Đầu tư cho thanh, thiếu niên – đầu tư cho tương lai của chúng ta

0
131

GiadinhNet – Theo Báo cáo Quốc gia về thanh niên Việt Nam, tỷ lệ thanh niên Việt Nam có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên còn thấp, chiếm 4,3% và tỉ lệ chưa tốt nghiệp tiểu học là 10,7%.

Đầu tư cho thanh, thiếu niên chính là đầu tư cho tương lai của chúng ta. Ảnh: Chí Cường
Đầu tư cho thanh, thiếu niên chính là đầu tư cho tương lai của chúng ta. Ảnh: Chí Cường

Thông tin trên được đưa ra trong Hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển thanh niên” do Bộ Nội vụ và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 2/3.

Các nhà hoạch định chính sách khẳng đinh, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong các nguồn nhân lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, theo báo cáo về thực trạng giáo dục và đào tạo ở Việt Nam, tỉ lệ thanh niên Việt Nam có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên còn thấp, chiếm 4,3% trong độ tuổi từ 16 – 30. Có tới 10,7% thanh niên chưa tốt nghiệp bậc tiểu học.

Theo kết quả Điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ năm 2014, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” với tỉ lệ thanh niên cao nhất trong lịch sử, thanh niên chiếm gần một phần ba dân số cả nước. Theo báo cáo, tính đến năm 2014, tổng số thanh niên Việt Nam là hơn 25 triệu người, chiếm 27,7% dân số. Đây là cơ hội thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần đảm bảo rằng, tất cả mọi người trẻ đều được quan tâm, được giáo dục, được chăm sóc sức khỏe và được hỗ trợ để phát huy hết tiềm năng của mình.

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam đang ở thời điểm có nhóm dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao nhất trong lịch sử. Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa và các tập quán vô cùng phong phú đang trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và nhiều thay đổi khác. Một trong những nguồn lực quan trọng của Việt Nam chính là nhóm dân số trẻ: Cam kết, đầy nhiệt huyết, sáng tạo, những nam thanh niên và nữ thanh niên khỏe mạnh và mong muốn được cống hiến. Theo bà Astrid Bant, thanh niên là lực lượng nòng cốt trong phát triển xã hội, chính trị, môi trường và kinh tế. Do đó, đầu tư vào chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tạo công ăn việc làm và đảm bảo các quyền cho thanh niên là những hoạt động vô cùng cần thiết để đạt được sự phát triền bền vững, đảm bảo tương lai cho gia đình, cộng đồng và sự phát triển của quốc gia.

Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong công tác phát triển thanh niên trong thời gian qua. Tuy nhiên, thanh, thiếu niên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức để có thể phát triển hết tiềm năng của mình. Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam chia sẻ: Các kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, bảo vệ các quyền của nam thanh niên, nữ thanh niên, tạo các điều kiện thuận lợi để thanh niên có thể thoàn thành bậc học trung học cơ sở; dạy các em các kỹ năng sống cần thiết, hỗ trợ các em tìm được việc làm phù hợp, đảm bảo để thanh niên có thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và các quyền khác là các nền tảng thiết yếu để các em có thể bắt đầu môt giai đoạn trưởng thành khỏe mạnh và thành công.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh: “Thanh niên được khẳng định là lớp người làm chủ tương lai của đất nước; được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người; chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển”. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi chúng ta phải có sự đầu tư và để sự đầu tư thực sự mang lại hiệu quả cao nhất thì cần có sự hợp tác và phối hợp của tất cả các ban, ngành các cấp. “Đây là lúc Việt Nam cần phải xem xét lại các hoạt động dành cho thanh, thiếu niên để giúp họ phát triển hết tiềm năng của mình. Đầu tư cho thanh, thiếu niên chính là đầu tư cho tương lai của chúng ta”, bà Astrid Bant nhấn mạnh.

Hà Anh/Báo Gia đình & Xã hội