Ban Bí thư đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về dân số

0
107

GiadinhNet – Ngày 4/1, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành kết luận số 119-KL/TW của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình. Báo Gia đình & Xã hội xin đăng toàn văn kết luận này.

Kết luận của Ban Bí thư khẳng định: “Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 47, công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được kết quả quan trọng, cơ bản đạt được các mục tiêu đã đề ra”. Ảnh: Chí Cường
Kết luận của Ban Bí thư khẳng định: “Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 47, công tác Dân số – kế hoạch hóa gia đình đã đạt được kết quả quan trọng, cơ bản đạt được các mục tiêu đã đề ra”. Ảnh: Chí Cường

Vừa qua, sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW, ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 47), Ban Bí thư đã thảo luận và kết luận như sau:

1. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 47, công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình đã đạt được kết quả quan trọng, cơ bản đạt được các mục tiêu đã đề ra. Chỉ sau gần hai năm thực hiện, mức sinh đã giảm nhanh và đạt mức thay thế. Từ năm 2006 đến nay, đã duy trì tổng tỉ suất sinh ổn định trong khoảng 2-2,1 con; đạt được mục tiêu dân số không quá 93 triệu người vào năm 2015. Chất lượng dân số từng bước được nâng lên; chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ 0,573 điểm năm 2005 lên 0,638 điểm năm 2013, xếp thứ 121/187 nước. Tuổi thọ của người Việt Nam tăng từ 72 tuổi năm 2005 lên 73,2 tuổi năm 2014 và hiện ở mức cao hơn so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người; các chỉ báo về thể lực, trí lực và tinh thần của con người Việt Nam có tiến bộ rõ rệt.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 47 vẫn còn một số hạn chế, yếu kém: Chất lượng dân số đã được nâng lên song chưa vững chắc; chỉ số HDI vẫn ở bậc trung bình. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã đến mức nghiêm trọng. Tuổi thọ bình quân tương đối cao nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh của người Việt Nam là khá thấp. Tỉ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ chiếm tới 1,5% dân số và hằng năm tiếp tục tăng thêm, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Có sự khác biệt lớn về mức sinh giữa các tỉnh và các vùng, miền trong cả nước. Kiến thức và kỹ năng sống của thanh niên, vị thành niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, hôn nhân và gia đình còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém trên đây là do một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa nhận thức được đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân số đối với phát triển kinh tế – xã hội; trong nhận thức và hành động còn nặng về công tác kế hoạch hóa gia đình, tư duy về dân số và phát triển còn hạn chế, nguồn lực cho hoạt động dân số, kế hoạch hóa gia đình hạn hẹp, tổ chức bộ máy thiếu ổn định.

2. Trong thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 47; trước mắt, tập trung thực hiện một số nội dung sau:

2.1 Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội trong công tác dân số. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đưa công tác dân số và phát triển thành một nội dung trọng tâm trong công tác, hoạt động thường kỳ; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển vào nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội.

2.2 Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tỉ lệ bệnh tật, tử vong, tăng tuổi thọ và số năm trung bình sống khỏe mạnh; thực hiện tốt các chương trình, biện pháp để nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam.

2.3 Duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý. Tập trung chỉ đạo để giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp; đảm bảo quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020 và tạo cơ sở vững chắc để tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 115-120 triệu người từ giữa thế kỷ XXI.

2.4 Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng dân số và phát triển, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa vùng, miền. Tăng cường giáo dục kiến thức và kỹ năng sống cho thanh niên, vị thành niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, hôn nhân và gia đình bằng hình thức phù hợp. Trước mắt, ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình như hiện nay; đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình.

2.5 Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số. Tích cực tranh thủ viện trợ quốc tế cho lĩnh vực này. Nhà nước chỉ đảm bảo các nội dung về truyền thông, quản lý và chi trả cho các nhóm đối tượng thuộc diện chính sách xã hội; đồng thời chuyển từ cơ chế thanh toán thông qua các cơ quan cung cấp dịch vụ sang cơ chế thanh toán trực tiếp cho đối tượng sử dụng dịch vụ qua bảo hiểm y tế.

3. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 47, Việt Nam đã sớm đạt được và duy trì vững chắc mức sinh thay thế nên cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số (duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số, điều chỉnh phân bổ dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số) đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Vì vậy, Ban Bí thư đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về dân số.

Báo Gia đình & Xã hội