Đa dạng hóa các biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả: Vì hạnh phúc của mỗi gia đình

0
164

GiadinhNet – Dân số thế giới đã tăng rất nhanh trong vòng hơn một thế kỷ qua: Gần 2 tỷ người vào cuối thế kỷ 19; Đến đầu năm 2000, đã vượt con số 5 tỷ và hiện tại dân số thế giới đã là 7,3 tỷ người, trong đó có gần 1,9 tỷ trẻ vị thành niên, thanh niên đang bước vào độ tuổi sinh đẻ. Các quốc gia đều có những chiến lược và giải pháp kinh tế- xã hội để kiểm soát mức tăng dân số; trong đó không thể thiếu vai trò của việc tuyên truyền cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về lợi ích thiết thực của việc kế hoạch hóa gia đình.

Tư vấn cho người dân các biện pháp tránh thai an toàn. Ảnh: Dương Ngọc
Tư vấn cho người dân các biện pháp tránh thai an toàn. Ảnh: Dương Ngọc

Nhu cầu tránh thai an toàn- vấn đề cấp thiết

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy hàng năm hơn 1/3 các thai kỳ ở các nước đang phát triển là thai ngoài ý muốn. Hầu hết các trường hợp mang thai ngoài ý muốn xảy ra ở những phụ nữ không sử dụng biện pháp tránh thai; tỷ lệ này ở Mỹ thời gian gần đây là 66%. Đáp ứng nhu cầu về tránh thai của phụ nữ là một vấn đề cấp thiết hiện nay.

Mỗi năm trên thế giới có hơn 100 triệu phụ nữ đã có gia đình chưa được đáp ứng về nhu cầu tránh thai, trong đó vùng Nam Á và Đông Nam Á chiếm hơn 56%, nghĩa là khoảng hơn 60 triệu phụ nữ. Khoảng 200 triệu phụ nữ từ 14- 59 tuổi trên thế giới muốn tránh thai mà chưa được sử dụng một biện pháp tránh thai và theo ước tính của Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc, nhu cầu về tránh thai sẽ tăng thêm 40% nữa trong khoảng 5 năm tới, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Tại nhiều hội nghị do Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tổ chức, các chuyên gia hàng đầu thế giới đã từng bàn về cách tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế họach hóa gia đình tại các nước đang phát triển nhằm nhấn mạnh nhu cầu về các biện pháp tránh thai cho phụ nữ.

Các chuyên gia cho hay: Nghiên cứu tại một số nước đang phát triển đã chỉ ra rằng “mỗi đô la đầu tư cho dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có thể tiết kiệm được 4 đô la chi tiêu vào chăm sóc trước sinh, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh”.

Nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam

Tại Việt Nam, chiến lược Dân số Việt Nam do Chính phủ phê duyệt đã được thực hiện khá thành công. Trong chiến lược này, có một giải pháp quan trọng ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế họach hóa gia đình là “Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng có thai ngoài ý muốn”. Theo Tổng cục Thống kê về Điều tra biến động dân số và KHHGĐ: Tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai tại Việt Nam ngày càng tăng, trong đó số phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại cũng tăng dần. Hệ thống y tế Việt Nam hiện cung cấp đầy đủ các biện pháp tránh thai hiện đại bao gồm biện pháp tạm thời và biện pháp vĩnh viễn.

Đa dạng hoá các biện pháp tránh thai để tăng thêm nhiều lựa chọn cho người phụ nữ luôn được khuyến khích trong Chương trình dân số – kế hoạch hoá gia đình. Trên thực tế, ngày càng có nhiều sự lựa chọn về biện pháp tránh thai cho người dân. Các biện pháp tránh thai càng về sau càng có nhiều ưu điểm như an toàn, hiệu quả cao, có thể hồi phục tốt khả năng sinh sản sau khi ngưng dùng, nhiều dạng hàm lượng và nhiều đường dùng khác nhau phù hợp ý thích mỗi phụ nữ.

Trong vài năm gần đây, que cấy tránh thai đã được nhiều phụ nữ Việt Nam lựa chọn. Thị trường nước ta hiện nay cũng đã có miếng dán ngừa thai, mang đến nhiều lựa chọn về đường dùng thuốc tránh thai cho phụ nữ. Đặc biệt các thuốc tránh thai nhóm nội tiết luôn chú trọng đến việc tăng các lợi ích ngoài tránh thai như bảo vệ cơ thể chống lại một số ung thư như ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng; ngừa và điều trị mụn trứng cá; làm đẹp da; không gây tăng cân.

Với rất nhiều biện pháp tránh thai ngày nay, mỗi người hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để đảm bảo cuộc sống gia đình hạnh phúc và ổn định, góp phần vào sự thành công của Chương trình dân số – kế hoạch hóa gia đình của cả nước và mục tiêu kiểm soát mức tăng dân số của thế giới.

Ngoài lợi ích về việc bảo vệ sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình còn có quan hệ mật thiết với sự thịnh vượng của từng gia đình, từng quốc gia và của cả thế giới.

Lợi ích kinh tế đối với những nước có các chương trình kế hoạch hóa gia đình mạnh mẽ là hết sức to lớn. Người dân đang chuyển dịch từ mô hình gia đình lớn – tuổi thọ ngắn sang gia đình nhỏ – tuổi thọ dài, chúng ta cần nhớ rằng 3 yếu tố này – sức khỏe, qui mô gia đình và sự giàu có – là không thể tách rời. Điều này được lý giải phần nào bởi hiện tượng được gọi là “giá trị thặng dư nhân khẩu”, và đây là cách nó diễn ra: Sau một thời gian tỷ lệ sinh đẻ giảm thấp trong dân số (như khi áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và phụ nữ cùng các gia đình bắt đầu chọn sinh ít con hơn), có một “thời gian vàng” trong đó số người lớn trong độ tuổi lao động tăng nhanh hơn so với số người không trong độ tuổi lao động phải sống phụ thuộc vào họ. Nếu một nước có sự chuẩn bị sẵn sàng (ví dụ như bằng cách đảm bảo đủ việc làm cho những người trong độ tuổi lao động), thì họ có thể nằm bắt “thời gian vàng” này để phát triển kinh tế, giải phóng các nguồn lực và sử dụng chúng để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết khác.

Những lý do nên thực hiện KHHGĐ

– Thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình sẽ làm giảm được số sinh, giảm được tử vong mẹ do sinh nhiều và phá thai ngoài kế hoạch, giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh và trẻ em, giảm tỉ lệ vô sinh và mang thai ngoài tử cung.

– Việc kế hoạch hóa gia đình nhằm giải phóng phụ nữ làm nhẹ gánh nặng gia đình, có điều kiện tham gia vào các công tác xã hội, chăm sóc nuôi dưỡng con cái tốt hơn làm cho cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

– Đối với thanh thiếu niên, kế hoạch hóa gia đình cung cấp cho họ thông tin về giới và giới tính, kiến thức về sức khỏe sinh sản, giáo dục họ về vấn đề tình dục an toàn, đề phòng có thai ngoài ý muốn, phòng tránh các bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm HIV/AIDS, giúp cho thanh thiếu niên có khả năng học tập, lao động, tăng chất lượng cuộc sống.

– Đối với các cặp vợ chồng, kế hoạch hóa gia đình giúp họ sinh đẻ theo kế hoạch phù hợp với hoàn cảnh của họ để có điều kiện học tập, công tác, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, giữ gìn sức khoẻ cho mẹ, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hạnh phúc gia đình.

– Đối với những người từ 40 tuổi trở lên, kế hoạch hóa gia đình giúp họ hiểu được nếu sinh con ở lứa tuổi này sẽ tăng tỷ lệ bất thường cho trẻ em, tăng nguy cơ tử vong, bệnh lý cho cả mẹ và con. Người mẹ bị mất sức, sẽ giảm khả năng lao động, giảm tuổi thọ, giảm chất lượng sống.

– Kế hoạch hóa gia đình hướng dẫn mọi người lựa chọn tuổi sinh đẻ phù hợp: Tuổi tốt nhất và hợp lý nhất để sinh đẻ là từ 22 đến 35 tuổi bởi vì ở lứa tuổi này người phụ nữ đã phát triển đầy đủ về thể chất, đã ổn định việc làm cũng như đã có những kiến thức về xã hội và trong cuộc sống gia đình.

– Kế hoạch hóa gia đình hướng dẫn mọi người lựa chọn số con mong muốn và khoảng cách giữa các lần sinh.

Những lý do trên đây là định hướng tốt để mỗi chúng ta xây dựng tốt chiến lược kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

P.Nam

ThS. BS. Ngô Thị Yên