Sáu tiêu chí cần xem xét trước khi quyết định dỡ bỏ các biện pháp cách ly xã hội

0
48

Đó là phát biểu của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng giám đốc TCYTTG trong buổi họp báo về COVID-19 ngày 13/04/2020 nhằm cảnh báo các quốc gia trong việc dỡ bỏ cách ly xã hội quá sớm.

Trong thời gian vừa qua, nhiều quốc gia và cộng đồng trên thế giới hiện đã chịu đựng nhiều tuần lễ hạn chế về kinh tế và xã hội do sử dụng giải pháp dãn cách xã hội để khống chế đại dịch COVID-19. Trong khi một số nước đang xem xét khi nào có thể dỡ bỏ những hạn chế này thì một số nước khác đang xem xét khi nào áp dụng các giải pháp này.

“Chọn lựa quyết định cho cả hai trường hợp này phải dựa trên các căn cứ, trước hết bảo vệ sức khỏe con người phải luôn là một chọn lựa ưu tiên, và phải dựa trên những gì mà chúng ta đã biết rõ về cách thức hoạt động của vi-rút”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

SARS-CoV-2 là một loại vi-rút mới và đây là đại dịch đầu tiên gây ra bởi một loại coronavirus. Đại dịch COVID-19 lây lan rất nhanh và nó nguy hiểm gây chết người gấp 10 lần so với đại dịch cúm năm 2009. Vi-rút có thể lây lan dễ dàng hơn trong môi trường đông đúc người như viện dưỡng lão. Phát hiện sớm, xét nghiệm, cách ly chăm sóc người nhiễm bệnh và truy tìm người tiếp xúc là biện pháp để ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh.

TCYTTG ghi nhận một hiện tượng phổ biến tại một số quốc gia trong thời gian đại dịch bùng phát vừa qua, đó là số trường hợp mắc cứ tăng gấp đôi sau mỗi 3 đến 4 ngày. Như vậy, dịch COVID-19 có đặc điểm là tăng tốc rất nhanh nhưng giảm tốc lại chậm hơn nhiều. Điều này có nghĩa là các biện pháp kiểm soát phải dỡ bỏ từ từ trong sự kiểm soát chặt chẽ, không thể dỡ bỏ tất cả cùng một lúc. Các biện pháp kiểm soát chỉ có thể được dỡ bỏ khi các biện pháp y tế công cộng phù hợp được triển khai, bao gồm cả khả năng theo dõi người tiếp xúc ca bệnh.

Để hỗ trợ các nước đưa ra các quyết định này, sắp tới TCYTTG sẽ ban hành các khuyến cáo cập nhật, với sáu nhóm tiêu chí cần phải xem xét, bao gồm:

Thứ nhất, phải kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh;

Thứ hai, phải đảm bảo hệ thống y tế có đủ năng lực trong phát hiện, xét nghiệm, cách ly, điều trị ca bệnh và theo dõi các trường hợp tiếp xúc;

Thứ ba, phải đảm bảo kiểm soát được nguy cơ bùng phát ổ dịch trong cộng đồng, đặc biệt là ở các cơ sở y tế và viện dưỡng lão;

Thứ tư, phải triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tại chổ áp dụng tại nơi làm việc, tại trường học và tại những nơi khác có tập trung đông người;

Thứ năm, phải quản lý được các rủi ro xuất hiện ca mắc mới do người mắc nhập cảnh từ nước ngoài vào;

Thứ sáu, các cộng đồng xã hội phải được truyền thông giáo dục sức khoẻ đầy đủ, được tham gia và được trao quyền để tuân thủ theo những chuẩn mực mới.

TCYTTG cũng kêu gọi các nước phải đạt được sự cân bằng giữa các biện pháp giải quyết tỷ lệ tử vong do COVID-19 và các bệnh khác do hệ thống y tế bị quá tải. Khi đại dịch lan rộng, các tác động lên sức khỏe cộng đồng và kinh tế xã hội gây ảnh hưởng sâu sắc và ảnh hưởng nhiều đến những người dễ bị tổn thương. Nhiều người dân không tiếp cận được các dịch vụ y tế thiết yếu một cách thường xuyên. Cuối cùng, việc phát triển và cung cấp một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả sẽ là giải pháp cần thiết để ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của vi-rút.

SỞ Y TẾ TP.HCM