Ứng phó với thực trạng già hóa dân số: Khi cụ bà “áp đảo” cụ ông

0
203

GiadinhNet – Cứ 200 cụ bà mới có 100 cụ ông, đó là tỷ số giới tính dân số Việt Nam ở tuổi 80 trở lên.

 

Ứng phó với thực trạng già hóa dân số: Khi cụ bà “áp đảo” cụ ông 1

Số liệu từ các cuộc điều tra mức sống hộ gia đình giai đoạn 1993 – 2008 cho thấy: Tỷ lệ NCT sống với con cái giảm xuống từ gần 80% vào năm 1993 xuống còn 62% vào năm 2008. Ảnh: D.Ngọc.

Còn ở tuổi từ 70 – 79, tỷ số này là 149 cụ bà /100 cụ ông, ở tuổi 60 – 69 là 131/100.  Đây là một trong những thay đổi đáng “giật mình” của thực trạng già hóa dân số nước ta: Tuổi càng cao, số phụ nữ đơn thân càng nhiều.

Mất cân bằng giới tính trầm trọng ở người cao tuổi

 

Số liệu từ 4 cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở giai đoạn 1979 – 2009 cho thấy, tỷ lệ NCT ở nhóm tuổi thấp nhất (từ 60 – 69) tăng chậm, trong khi tỷ lệ NCT ở nhóm cao tuổi trung bình (70 – 79) và già nhất (80 trở lên) có xu hướng tăng nhanh hơn. Số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê (2010) cho giai đoạn 2009-2049 cho thấy: Khi Việt Nam bước vào giai đoạn dân số “già” cũng là lúc nhóm dân số cao tuổi nhất tăng với tốc độ cao nhất.

Ở tuổi 70, bà Nguyễn Thị Cầm (Đống Đa, Hà Nội) đã phải sống góa bụa 5 năm nay. Bà cho biết mình có ba người con nhưng chúng đều có gia đình riêng và ở xa. “Khi ông nhà tôi mất, chúng nói nếu mẹ thích ở với ai thì ở. Nhưng từ bé đến giờ tôi chưa đi đâu khỏi mảnh đất này, vả lại tôi còn phải thờ cúng gia tiên nhà chồng nữa”, đôi tay gày guộc bà gạt những sợi tóc bạc bết mồ hôi trên trán nói. 

Chồng mất, không có lương hưu, không có khoản trợ cấp nào, bà sống bằng mớ rau, bìa đậu phụ bán ngoài chợ. Mưa cũng như nắng, cứ bán hết hai chục mớ rau, vài bìa đậu bà mới lê bước chân già nua về ngôi nhà cấp bốn bé tẹo ở phường Hào Nam. Bà Cầm cho biết, phần lớn bạn bè của bà hoặc những bà hơn vài tuổi cũng đều sống độc thân vì người bạn đời đã “tạm biệt cõi hồng trần”. Có người thì sống với con cái nhưng hơn nửa số bà biết đều sống một mình.

Bà Cầm nói: “Sống một mình nhiều khi cũng sợ, hôm trước thấy đài báo nói một bà 77 tuổi ở Mê Linh chết phân hủy rồi mới có người biết, một bà 80 tuổi ở phố Quang Trung chết cháy trong nhà mà thấy buồn quá”.

Cũng sống độc thân như bà Cầm nhưng bà Na, 68 tuổi (Lĩnh Nam, Hà Nội) thì “khổ không kể xiết”: Chồng mất, con trai lớn đi tù vì gây tai nạn, con trai thứ nghiện ngập, vợ chồng bỏ nhau đi biệt tích để lại thằng bé còi cọc lên 5. “Cũng có vài ông góa vợ đánh tiếng cùng nương tựa lúc tuổi già nhưng chứng kiến vài đám đau xót vì sự phản ứng của con cháu mà tôi không dám. Thôi trời cho sống ngày nào thì cố nuôi dưỡng thằng cháu nội này”, tiếng bà não nuột. 

Tình trạng người cao tuổi (NCT) độc thân, sống cô đơn như bà Cầm, bà Na khá phổ biến. Theo số liệu của Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2009, ngày càng có nhiều NCT sống góa vợ (chồng), số lượng cụ bà góa chồng cao gần 5,5 lần số cụ ông góa vợ. Số cụ bà sống ly hôn, ly thân cũng cao hơn số cụ ông sống ly hôn, ly thân 2,2 lần. Đặc biệt, tỷ lệ người già sống cô đơn hoặc hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng già tăng đột biến. Chỉ trong 15 năm (1993 – 2008), tỷ lệ này tăng hơn gấp đôi (từ 12% lên 30%). Một điểm rất đáng lưu ý là nếu tình trạng mất cân bằng giới tính ở trẻ em do số trẻ trai cao hơn số trẻ gái (112,3/100), thì tình trạng này ở NCT lại ngược lại – số phụ nữ đang lớn hơn nhiều so với nam giới. Điều này đòi hỏi chính sách chăm sóc NCT phải chú trọng tới hiện tượng này, bởi vì với xu hướng bệnh tật kép và phần lớn NCT không có lương và trợ cấp như hiện nay, phụ nữ cao tuổi sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi xét về thu nhập, tình trạng khuyết tật và khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế.

Cấu trúc gia đình thay đổi

 

30% NCT không thể chia sẻ khi buồn

Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ NCT bị đối xử không tốt như: Bị nói nặng, bị từ chối nói chuyện, bị đánh đập hoặc đe dọa không cao nhưng có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm dân số. Về cảm giác buồn hoặc thất vọng, tỷ lệ NCT có cảm giác này ít nhất một vài lần trong tuần là khoảng 40%. Tỷ lệ NCT có cảm giác này hầu như cả tuần dao động từ 7-8%, song tăng lên gần gấp 2 ở nhóm NCT trên 80 tuổi (15,5%). Có gần 30% NCT không thể chia sẻ với ai khi cảm thấy không vui hoặc buồn.

(Nguồn: Trung ương Hội NCT Việt Nam)

Cùng với sự mất cân bằng giới tính nghiêng về phía phụ nữ cao tuổi, tốc độ già hóa dân số cũng làm thay đổi mạnh mẽ cấu trúc gia đình.

Ngày càng có nhiều người ở độ tuổi 50, 60 vẫn còn cha mẹ già hoặc cô dì, chú bác. Ông Bùi Văn Bánh (Kiến An, Hải Phòng) năm nay 72 tuổi đang chăm sóc mẹ già 92 tuổi của mình. Ông cho biết, dòng họ ngoại mình có “truyền thống tuổi thọ cao”. Hiện ông vẫn còn người bác 95 tuổi và người dì vừa làm lễ thượng thọ 90 tuổi. Bà Bạch Như Liên, 82 tuổi (Ý Yên, Nam Định) cho biết: “Tuổi thọ cao là điều ai cũng mơ ước, tuy nhiên cũng vì thấy gia đình có nhiều người thọ nên con cháu nhà tôi chúng nghĩ không cần lập gia đình sớm để… kéo dài tuổi xuân. Nhiều đứa 35 – 40 tuổi mới chịu lấy vợ, lấy chồng”. Hiện nay, xu hướng các cặp vợ chồng và các bà mẹ độc thân trì hoãn việc sinh con cho đến năm họ 30 – 40 tuổi như bà Liên đã đề cập cũng đã không còn là hiện tượng hiếm. 

Số NCT tăng lên, trong đó những người sống đơn thân cũng nhiều lên do xu hướng gia đình hạt nhân (chỉ có bố mẹ và con cái) đang ngày càng phát triển. Số liệu từ các cuộc điều tra mức sống hộ gia đình giai đoạn 1993 – 2008 chỉ rõ xu hướng thay đổi này: Tỷ lệ NCT sống với con cái giảm xuống từ gần 80% vào năm 1993 xuống còn 62% vào năm 2008; tỷ lệ NCT sống cô đơn và tỷ lệ hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng NCT có tăng lên; tỷ lệ hộ gia đình “khuyết thế hệ” dù chưa cao nhưng cũng đã tăng hơn hai lần.

Ở nhiều vùng quê, số NCT sống cùng cháu đang tăng lên do con cái đi làm ăn xa hết. Thậm chí có ngôi làng đến chỉ thấy toàn người già và trẻ em, gần như không thấy bóng dáng thanh niên nào. Theo TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, trong đợt Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở vừa qua cho thấy, tỷ lệ NCT cao nhất là ở khu vực miền Trung. “Tôi đã về đây, có những xã, thôn vào những ngày giữa năm này hầu như chỉ còn các cụ và trẻ con ở nhà. NCT lẽ ra phải được chăm sóc nhưng khi con đi làm ăn xa lại phải đảm nhiệm toàn bộ việc đồng áng, chăm sóc cháu, gánh nặng càng thêm chồng chất”, TS Dương Quốc Trọng nói.

Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Hà Anh