Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về DS-KHHGĐ

0
71
GiadinhNet – Trong hai ngày 24-25/8, tại Ninh Bình, Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về DS-KHHGĐ cho cán bộ truyền thông cấp tỉnh”.

Tham dự Hội thảo có TS Lê Cảnh Nhạc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế; ông Ngô Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình; lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ phụ trách truyền thông, lãnh đạo phòng Truyền thông giáo dục của 31 tỉnh, thành phía Bắc.

Hội thảo nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục; Kinh nghiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan thông tin báo chí để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về Dân số – KHHGĐ cho cán bộ truyền thông cấp tỉnh.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Lê Cảnh Nhạc nhấn mạnh, công tác truyền thông giáo dục (TTGD) trong lĩnh vực DS-KHHGĐ rất quan trọng. Hơn 50 năm qua, truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi là một trong hai hoạt động có sức mạnh nhất, quyết định đến sự thành công của công tác DS-KHHGĐ. Trong giai đoạn hiện nay, công tác này càng được chú trọng và để triển khai có hiệu quả rất cần sự linh hoạt, uyển chuyển của mỗi một địa phương, vùng miền.

Hiện nay, công tác DS-KHHGĐ đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều vấn đề mới nảy sinh. Đó là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, vấn đề tận dụng và phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng khi mà chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, vấn đề phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi, vấn đề mức sinh thấp, vấn đề truyền thông vận động và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ… Tất cả đặt ra những nội dung mới, nhiệm vụ mới và thử thách mới cho công tác truyền thông DS-KHHGĐ.

Đại diện của hầu hết các địa phương đều nêu ra những khó khăn, thách thức của công tác TTGD trong bối cảnh mới. Khó khăn đầu tiên và cũng là một yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến công tác này là vấn đề về kinh phí. Hiện nay, kinh phí dành cho công tác truyền thông về dân số đều bị cắt giảm tối đa, các địa phương phần lớn đều xoay xở vất vả. Đại diện lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ các địa phương đều cho biết, nhiều tỉnh đã hỗ trợ ngân sách cho công tác dân số. Tuy nhiên, phần lớn tiền hỗ trợ đó cũng chỉ để chi hỗ trợ dịch vụ cơ bản cho các CTV dân số.

TS Lê Cảnh Nhạc chỉ rõ, hiện chúng ta kết thúc giai đoạn một và bước sang giai đoạn hai thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2020. Do đó, công tác TTGD phải có sự chuyển hướng vô cùng linh hoạt, trước đây chúng ta “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để cung cấp các dịch vụ, phương tiện tránh thai và truyền thông cho người dân thì nay, nhiệm vụ trên vai của các cán bộ, CTV dân số nặng nề hơn và khó khăn hơn rất nhiều.

“Đây là thời điểm quan trọng, đánh dấu quá trình sự nghiệp DS-KHHGĐ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia bước sang giai đoạn mới – triển khai chương trình mục tiêu của chính phủ” – TS Lê Cảnh Nhạc cho biết, về nguồn lực cho năm 2016 sẽ không phải là chương trình mục tiêu quốc gia mà là chương trình mục tiêu. Cơ cấu chung của nguồn lực dành cho dân số nằm trong cơ cấu của chương trình y tế nhưng sẽ có sự phân cấp mạnh mẽ hơn, tạo sự chủ động hơn cho địa phương trong việc phân bổ ngân sách.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

TS Lê Cảnh Nhạc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Quách Thượng Hải

Lãnh đạo và cán bộ truyền thông của Chi cục DS-KHHGĐ 31 tỉnh, thành phố phía Bắc. Ảnh: Quách Thượng Hải

Noname

Cùng chia sẻ kinh nghiệm và những khó khăn trong công tác truyền thông. Ảnh: Quách Thượng Hải

Noname

Cùng chia sẻ kinh nghiệm và những khó khăn trong công tác truyền thông. Ảnh: Quách Thượng Hải

Noname

Cùng chia sẻ kinh nghiệm và những khó khăn trong công tác truyền thông. Ảnh: Quách Thượng Hải

Noname

Cùng chia sẻ kinh nghiệm và những khó khăn trong công tác truyền thông. Ảnh: Quách Thượng Hải

Hà Anh/Báo Gia đình & Xã hội