Chăm sóc, bảo vệ trẻ em gái: Trách nhiệm của cả cộng đồng

0
90

GiadinhNet – Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là các bé gái trong độ tuổi vị thành niên xảy ra khiến dư luận rất bức xúc. Một trong những vấn đề được đề cập, là làm thế nào để bảo vệ trẻ và để trẻ biết cách tự bảo vệ mình?

Hồn nhiên. Ảnh: Chí Cường
Hồn nhiên. Ảnh: Chí Cường

Để tất cả trẻ em gái có tuổi thơ an lành, trọn vẹn

Một nữ học sinh lớp 5 đang học bán trú tại Sa Pa, Lào Cai bất thình lình bỏ về nhà và kiên quyết không chịu đi học tiếp, nguyên nhân được xác minh là do thầy giáo em đã thường xuyên giở trò đồi bại. Cũng ở Lào Cai, ngày 30/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Mường Khương đã khởi tố, tạm giam Đỗ Văn Nam (35 tuổi, nhân viên bảo vệ một trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học) về tội dâm ô trẻ em, hầu hết có độ tuổi 9-11, đang học lớp 3 đến lớp 5 của trường. Sự việc diễn ra trong suốt một thời gian dài. Còn tại Cà Mau, một giáo viên đã bị buộc thôi việc sau khi lấy cắp đề thi của trường rồi nhắn tin gạ tình 7 nữ sinh lớp 12…

Đó chỉ là một vài trong số hàng nghìn vụ xâm hại tình dục đã xảy ra. Số liệu tại cuộc tọa đàm Chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua cho thấy, trong 5 năm (2011-2015), trong số 8.200 vụ xâm hại nói chung, có tới 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em (chiếm 65%). Số vụ xâm hại tăng từng năm và nhiều con số khác khiến chính các bậc cha mẹ phải giật mình.

Số liệu thống kê của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho thấy, trẻ bị người thân quen xâm hại rất cao (93%), độ tuổi trung bình của trẻ bị xâm hại là 9 tuổi.

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), nhiều phụ huynh vẫn chưa nhận thức đầy đủ nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em, dẫn đến mất cảnh giác. Qua nghiên cứu, 90% kẻ xâm hại tình dục trẻ em là người gần gũi, quen biết (người quen của bố mẹ, hàng xóm, họ hàng, thầy giáo, bố đẻ, bố dượng). Từ góc độ của một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về bảo vệ trẻ em, ông Nguyễn Trọng An (nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH) cho rằng số liệu thống kê nói trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.

Thực tế, những vụ trẻ em bị xâm hại tình dục đều để lại hậu quả rất nặng nề. Người bị hại không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sợ hãi và sự ám ảnh, đặc biệt là các em gái nhỏ tuổi rất khó hòa nhập lại với cộng đồng. Báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao cho thấy trong nhiều trường hợp, các bé gái sau khi bị xâm hại tình dục do lo sợ bị trả thù vì bị đe dọa và sự thiếu quan tâm, chăm sóc của người lớn đã không dám lên tiếng tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của kẻ xâm hại, từ đó các em lại bị xâm hại nhiều lần. Có trường hợp mặc dù các cháu bé là người bị hại đã kể lại chuyện bị người khác xâm hại tình dục cho người lớn nghe nhưng người lớn lại thờ ơ, coi nhẹ tính chất nghiêm trọng của sự việc hoặc có thái độ bao che cho hành vi vi phạm của người thân.

Dạy cho trẻ lớp 5 biết cách phòng chống xâm hại

Tại Hà Nội, ngành Giáo dục đã thí điểm dạy cho trẻ em lớp 5 biết cách phòng, chống xâm hại. Ảnh: Chí Cường
Tại Hà Nội, ngành Giáo dục đã thí điểm dạy cho trẻ em lớp 5 biết cách phòng, chống xâm hại. Ảnh: Chí Cường

Tại Hà Nội, từ 2 năm nay (2015-2016), tại 13 trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, 2.546 em học sinh của 56 lớp khối lớp 5 đã được giảng dạy về chăm sóc vệ sinh cơ thể, phòng chống xâm hại/lạm dụng trẻ em. ThS Trương Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Hoàn Kiếm cho biết, đây là chương trình phối hợp giữa Trung tâm DS-KHHGĐ, Phòng GD&ĐT và Phòng LĐ,TB&XH quận Hoàn Kiếm. Đối với Hà Nội nói riêng và toàn miền Bắc nói chung, quận Hoàn Kiếm là đơn vị thí điểm đầu tiên và triển khai liên tiếp 2 năm, nhưng đã được một số tỉnh, thành như TP HCM thực hiện từ lâu.

ThS Kim Hoa chia sẻ, mục tiêu của chương trình là đưa tới các học sinh kiến thức cơ bản nhất về chăm sóc, vệ sinh, bảo vệ cơ thể, dấu hiệu bình thường – bất thường trong quá trình phát triển và cung cấp kỹ năng phòng, chống, xử lý trước nguy cơ bị xâm hại tình dục. Đồng thời, chương trình mong muốn sẽ nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của nhà trường và gia đình đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ngăn ngừa và giảm thiểu số trường hợp xâm hại, lạm dụng trẻ em. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức của gia đình và người thân về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh lớp 5 như cách ứng xử, thực hành đúng đắn trước các vấn đề về sức khỏe sinh sản trước tuổi dậy thì, tâm sinh lý lứa tuổi này.

Chị Võ Quỳnh Anh, cán bộ thuộc Trung tâm Dân số – KHHGĐ quận Hoàn Kiếm – người trực tiếp “đứng lớp” mỗi tiết học tại các trường tiểu học trong chương trình cho biết: Mỗi lớp sẽ có một tiết học (45 phút), các em sẽ được giới thiệu về giới tính, dấu hiệu của tuổi dậy thì, cách vệ sinh vùng kín, cơ thể, cách phòng chống xâm hại tình dục trẻ em… “Lúc đầu, khi chúng tôi chiếu hình ảnh cơ thể người hay các vùng kín lên bảng, các em rất xấu hổ. Có em còn ôm mặt hét lên. Nhưng chính những bài giảng bằng hình ảnh trực quan, qua máy chiếu, hoặc thậm chí qua những câu chuyện có thật, khiến các em dễ hiểu, dễ nhớ và thích thú vì thấy bổ ích” – chị Quỳnh Anh chia sẻ..

Từng tham dự và tâm đắc với tiết học trong chương trình, cô Ngô Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Nhật Duật cho rằng, sức khoẻ sinh sản, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề khá tế nhị và phải khéo léo giáo dục cho trẻ. Các phụ huynh và ngay cả giáo viên, bị ảnh hưởng của quan niệm xã hội nên đôi khi né tránh chia sẻ với trẻ nhỏ. Qua chương trình học, những giờ nói chuyện với giáo viên hay xem tivi, đọc sách báo, các học sinh có thể được tiếp cận nhưng chỉ sơ qua.

Nỗ lực của ngành Giáo dục

Được biết, trong năm 2017, chương trình giảng dạy về chăm sóc vệ sinh cơ thể, phòng chống xâm hại/lạm dụng trẻ em sẽ được quận Hoàn Kiếm duy trì triển khai cho học sinh lớp 5 tại các trường tiểu học trên địa bàn quận. Ngoài ra, theo kế hoạch, vào tháng 9-10/2016, quận sẽ tổ chức tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh các trường THCS trên địa bàn quận, trong đó lồng ghép nội dung về phòng chống xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em.

Thu Nguyên