GiadinhNet – Thời điểm hiện nay, thế giới có số lượng người trẻ nhiều hơn bao giờ hết. Năm 2015, thế giới đã có 7,3 tỷ người, tỷ lệ người dưới 15 tuổi chiếm 26%. Như vậy, trên thế giới có gần 1,9 tỷ trẻ vị thành niên, thanh niên đang bước vào độ tuổi sinh đẻ. Với sự đầu tư đúng đắn trong giáo dục và y tế cho thanh thiếu niên, họ có thể đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và tương lai của đất nước.
Số trẻ vị thành niên tại châu Á chiếm 58% của toàn thế giới
Ở châu Á với dân số là 4,4 tỷ người, tỷ lệ người dưới 15 tuổi là 25%, như vậy riêng châu Á có 1,1 tỷ trẻ vị thành niên, chiếm 58% số trẻ vị thành niên của toàn thế giới. Khu vực Đông Nam Á có 628 triệu dân, tỷ lệ trẻ dưới 15 tuổi là 27%, như vậy số trẻ vị thành niên là gần 170 triệu, trong đó số trẻ em gái vị thành niên khoảng 86,7 triệu.
Dân số Việt Nam năm 2015 là 91,703 triệu người, trong đó nữ là 46,449 triệu. Như vậy số trẻ trẻ em gái là rất lớn (số trẻ em gái từ 0 đến 9 tuổi là 7,25 triệu người). Nếu tính số trẻ em gái từ 0 đến 14 tuổi sẽ là 10,64 triệu. Tính thêm số vị thành niên, thanh niên trẻ, tức từ 0 đến 19 tuổi (bắt đầu tuổi kết hôn) thì tổng số trẻ em gái đến tuổi vị thành niên sẽ là 14,22 triệu người. Đây cũng là nhóm dân số lớn cần tập trung đầu tư theo chủ đề Ngày dân số Thế giới 11/7/2016. Dân số Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, mặc dù vậy trong vòng 5 năm trở lại đây, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi vẫn luôn duy trì ở mức ổn định 24%.
Đầu tư cho trẻ em gái cần đầu tư toàn diện, đây là sự đầu tư cho tương lai, mặc dù vậy đối với những nước đang phát triển như Việt Nam cũng cần lựa chọn những vấn đề ưu tiên. Giống một số nước châu Á, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và sức khỏe sinh sản cho trẻ em gái.Điều này là hết sức cần thiết, theo số liệu chính thức công bố của Tổng cục Thống kê: Tỷ lệ trẻ em gái 15 đến 19 tuổi có chồng là 9,6% (cao gấp hơn 3 lần tỷ lệ nam giới trẻ có vợ là 3,0%). Cần lưu ý là trong nhóm tuổi này đã có một tỷ lệ góa chồng là 0,1%, trong đó tỷ lệ này ở nam là 0,0%. Tỷ lệ ly hôn/ly thân của trẻ em gái là 0,2% cao gấp đôi của nam là 0,1%. Vấn đề này là rất quan trọng vì tỷ lệ kết hôn ở nhóm 15-19 tuổi trong khoảng 5 năm gần đây luôn tăng, mức độ tăng bình quân 0,26%/năm, mặc dù đã có rất nhiều chương trình nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn sớm.
Chăm sóc vị thành niên – Mối quan tâm của tất cả các quốc gia
Vị thành niên theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là những người từ 10-19 tuổi. Đối với tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam, chất lượng sống của đối tượng vị thành niên/thanh niên là một trong những mối quan tâm tất yếu, trong đó đầu tư cho trẻ em gái là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.
Tăng trình độ giáo dục, học vấn cho trẻ em là một ưu tiên quốc gia, tuy nhiên trong khi đó vẫn còn một tỷ lệ trẻ em phải sớm nghỉ học để bước vào thị trường lao động, mặc dù pháp luật không cho phép. Trên thực tế, số trẻ em gái phải nghỉ học sớm để tham gia lao động nhiều hơn nam. Về sức khoẻ sinh sản, nhiều nghiên cứu cho thấy xu hướng hoạt động tình dục đang tăng lên ở những người trẻ tuổi. Hầu hết hoạt động tình dục xảy ra ở những người cùng nhóm tuổi. Cũng có thể số vị thành niên, thanh niên đã nhận được những thông tin chưa chính xác và đầy đủ từ bạn bè hay qua các phương tiện truyền thông dẫn đến việc họ quan hệ tình dục không an toàn. Khoảng 1/5 phụ nữ trẻ có chồng sinh con trước tuổi 19, mang thai và sinh đẻ sớm. Mang thai và sinh đẻ sớm phổ biến ở nông thôn, nơi có 6,6%% phụ nữ sinh con ở nhóm 15-19 tuổi so với 1,6% ở thành thị. Sinh đẻ sớm ở người trẻ sẽ dẫn đến các nguy cơ tai biến sản khoa.
Về sử dụng tránh thai và KHHGĐ, đối với vị thành niên, thanh niên chưa lập gia đình, các nghiên cứu gần đây cho thấy hoạt động tình dục trước hôn nhân đang tăng, nhưng tỷ lệ sử dụng các BPTT ở đối tượng chưa kết hôn rất thấp. Theo Bộ Y tế, mỗi năm số trường hợp nạo thai ở vị thành niên chiến khoảng 1/5 trong tổng số các trường hợp. Điều này rõ ràng do các em không sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) an toàn hoặc ngại tìm kiếm các phương tiện KHHGĐ, thiếu điều kiện hay đơn giản là thiếu kiến thức về SKSS. Vị thành niên nữ cũng cần đặc biệt chú trọng đến các vấn đề về bệnh viêm nhiễm đường sinh sản và phòng chống HIV/AIDS.
Rất cần có một chính sách riêng về sức khỏe sinh sản vị thành niên
Lạm dụng tình dục vị thành niên nữ không chỉ là một vấn đề nghiêm trọng mà hiện nay đang có chiều hướng gia tăng và phức tạp. Năm 1996, trong số các trường hợp bị lạm dụng tình dục thì tuổi trung bình là 12,2 tuổi. Theo Bộ Công an, hiếp dâm vị thành niên tăng từ 14,8% năm 1993 lên 31% năm 1996. Mặc dù các vấn đề liên quan vị thành niên, đặc biệt là trẻ em gái đã được đề cập trong các văn bản pháp luật của Chính phủ về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, luật hôn nhân gia đình, Chương trình hành động Quốc gia về quyền trẻ em; Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có một chính sách riêng về sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực nhằm đẩy mạnh giáo dục dân số cho những người trẻ tuổi nhằm trang bị kiến thức về Dân số và Phát triển, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Ngay từ năm 2001, tại Việt Nam đã tổ chức Hội nghị về “Sức khỏe vị thành niên và phát triển” do Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới đồng chủ trì. 130 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, lập kế hoạch, quản lý chương trình, các nhà tài trợ, các nhà nghiên cứu đã thống nhất kiến nghị “Cần xây dựng và triển khai chính sách quốc gia về sức khỏe vị thành niên và phát triển, các chương trình hỗ trợ và can thiệp”.
Quĩ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) trên toàn thế giới đã nỗ lực không mỏi mệt nhằm đáp ứng quyền lợi và nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái, giúp đỡ họ duy trì danh dự, bảo hộ an sinh cho họ, và nâng cao khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản.
Những năm qua, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, UNFPA là một trong những tổ chức lớn nhất trên thế giới về thu thập dữ liệu dân số, luôn khuyến nghị các quốc gia: Cách tốt nhất để đảm bảo phát triển bền vững là mang đến một thế giới mà mỗi thai nhi đều được mong muốn, mỗi ca sinh đều an toàn, và mỗi người trẻ tuổi đều được phát huy hết tiềm năng của mình.
UNFPA luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) trên toàn thế giới đã nỗ lực không mỏi mệt nhằm đáp ứng quyền lợi và nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái, bảo hộ an sinh cho họ và nâng cao khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản.
Những năm qua, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, UNFPA là một trong những tổ chức lớn nhất trên thế giới về thu thập dữ liệu dân số, luôn khuyến nghị các quốc gia: Cách tốt nhất để đảm bảo phát triển bền vững là mang đến một thế giới mà mỗi thai nhi đều được mong muốn, mỗi ca sinh đều an toàn, và mỗi người trẻ tuổi đều được phát huy hết tiềm năng của mình.
TS. Nguyễn Quốc Anh (Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, thông tin và dữ liệu – Tổng cục DS-KHHGĐ)