sản đặc biệt này cho các nhân viên nữ của mình trên toàn cầu.

Theo đại diện của hãng Apple thì hãng này đang tiếp tục hướng tới quyền lợi của phụ nữ thông qua việc mở rộng chính sách thai sản mới, bao gồm chế độ đông lạnh và lưu trữ trứng nhằm nỗ lực chống vô sinh. Mục đích của các  “gã khổng lồ” công nghệ thông tin trong việc chi tiền này là tạo điều kiện cho các nữ nhân viên muốn tiếp tục tập trung vào sự nghiệp của mình, nhưng không tước đi của họ cơ hội có con sau này.

Đông lạnh trứng là một phương pháp rất tốn kém, chi phí có thể lên đến 10.000 USD (hơn 212 triệu đồng Việt Nam), chưa kể phí bảo quản là khoảng 500 USD mỗi năm. Trên thế giới, phương pháp này đang ngày càng phổ biến đối với phụ nữ vì nó cho phép nữ giới trì hoãn việc sinh con do quá bận rộn với cuộc sống hiện tại nhưng lại lo ngại việc buồng trứng bị “lão hóa” và suy giảm khả năng sinh con khi lớn tuổi.

Quỳnh An