Ngại sinh con thứ 2 và nguy cơ già hoá dân số tại các đô thị

0
122

Con trai đã vào lớp 5, thế nhưng hơn 10 năm qua, vợ chồng chị Phan Nga (TP.Thủ Đức) vẫn chưa sinh con thứ 2. Áp lực cuộc sống cùng với công việc kéo theo khiến cho nhiều cặp vợ chồng lựa chọn dừng lại ở 1 con. 

TPHCM đang ở trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có tổng tỉ suất sinh thấp nhất cả nước. Ảnh: Huyên Nguyễn

Đủ thứ áp lực 

Chị Nga và chồng cùng quê Nghệ An vào TPHCM lập nghiệp, thế nên mất vài năm tích góp, hai vợ chồng mới mua được căn chung cư tại TP.Thủ Đức. Làm việc tận quận 1, sáng nào, chị cũng dậy từ sớm đưa con đi học rồi hối hả đến cơ quan.

“Lúc con còn nhỏ, vừa chăm con vừa phải đi làm nên tôi thấm cảnh không lo cho con được chu toàn. Mẹ đi làm cả ngày nên con thiệt thòi khi thiếu mẹ.

Bây giờ, công việc lại bận tối mắt, tối mũi nên có chút thời gian rảnh nào, tôi cũng dành cho con. Tôi muốn dành hết tình yêu, sự chăm sóc cho con phát triển toàn diện”, chị Nga tâm sự.

Một gánh nặng khác cũng khiến vợ chồng chị Nga đi đến quyết định này vì thu nhập chỉ ở mức trung bình, trong khi đó, chi phí sinh sống tại TPHCM đắt đỏ, ông bà ở xa không hỗ trợ được nên đành: “Thôi, đẻ 1 đứa chăm sóc cho tốt”, chị Nga nói.

Tương tự, vợ chồng chị Thuỳ (quận Bình Tân) – Giảng viên đại học – cũng đã ngoài 40 tuổi, con đã lớp 9 nhưng chưa sinh con thứ 2.

Nhiều lần họ hàng, bạn bè gợi ý, hai vợ chồng cũng bàn tính sinh tiếp một bé cho có anh có em những rồi lại thôi.

Dù mới chuẩn bị kết hôn thôi nhưng sinh con cũng là vấn đề trăn trở của vợ chồng anh Phúc. Hai vợ chồng quê ở Hà Tĩnh vào TPHCM đã vài năm nhưng bây giờ kết hôn vẫn đi thuê trọ tại quận 6.

Chồng làm việc nhà nước, còn vợ làm giao dịch viên tại ngân hàng, mức thu nhập chỉ khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Với mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng, trừ chi tiêu, ăn uống, thuê nhà… thì 1 tháng có thể tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng. Nếu có con nữa thì gần như không còn đồng nào tiết kiệm.

Nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp

 TPHCM đang ở trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có tổng tỉ suất sinh thấp nhất cả nước. Thống kê năm 2021, tổng tỉ suất sinh của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở thành phố là 1,48 con.

Từ năm 2000 đến nay, tổng tỉ suất sinh của thành phố liên tục giảm (năm 2000 là 1,76, so với năm 2021 là 1,48), xuống rất thấp vào năm 2016 là 1,24. Xu hướng khôi phục theo hướng tăng xảy ra rất ít ở thời điểm năm 2013 là 1,68.

Mới đây, UBND TPHCM đã ban hành Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030, với mục tiêu tỉ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2030 đạt trên 1,3%.

Các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 là tổng tỉ suất sinh đạt 1,4 con/phụ nữ vào năm 2025 (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 1,4 con), hướng tới 2030 là 1,6 con; quy mô dân số thành phố khoảng 10,6 triệu người vào năm 2025 và 12 triệu người vào năm 2030; tỉ lệ tăng dân số tự nhiên phấn đấu trên 1,1% vào năm 2025, trên 1,3% vào năm 2030.

Trên cơ sở xác định hiện trạng và xu hướng mức sinh của từng quận, huyện để ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch với chỉ tiêu cụ thể về việc điều chỉnh tăng mức sinh cho từng giai đoạn cụ thể; rà soát các quy định đảm bảo sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc…

Theo UBND TPHCM, căn cứ theo các mô hình nhân khẩu học, mức sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số thành phố trong tương lai. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Thông tin chi tiết xem tại đây.