Hàng nghìn phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung mỗi năm, làm sao để phòng ngừa?

0
131

GiadinhNet – Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Đây là một thực trạng rất đáng báo động.

Theo Tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu Globocan 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì

ung thư cổ tử cung

.PGS.TS Lưu Thị Hồng, Giảng viên Đại học Y Hà Nội cho biết, ung thư cổ tử cung xếp hàng thứ 2 về số ca mắc mới, cũng như nguyên nhân tử vong trong các loại ung thư ở nữ giới.

Trong đó, virus HPV (virus gây u nhú ở người) là thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung (99,7%). Theo đó, tất cả mọi phụ nữ đang có sinh hoạt tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV nhóm nguy cơ cao gây loại ung thư này.

Hàng nghìn phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung mỗi năm, làm sao để phòng ngừa? - Ảnh 1.

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh hay gặp ở phụ nữ. Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Lưu Thị Hồng, HPV xâm nhập lây truyền qua đường tình dục và ngoài đường tình dục. Trong đó, viurs này chỉ cần tiếp xúc tình dục (qua sinh dục – sinh dục; tay – sinh dục; miệng – sinh dục) cũng có thể lây. Ngoài ra, những đồ dùng như đồ lót, găng phẫu thuật… cũng là những vật lây truyền. Mẹ cũng có thể lây virus HPV cho con lúc sinh nở.

Một số dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung như:

– Ra máu âm đạo bất thường.

– Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục.

– Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu.

– Đau tức vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần, khó chịu khi đi tiểu.

– Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng.

– Kinh nguyệt kéo dài, không đều.

– Mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân

Theo các bác sĩ bệnh viện K, ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất cần thiết cho điều trị căn bệnh này, đem lại hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian điều trị, giảm thiểu rủi ro. Chi phí cho một lần đi khám sàng lọc ung thư sớm là rất nhỏ so với số tiền bệnh nhân phải bỏ ra để điều trị bệnh lâu dài khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn chị em lại thường nhập viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, gây khó khăn trong việc điều trị cũng như dễ để lại nhiều biến chứng, thậm chí gây tử vong.

Do vậy, các bác sĩ bệnh viện K khuyến cáo: Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao. Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sĩ.

Với những trẻ em gái, nên tiêm phòng vaccine phòng HPV; thực hiện quan hệ tình dục an toàn và sàng lọc sớm khi có các triệu chứng bệnh. Đây là cách phòng tránh và điều trị thành công bệnh ung thư cổ tử cung một cách hiệu quả nhất.

Để giảm thiểu số ca mắc mới cũng như huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng chung tay giảm gánh nặng do ung thư cổ tử cung gây ra, Bộ Y tế đã đưa dự phòng ung thư cổ tử cung là một trong những nội dung triển khai thuộc Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hoá cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hoá và dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, sức khoẻ sinh sản đến năm 2030 (Đề án 818 mở rộng) và Dự án thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp sản phẩm, dịch vụ dự phòng và sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng đến năm 2030.

Mục tiêu của Dự án hướng tới ít nhất 90% người dân có nhu cầu được cung cấp kiến thức về nguy cơ và dự phòng ung thư cổ tử cung; ít nhất 30% phụ nữ từ 30-54 tuổi có nhu cầu được tư vấn, cung cấp sản phẩm và dịch vụ sàng lọc, dự phòng ung thư cổ tử cung phù hợp với khả năng chi trả theo phân khúc thị trường.

Mai Thùy