Hội nghị tổng kết công tác DS-KHHGĐ năm 2015, triển khai kế hoạch năm 2016

0
117

GiadinhNet – Sáng nay (14/1), Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác DS-KHHGĐ năm 2015, triển khai kế hoạch năm 2016.

Tham dự Hội nghị có GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Dương Quốc Trọng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ 63 tỉnh, thành phố.


GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chí Cường

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chí Cường

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế biểu dương những thành tích ngành Dân số đạt được trong năm qua, với những hành động sát với thực tiễn. Đó là quy mô dân số không vượt quá 93 triệu người như Chiến lược quốc gia Dân số và Sức khỏe sinh sản (DS&SKSS) đề ra cho năm 2015, với số liệu thống kê hiện tại cho thấy dân số nước ta là 91,7 triệu người.

Chúng ta đã duy trì được mức sinh thay thế trong 10 năm liên tục vừa qua, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con. Điều này đã mang lại những đóng góp lớn vào việc giảm tỷ số tử vong bà mẹ, giảm tỷ suất chết trẻ em, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân; đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.


Lãnh đạo Bộ Y tế và Tổng cục DS-KHHGĐ tại Hội nghị (từ trái qua phải): Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Lê Cảnh Nhạc, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Dương Quốc Trọng. Ảnh: Chí Cường

Lãnh đạo Bộ Y tế và Tổng cục DS-KHHGĐ tại Hội nghị (từ trái qua phải): Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Lê Cảnh Nhạc, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Dương Quốc Trọng. Ảnh: Chí Cường

Tốc độ gia tăng dân số là 1%, đạt mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra. Tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục được kiềm chế và ở mức 112,8 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái, đạt mục tiêu dưới 113/100 của Chiến lược DS&SKSS giai đoạn 1 đến năm 2015 đề ra.

Cùng đó, ngành Dân số đã triển khai có hiệu quả các đề án can thiệp như sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, sơ sinh; sàng lọc bệnh thalassemia, giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, nâng cao chất lượng dân số ở một số đồng bào dân tộc thiểu số; các mô hình can thiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thời kỳ cơ cấu dân số vàng, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người di cư, đặc biệt là vấn đề già hóa dân số.


Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phục trách Tổng cục DS-KHHGĐ: Ngành Dân số sẽ đánh giá, phân tích các khuyết điểm cần khắc phục; đoàn kết, sáng tạo hướng vào các nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2016, làm đà thắng lợi cho cả giai đoạn 2016 – 2020. Ảnh: Chí Cường

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phục trách Tổng cục DS-KHHGĐ: Ngành Dân số sẽ đánh giá, phân tích các khuyết điểm cần khắc phục; đoàn kết, sáng tạo hướng vào các nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2016, làm đà thắng lợi cho cả giai đoạn 2016 – 2020. Ảnh: Chí Cường

Tuy đạt được nhiều thành tựu trong năm 2015 cũng như nhiều năm qua, song công tác DS-KHHGĐ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ tráchTổng cục DS-KHHGĐ chia sẻ, năm 2016 kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia dành cho công tác DS-KHHGĐ không còn mà sẽ nằm trong Chương trình mục tiêu năm 2016.

Tạm thời, kinh phí được bố trí như năm 2015, với những nhiệm vụ và khối lượng công việc đang tăng lên. Nhiều tỉnh, thành phố chưa chủ động bố trí kinh phí địa phương cho triển khai hoạt động của Chương trình.

Trong số các địa phương báo cáo có hỗ trợ kinh phí cho công tác DS-KHHGĐ, đa số thực hiện theo đúng quy định của Trung ương về tỷ lệ kinh phí địa phương/kinh phí Trung ương. Tỉnh thấp nhất hỗ trợ được 12,2% so với kinh phí trung ương giao, tỉnh cao nhất có kinh phí địa phương bằng 348,4% kinh phí trung ương giao (Long An).

Ngoài ra còn có một số tỉnh khác cũng rất cao như: Hà Nội (5.000 đồng/người/năm cho các hoạt động và các chính sách, chế độ khác cho đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ cơ sở), Bình Dương (214,1%), Thừa Thiên-Huế (185,6%). Một số tỉnh miền núi có điều kiện hết sức khó khăn cũng hỗ trợ kinh phí lớn cho công tác DS-KHHGĐ như Lai Châu (104,5%), Bắc Cạn (trên 100%), Cao Bằng (75,8%), Yên Bái (49,4%)…

Để giải quyết những khó khăn, thách thức mà công tác DS-KHHGĐ phải đối mặt trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã nhấn mạnh vào 4 vấn đề chủ yếu về xây dựng chính sách, kiện toàn bộ máy tổ chức, chương trình mục tiêu Dân số và các nội dung chuyên môn nghiệp vụ ngành Dân số.


Các tập thể nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ năm 2015. Ảnh: Chí Cường

Các tập thể nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ năm 2015. Ảnh: Chí Cường

“Trong thời gian tới, để thực hiện thành công kế hoạch 2016 – 2020 đòi hỏi các tỉnh phải ý thức được vai trò quan trọng của công tác DS-KHHGĐ. Ở các địa phương, các đồng chí ở mỗi địa phương cần sáng tạo, linh hoạt trong vận dụng chính sách chung của Trung ương cho phù hợp với đặc điểm của tỉnh trong việc triển khai các giải pháp, các hoạt động về DS-KHHGĐ giai đoạn 2016-2020” – GS.TS Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.

Thay mặt Tổng cục DS-KHHGĐ, ông Nguyễn Văn Tân đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến. Theo đó, ngành Dân số sẽ đánh giá, phân tích các khuyết điểm cần khắc phục; đoàn kết, sáng tạo hướng vào các nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2016, làm đà thắng lợi cho cả giai đoạn 2016 – 2020.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 12 tập thể đạt thành tích xuất sắc trong năm 2015, gồm Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh: Hải Dương, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn. Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế, Nghệ An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang.

Hà Anh/Báo Gia đình & Xã hội