Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi nhiều.
Hơn nữa, các yếu tố ô nhiễm môi trường và những thay đổi nhiệt độ bất thường lúc giao mùa khiến phụ nữ mang thai là đối tượng để virus và vi khuẩn tấn công. Dưới đây là 3 bệnh mà bà bầu dễ mắc phải.
Viêm mũi dị ứng
Với người có cơ địa dị ứng, khi mang thai lại trở nên nhạy cảm hơn với các yếu tố dị nguyên, do vậy chứng viêm mũi cũng xảy ra thường xuyên hơn. Viêm mũi dị ứng ảnh hưởng đến khoảng 15-20% phụ nữ trong độ tuổi mang thai và là rối loạn thường gặp nhất, gây khó chịu trong thời kỳ thai nghén. Khi tiếp xúc với dị nguyên, người bệnh sẽ hắt hơi, chảy mũi liên tục, ngứa mũi, nước mũi chảy ra giàn giụa hoặc nghẹt mũi, rất khó chịu.
Để phòng bệnh, trước hết, phụ nữ có thai cần tìm hiểu xem dị ứng nguyên là gì để phòng tránh. Cần giữ nhà cửa, môi trường sống luôn thoáng mát, sạch sẽ, không nuôi súc vật trong nhà. Tránh các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, sữa, các loại thủy hải sản… Giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh hoặc nhiệt độ thay đổi đột ngột…
Phụ nữ mang thai dễ mắc viêm mũi dị ứng.
Bệnh cúm
Là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp do virus gây ra. Bệnh cúm rất dễ lây qua các hạt bụi nước có chứa virus khi người bệnh ho, hắt hơi hay do tiếp xúc trực tiếp. Vì vậy, bà bầu dễ bị lây nhiễm cúm hơn và thường nặng hơn do giảm khả năng miễn dịch, vì thế cúm nguy hiểm hơn với phụ nữ mang thai: tỷ lệ tử vong tăng lên nhiều lần, diễn biến cũng có thể lâu hơn. Bệnh cúm còn gây nguy cơ với thai nhi, nhất là trong những tháng đầu của thai kỳ như sẩy thai, thai chết lưu, hoặc đẻ non trong những tháng cuối. Ngoài ra, cúm có thể còn dẫn đến những dị tật bẩm sinh hở hàm ếch ở thai nhi. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu của thai kỳ, nếu người mẹ bị cúm thì não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương. Tiêm vắc-xin phòng cúm trước khi mang thai là biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi có các biểu hiện của cúm mà cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định cụ thể.
Bệnh về da
Khi có thai, những thay đổi nội tiết trong cơ thể khiến phụ nữ thường phải đối mặt với các vấn đề về da như: nám da, vàng da, ngứa, rạn nứt da.
Khi mang bầu, do da bị kéo giãn quá mức, độ đàn hồi trên da không đáp ứng được, các sợi chun giãn dưới da bị đứt dẫn đến các đường rạn nứt. Những đường rạn nứt có chủ yếu ở bụng, vú, hông, đùi hay mông. Đám rạn da có thể tạo thành một vùng rộng và gây ngứa, lúc này càng gãi thì đường rạn càng lộ rõ hơn.
Có thể phòng ngừa sự xuất hiện các vết rạn nứt bằng cách dùng kem dưỡng da dành cho bà bầu (kem chống rạn da). Đồng thời cung cấp đủ nước cho da là điều hết sức cần thiết vì da càng được cung cấp nước và thư giãn thì càng mềm mại và dễ co giãn, ít bị kéo giãn da sẽ ít bị rạn nứt.
Hiện tượng vàng da thường gặp ở một số phụ nữ mang thai vào 3 tháng cuối. Một vài chị em vừa bị vàng da vừa ngứa da nhưng hầu hết không có dấu hiệu bị đau. Hiện tượng vàng da thường tự biến mất trong khoảng 15 ngày sau sinh. Nếu vàng da xảy ra mỗi lần có thai hoặc thứ phát do bất thường về enzym thì có thể có nguồn gốc gia đình, trong trường hợp này thai phụ có nguy cơ sinh non.
Theo BS. Thu Hà/SK&ĐS