Một mô hình, hai lợi ích

0
113

GiadinhNet – Không chỉ giúp phương án dự phòng ba cấp của ngành Dân số đạt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số đầu đời, cải thiện chất lượng giống nòi, những năm qua, mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân còn góp phần đảm bảo quyền của trẻ vị thành niên, đặc biệt là trẻ em gái từ 15-19 tuổi.

“Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên” - một mô hình do ngành Dân số triển khai rất cần được nhân rộng. Ảnh: Dương Ngọc
“Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên” – một mô hình do ngành Dân số triển khai rất cần được nhân rộng. Ảnh: Dương Ngọc

“Mưa dầm thấm lâu”

Đang chạy xe gắn máy nhưng Ngô Đức Tiên, người phụ trách 4 Câu lạc bộ Tiền hôn nhân (CLB THN) thuộc trường ĐH Kinh tế TP.HCM, phải dừng xe tấp lề để nghe. Hóa ra đó là cú phone của một cựu sinh viên, người cũng từng sinh hoạt trong CLB THN, để hỏi thăm về nơi khám sức khỏe THN vì sắp kết hôn. Vậy là Tiên “làm luôn một lèo” tư vấn các địa chỉ khám sức khỏe THN dành cho nam, dành cho nữ để chàng trai trẻ sắp kết hôn kia lựa chọn phù hợp. Với Tiên, đây là chuyện thường xuyên như “ăn cơm bữa”, bởi tác dụng “mưa dầm thấm lâu” của mô hình CLB THN.

“Các CLB sinh hoạt một lần trong tháng, đề cập chủ yếu đến sự cần thiết của khám sức khỏe THN cho cả nam lẫn nữ. Mỗi CLB có khoảng 50 thành viên, nữ nhiều hơn nam, đều nghe và hiểu lý do tại sao cần thiết, nhưng chi tiết thì khó mà nhớ. Vả lại thời điểm còn ngồi ghế nhà trường thì chưa dính đến chuyện kết hôn nên nghe vậy, biết vậy rồi để đó thôi. Đến khi ra trường và chuẩn bị kết hôn thì những thành viên này mới quay lại hỏi thăm chi tiết để thực hiện. Qua nhiều năm duy trì CLB THN, số người hỏi chi tiết để khám sức khỏe THN ngày càng nhiều hơn. Không chỉ những cựu thành viên CLB mà còn người thân, bạn bè của họ nữa. Có lẽ những người từng tham gia sinh hoạt CLB THN đã chủ động truyền thông, lan tỏa thông tin về vấn đề này”, Ngô Đức Tiên chia sẻ thêm.

Theo số liệu từ Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM, tính đến hết năm 2015 có tổng cộng 265 CLB THN tại 24 quận/huyện, trong đó có trường ĐH Kinh tế, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi và Trường THPT Phú Nhuận, với tổng số thành viên 7.763 người. Các CLB THN là một phần của Mô hình tư vấn – khám sức khỏe THN mà ngành Dân số cả nước đang nỗ lực thực hiện.

BS Đặng Phi Yến, Trưởng phòng Truyền thông thuộc Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM cho hay: Hoạt động của các CLB THN là một trong những hình thức khá hiệu quả nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết về chăm sóc SKSS-THN để nâng cao chất lượng dân số đối với trẻ trai, trẻ gái vị thành niên (15-19 tuổi) và thanh niên nam nữ chuẩn bị kết hôn. Sinh hoạt tại các CLB THN giúp cả vị thành niên lẫn thanh niên nâng cao kiến thức, nhận thức, có thái độ tích cực và chuyển đổi hành vi về SKSS-THN, đặc biệt là khám sức khoẻ trước khi kết hôn.

Dự phòng ba cấp

Tư vấn chăm sóc SKSS tiền hôn nhân cho người dân. Ảnh: Dương Ngọc
Tư vấn chăm sóc SKSS tiền hôn nhân cho người dân. Ảnh: Dương Ngọc

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, mối quan tâm hàng đầu của ngành Dân số hiện nay chính là nâng cao chất lượng dân số. Trong lĩnh vực của mình, ngành Dân số đảm trách nâng cao chất lượng dân số đầu đời nhằm cải thiện chất lượng giống nòi. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, ngành Dân số đề ra phương án dự phòng 3 cấp: Cấp 1 là tư vấn-khám sức khỏe THN để thanh niên nam nữ sắp kết hôn nhận biết và phòng tránh các rủi ro liên quan đến sức khỏe sinh sản, hạn chế thấp nhất các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái. Cấp 2 là sàng lọc trước sinh, tức là kiểm tra nhằm phát hiện sớm các tật, bệnh của thai nhi để đưa ra các cảnh báo cũng như biện pháp xử lý kịp thời, thỏa đáng. Cấp 3 là sàng lọc sau sinh, tức là kiểm tra tình trạng tật, bệnh của em bé ngay khi chào đời. Nếu thực hiện đầy đủ 3 cấp dự phòng nói trên, ngành Dân số tin rằng chất lượng dân số đầu đời của Việt Nam sẽ nhanh chóng nâng cao và thực tế cũng đã kiểm chứng phương án dự phòng 3 cấp đã mang lại hiệu quả.

Tại TP.HCM, số liệu từ Chi cục DS-KHHGĐ cho thấy hồi năm 2015 địa phương này dẫn đầu các tỉnh/thành về tỷ lệ sàng lọc trước sinh đối với thai phụ (61,4%) và sàng lọc sơ sinh đối với em bé vừa chào đời (77,67%). Riêng Mô hình tư vấn – khám sức khỏe THN, tức phương án dự phòng cấp 1, hồi năm 2015 chính quyền TP.HCM này đã đầu tư thêm 734 triệu đồng từ ngân sách địa phương (cộng với 88 triệu đồng từ ngân sách TW) để Chi cục DS-KHHGĐ triển khai hoạt động. Nhờ nguồn lực này cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị trên toàn địa bàn, Mô hình tư vấn – khám sức khỏe THN đã gặt hái nhiều thành quả, góp phần kéo theo sự gia tăng về số lượng đối với sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, đảm bảo hiệu quả của phương án dự phòng 3 cấp để nâng cao chất lượng dân số đầu đời.

Lợi ích kép

Không chỉ giúp phương án dự phòng 3 cấp đạt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số đầu đời, Mô hình tư vấn – khám sức khỏe THN của ngành Dân số còn là một trong số ít giải pháp đảm bảo quyền lợi của trẻ vị thành niên, đặc biệt là trẻ em gái từ 15-19 tuổi.

Trong Mô hình tư vấn – khám sức khỏe THN, một nội dung quan trọng được ngành Dân số cả nước thực hiện là tư vấn và khám sức khỏe sinh sản đối với trẻ vị thành niên, tức là đảm bảo quyền được chăm lo và bảo vệ đối với trẻ em gái vị thành niên. Trong một tài liệu được phát hành bởi Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) với chủ đề “Tuổi vị thành niên: Tuổi của cơ hội”, đã đề cập đến quyền của trẻ vị thành niên bao gồm y tế, giáo dục, được bảo vệ và được tham gia mọi hoạt động trong đời sống với cơ hội ngang bằng về giới.

Liên quan đến quyền về y tế của trẻ vị thành niên, UNICEF đề cập đến 5 vấn đề cụ thể, bao gồm dinh dưỡng, sức khỏe tình dục và sinh sản, HIV/AIDS, sức khỏe tâm thần, khuyết tật. UNICEF cũng kêu gọi các quốc gia cấp thiết đầu tư vào trẻ vị thành niên và cùng hành động vì đối tượng được xem là “tương lai của thế giới” này. UNICEF cũng cảnh báo tình trạng trẻ vị thành niên bị xã hội, cộng đồng, thậm chí là những nhà hoạch định chính sách “bỏ lơ” tại một số quốc gia. Trước thực trạng đó, có thể nói Mô hình tư vấn – khám sức khỏe THN mà ngành Dân số cả nước đang nỗ lực thực hiện là mô hình lợi ích kép hiếm hoi, đặc biệt đối với trẻ em gái vị thành niên.

Trong năm 2016, chính quyền TP.HCM tiếp tục đầu tư 760,2 triệu đồng, cùng với ngân sách Trung ương 88 triệu đồng, giúp Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động của Mô hình tư vấn- khám sức khỏe THN.

“Tuổi vị thành niên- Tuổi của cơ hội”

Trong một tài liệu được phát hành bởi Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) với chủ đề “Tuổi vị thành niên: Tuổi của cơ hội”, đã đề cập đến quyền của trẻ vị thành niên bao gồm y tế, giáo dục, được bảo vệ và được tham gia mọi hoạt động trong đời sống với cơ hội ngang bằng về giới.

Liên quan đến quyền về y tế của trẻ vị thành niên, UNICEF đề cập đến 5 vấn đề cụ thể, bao gồm dinh dưỡng, sức khỏe tình dục và sinh sản, HIV/AIDS, sức khỏe tâm thần, khuyết tật. UNICEF cũng kêu gọi các quốc gia cấp thiết đầu tư vào trẻ vị thành niên và cùng hành động vì đối tượng được xem là “tương lai của thế giới” này. UNICEF cũng cảnh báo tình trạng trẻ vị thành niên bị xã hội, cộng đồng, thậm chí là những nhà hoạch định chính sách “bỏ lơ” tại một số quốc gia.

Thanh Giang