GiadinhNet – Theo các nhà nghiên cứu, lựa chọn giới tính đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ phá thai ở phụ nữ Châu Á. Tại Việt Nam, phá thai để lựa chọn giới tính đã xuất hiện ở nước ta từ đầu những năm 1990 khi mà siêu âm để theo dõi thai nghén bắt đầu được sử dụng và ngày càng rộng rãi.
Cũng theo TS Khuất Thu Hồng, trong Báo cáo Dân số thế giới năm 2020 của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng, trung bình mỗi năm có khoảng 40.800 thai nhi gái ở Việt Nam không được chào đời từ việc lựa chọn giới tính thai nhi.
“Đây là một hình thức bạo lực giới nghiêm trọng. Rất nhiều phụ nữ buộc phải mang thai nhiều lần để sinh được con trai. Những người khác thì phải phá thai nhiều lần để đạt được mục đích đó. Bản thân người phụ nữ phải trải qua rất nhiều những đau khổ và dằn vặt trước khi đi đến quyết định phá thai. Nhiều người trong số họ còn gặp những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài“, TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
Ảnh minh họa
Theo Khoản 2, Điều 7, Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã quy định “Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”. Cùng đó, Điều 10, Nghị định số 104/2003/NĐ-CP quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức như tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách báo, tài liệu, tranh ảnh, ghi hình, ghi âm, tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi; chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp xác định qua triệu chứng, bắt mạch, xét nghiệm máu, gene, nước ối, tế bào, siêu âm; loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, dù đã có những quy định của pháp luật trong việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng việc thực thi vào trong đời sống hàng ngày lại là bài toán vô cùng gian nan. Bởi với sự phát triển của nền y học trên thế giới, nhất là sự tiên tiến trong các kỹ thuật siêu âm hiện đại thì việc xác định giới tính thai nhi ngay từ khi ở trong bụng mẹ đã trở nên khá phổ biến.
Theo đó, dù pháp luật đã quy định không được tiết lộ giới tính thai nhi, nhưng hầu hết các thai phụ đều biết giới tính đứa con trong bụng từ khá sớm. Điều đó chứng tỏ nhiều cơ sở y tế tư nhân, phòng khám siêu âm vẫn có nhiều cách thức để “lách luật” thông báo ngầm cho thai phụ về giới tính của đứa trẻ. Tình trạng này rất khó phát hiện và kiểm soát dẫn đến việc phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn đang diễn ra.
Xuất phát từ thực tế trên, trong Dự thảo Luật Dân số đưa ra giải pháp, ngoài những quy định như pháp luật hiện hành: “Nghiêm cấm phá thai vì lý do lựa chọn giới tính” (Pháp lệnh Dân số năm 2003); “Cấm phá thai trái phép” (Bộ luật Hình sự 2015); “Cấm phá thai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe phụ nữ” (Quy định chuyên môn: “Phụ nữ có quyền được phá thai theo nguyện vọng, trừ trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính hoặc phá thai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe phụ nữ”) thì bổ sung thêm các quy định: Nghiêm cấm “Loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính dưới mọi hình thức”; nghiêm cấm “Thực hiện phá thai không đúng quy định”; đồng thời siết chặt việc quản lý dịch vụ phá thai tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với mục đích quản lý chặt chẽ về phá thai nói chung và đối với dịch vụ phá thai nói riêng nhằm giảm tỷ lệ phá thai, phá thai không an toàn, nâng cao chất lượng dân số, góp phần làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo Dự thảo Luật Dân số, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, gồm các hành vi sau đây: Xuất bản, in, phát hành, lưu hành xuất bản phẩm; Tuyên truyền, phổ biến phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Tư vấn, thực hiện phương pháp tạo giới tính thai nhi; xác định và cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, trừ trường hợp luật có quy định khác; Loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính dưới mọi hình thức, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Kỳ thị, phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái. Ép buộc, xúi giục người khác lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai vì giới tính của thai nhi; Nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, lưu hành, quảng cáo các sản phẩm ứng dụng trong chẩn đoán, lựa chọn giới tính trước khi sinh.