Ung thư cổ tử cung diễn tiến âm thầm

0
124

Ung thư cổ tử cung phát triển rất chậm trong 5-10 năm, có thể đến 20 năm, nên tầm soát thường xuyên là cách tốt nhất để phát hiện sớm và điều trị.

Ung thư cổ tử cung phát triển rất chậm, có thể mất từ 15-20 năm ở những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Với người bị suy giảm miễn dịch, ung thư cổ tử cung diễn tiến nhanh hơn khoảng 5-10 năm. Loại ung thư này thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm. Khi bệnh tiến triển, chị em có thể bị đau âm đạo, đau thắt lưng và chảy máu hoặc tiết dịch bất thường. Tuy nhiên, những triệu chứng cũng có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh lý phụ khoa khác như tiết dịch âm đạo bất thường, chảy máu âm đạo bất thường, đau lưng dưới, đau vùng xương chậu, đau khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, khó đi tiêu hoặc đi tiểu.

Những thay đổi biến tế bào bình thường thành tế bào ung thư diễn ra theo thời gian. Khi chúng xảy ra, những thay đổi tiền ung thư này có thể gọi là tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (sự phát triển bất thường của tế bào bao phủ cổ tử cung), tổn thương trong biểu mô vảy hoặc loạn sản. Các tế bào tiền ung thư được phân loại theo mức độ từ nhẹ đến nặng. Mỗi cấp độ dựa trên số lượng mô cổ tử cung bất thường có thể được nhìn thấy dưới kính hiển vi.

Không phải mọi tiền ung thư đều trở thành ung thư. Các chiến lược phòng ngừa ung thư cổ tử cung bao gồm lối sống lành mạnh, tiêm chủng và tầm soát. Xét nghiệm và chẩn đoán sớm có thể ngăn chặn ung thư cổ tử cung xảy ra. Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến nghị phụ nữ từ 21-65 tuổi nên thực hiện các loại xét nghiệm như xét nghiệm HPV mỗi 5 năm một lần, xét nghiệm Pap thực hiện 3 năm một lần và xét nghiệm Pap, HPV 3 năm một lần.

Ung thư cổ tử cung thường được chẩn đoán ở những người trong độ tuổi từ 35-44. Độ tuổi chẩn đoán trung bình là 50 tuổi. Loại ung thư này hiếm gặp ở những người dưới 20 tuổi. Nhiễm virus HPV là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung. Hơn 90% tổng số trường hợp ung thư cổ tử cung ở Mỹ là do virus HPV. HPV16 và HPV18 là những loại có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao nhất.

Tuy nhiên, không phải lúc nào nhiễm HPV cũng dẫn đến ung thư. Các chủng HPV nguy cơ thấp không gây ung thư. Các chủng nguy cơ cao có thể khiến bạn gặp rủi ro nhưng thường được hệ thống miễn dịch loại bỏ trước khi chúng có thể gây hại. Nhiễm HPV dai dẳng, nguy cơ cao mà hệ thống miễn dịch không thể giải quyết có thể dẫn đến những thay đổi trong tế bào vảy hoặc tế bào tuyến ở cổ tử cung. Những thay đổi tế bào này có thể chuyển thành ung thư trong nhiều năm.

Xét nghiệm phết tế bào giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Ảnh: Freepik

Hầu hết những người bị nhiễm HPV không biết họ mắc bệnh. Bạn có thể bị nhiễm HPV từ một người bạn tình bị nhiễm bệnh mà không biế trừ khi đã được tiêm phòng để giảm nguy cơ mắc bệnh. Các yếu tố rủi ro như quan hệ tình dục khi còn trẻ, có nhiều bạn tình, sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài, tiền sử gia đình ung thư cổ tử cung…

Tiêm phòng HPV là cách tốt để giảm nguy cơ nhiễm các chủng HPV gây ung thư cổ tử cung. Tiêm phòng HPV được khuyến khích bắt đầu từ 11 hoặc 12. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo nên tiêm phòng cho tất cả mọi người đến 26 tuổi nếu bạn không được tiêm phòng đầy đủ ở độ tuổi trước đó. Chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, tập thể dục và giữ cân nặng ở mức hợp lý có thể giúp giảm nguy cơ mắc căn bệnh này.

Ung thư cổ tử cung có nhiều loại, trong đó, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tuyến là thường gặp nhất. Khi phát hiện sớm, ung thư cổ tử cung có tỷ lệ chữa khỏi cao.

Kim Uyên
(Theo Verywell Health)

Thông tin chi tiết xem tại đây