GiadinhNet – Tuổi thọ là ước mong lớn của con người, do đó già hóa dân số là thành quả của sự phát triển kinh tế – xã hội, khẳng định tính ưu việt của chế độ, mà trực tiếp là công tác chăm sóc sức khỏe người dân, công tác DS-KHHGĐ. Làm thế nào để già hóa là thành tựu đúng nghĩa, chứ không phải là gánh nặng? Các chuyên gia cho rằng, cần có nhiều giải pháp, trong đó phải có sự trợ giúp của Nhà nước thì mới giải quyết được.
Chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở châu Á. Theo số liệu Điều tra dân số và Điều tra biến động dân số, dân số đang già đi một cách nhanh chóng và đất nước chúng ta đã chính thức bước vào thời kỳ già hóa từ năm 2011, kết quả từ sự sụt giảm của tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết và tuổi thọ ngày càng tăng lên. Vào năm 2012, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) chiếm 10,2% so với tổng dân số. Năm 2014, tỷ lệ này đã tăng lên là 10,5%. Thời kỳ để Việt Nam chuyển giao từ già hóa dân số sang dân số già ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có cấp độ phát triển cao hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, thời kỳ già hóa đem lại những tiềm năng bao gồm cơ hội đầu tư, tăng cường chất lượng lao động và kiến thức, đem lại các lợi ích kinh tế. Nhưng đồng thời, cũng đặt ra những thách thức to lớn đòi hỏi phải có những phương thức tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe, tuổi nghỉ hưu, lương hưu, thay đổi sự tương tác trong xã hội và mối quan hệ liên thế hệ.
Để giữ vững, ổn định quy mô dân số, thích ứng với già hoá dân số, theo Tổng cục DS-KHHGĐ, cần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn xã hội chăm sóc, phát huy vai trò NCT”, tăng ngân sách cho Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ. Điều đó đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn chiến lược nhằm xây dựng các chính sách an sinh xã hội phù hợp với các chuyển đổi về cơ cấu dân số nước ta, góp phần phát triển bền vững quốc gia từ góc độ dân số.
Việt Nam khó có đủ điều kiện áp dụng mô hình chăm sóc NCT như ở các nước phát triển (Trung tâm ban ngày, cơ sở chăm sóc và phụng dưỡng người già tập trung) vì hạn chế về thu nhập và tỷ lệ người tham gia BHYT quá thấp (30% ở đô thị và 15% ở nông thôn). Trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc áp dụng mô hình chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng là phù hợp với phương châm xã hội hóa như: Y tế dự phòng, chi phí thấp, phục vụ cho đa số NCT, có thể ở cả vùng nông thôn.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến khẳng định: Tuổi thọ cao là thành tựu của y khoa và kết quả của phát triển kinh tế xã hội về nhiều mặt chứ không phải là gánh nặng của xã hội hay của nền kinh tế. Do đó, ông cho rằng: Để giải quyết những thách thức và tận dụng các cơ hội của thời kỳ già hóa dân số, chúng ta cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số, đảm bảo đưa vấn đề già hóa và nhu cầu của NCT vào tất cả các chương trình và chính sách phát triển quốc gia, đặc biệt là các chính sách, chương trình về an sinh xã hội; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc NCT, khuyến khích và tạo điều kiện để NCT tiếp tục tham gia các hoạt động xây dựng đất nước phù hợp với điều kiện sức khỏe và kinh nghiệm, góp phần thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc và phát huy vai trò của NCT, đồng thời chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số của nước ta.
Người cao tuổi là tài sản
Ứng phó với một xã hội già hóa, theo các chuyên gia hình thức hiệu quả nhất chính là phát huy vai trò NCT trong cộng đồng, nhằm biến những thách thức thành cơ hội và động lực của sự phát triển. Hiện có hàng trăm mô hình chăm sóc NCT tại cộng đồng do Nhà nước và nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện. Tuy nhiên, những mô hình này vẫn còn nhiều thách thức do nguồn kinh phí hạn hẹp, cơ sở hạ tầng còn rất hạn chế; nguồn nhân lực chưa ổn định và đáp ứng nhu cầu chăm sóc, đặc biệt là việc chăm sóc vẫn còn mang tính chất tự nguyện và chưa được lồng ghép trong các hoạt động chung ở cộng đồng.
PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, cần chuyển quan niệm “NCT là gánh nặng” thành “NCT là tài sản” thì mới có những chính sách, chương trình phù hợp với nhu cầu được chăm sóc, phát huy vai trò của NCT.
Để chăm sóc và phát huy NCT, các nước như: Thái Lan, Isarel, Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều có những chính sách mạnh mẽ giúp NCT sống vui, sống khỏe từ cộng đồng. Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ, đã có nhiều chính sách dành cho NCT. Việt Nam đã có Luật về NCT, có một số tổ chức chuyên chăm lo cho NCT, tổ chức phối hợp các cơ quan khác nhau để tiến hành việc chăm sóc sức khỏe NCT như Hội NCT, Ủy ban Quốc gia về NCT. Bên cạnh đó, nước ta đã có nhiều cơ chế để huy động NCT tham gia vào quá trình phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần phải làm như làm sao để Luật về NCT ngày càng hoàn thiện hơn, có tính khả thi và phát huy tác dụng trong cuộc sống; quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng cơ sở vật chất, chăm lo cuộc sống của NCT; có chính sách phù hợp để NCT khi hết tuổi lao động vẫn có điều kiện đáp ứng tối thiểu nhu cầu của cuộc sống. Hiện nay, gần 70% NCT không có nguồn thu nhập lương hưu, chủ yếu phụ thuộc vào con cái.
Trước đây, khi mức sinh tăng, số lượng trẻ đông, hệ thống sản khoa và nhi khoa được chú trọng đầu tư phát triển. Tuy nhiên hiện nay, đối với một xã hội có nhiều người già thì cũng cần thay đổi theo hướng chú ý đến hệ thống lão khoa. Trên thực tế, việc này đã và đang được tiến hành. Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan y tế, bệnh viện cần có khoa lão khoa hoặc dành số giường nhất định cho việc chăm sóc NCT. Tuy nhiên, mô hình như thế nào cho phù hợp, tỷ trọng như thế nào thì đúng đắn, cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, với khả năng của mình, Tổng cục DS-KHHGĐ đã xây dựng các mô hình chăm sóc toàn diện NCT dựa vào cộng đồng. Mô hình này đã tiến hành hơn 5 năm qua, được người dân hưởng ứng và thu được nhiều kết quả khả quan.
Bên cạnh đó, theo GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân), việc đầu tư cho y tế, giáo dục, sự tham gia và công việc ổn định cho thanh niên cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu của thế hệ NCT trong tương lai. GS Nguyễn Đình Cử nói: “Nếu bạn đang là người trẻ thì hãy chủ động chuẩn bị cho giai đoạn “già” của mình bằng cách lao động làm giàu, tích lũy cho tuổi già, còn nếu như đã già rồi thì lúc này không còn gọi là “già hóa chủ động” được nữa. Tuy nhiên, vẫn có thể chủ động phát huy những khả năng, vai trò cống hiến cho gia đình, cho xã hội và cho chính bản thân mình”.
Thông điệp chung
– NCT là những người năng động và có ích cho xã hội, họ vẫn có thể mang lại những đóng góp lớn lao cho gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
– NCT cần tình yêu thương và chăm sóc của gia đình để họ có thể an hưởng cuộc sống hạnh phúc. Chăm sóc, phụng dưỡng NCT là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
– Gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích.
(Nguồn: Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế)
Cần có chính sách đồng bộ
Đa số các chuyên gia và các nhà nghiên cứu chính sách đều cho rằng, việc xây dựng chính sách, chiến lược chăm sóc NCT mục đích cuối cùng phải đạt 3 tiêu chí: Tỷ lệ tàn tật và ốm đau NCT xuống thấp, các hoạt động chân tay và trí óc của NCT được phát huy để tăng trưởng kinh tế và NCT được tích cực tham gia các hoạt động xã hội để xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.
Để đạt được mục tiêu trên, các chính sách cần đồng bộ, nhanh chóng để ứng phó và thích ứng kịp với một xã hội già hóa. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: “Chúng ta hãy cam kết đảm bảo cho cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc của NCT và khuyến khích sự tham gia có ý nghĩa của họ trong xã hội để tận dụng được vốn sống phong phú, những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của NCT”.
Hà Thư/Báo Gia đình & Xã hội