Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ: “Vì giá trị bình đẳng, vì sự tiến bộ của xã hội”

0
100

GiadinhNet – “Trẻ em gái hôm nay sẽ là những bà mẹ trong tương lai, đầu tư cho người mẹ cũng chính là đầu tư cho một thế hệ tương lai tốt đẹp hơn. Các em được chăm sóc tốt về mặt thể chất, được học hành, trang bị vốn kiến thức cũng như có nghề nghiệp ổn định, có nguồn thu nhập độc lập sẽ có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn khi trưởng thành”. Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ chia sẻ về vấn đề này với PV Báo GĐ&XH nhân Ngày Dân số Thế giới 11/7/2016.


Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ. Ảnh: Chí Cường

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ. Ảnh: Chí Cường

“Đầu tư cho trẻ em gái chính là đầu tư cho thế hệ tương lai”

Xin ông cho biết ý nghĩa của việc lựa chọn chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên” để kỷ niệm ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay?

– “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên” là chủ đề hướng toàn xã hội tập trung vào một nhóm dân số dễ bị tổn thương, đó là các trẻ em gái vị thành niên. Lý do để chọn chủ đề này năm nay: Thứ nhất, các em là đối tượng dễ bị lạm dụng về vấn đề sức khỏe sinh sản (SKSS), dễ bị bỏ ra ngoài lề của những chương trình chính thức, kể cả chương trình chăm sóc SKSS nói chung. Đây cũng là những đối tượng nằm trong nhóm dễ bị thiệt thòi trong xã hội đặc biệt là ở những nước còn đặt nặng định kiến giới, bị ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo.

Thứ hai, đầu tư cho trẻ em gái chính là đầu tư cho một xã hội tiến bộ hơn, một xã hội đặt ra những giá trị bình đẳng giữa nam và nữ, giữa trẻ em trai và trẻ em gái. Chúng ta không thể xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng, dân chủ, văn minh nếu như phụ nữ nói chung và trẻ em gái nói riêng không được hưởng tất cả những quyền được chăm sóc của mình.

Thứ ba, những trẻ em gái hôm nay sẽ là những bà mẹ trong tương lai. Những người mẹ được chăm sóc tốt về mặt thể chất, được học hành, trang bị vốn kiến thức cũng như có nghề nghiệp ổn định, có nguồn thu nhập độc lập sẽ có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn, khi trưởng thành. Chính vì thế, đầu tư cho trẻ em gái chính là đầu tư cho thế hệ tương lai.

Với tất cả những ý nghĩa đó, tôi nghĩ rằng “đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên” là một trong những công việc mà các Chính phủ, các tổ chức cần phải tham gia để nâng cao vị thế của phụ nữ, trao quyền cho phụ nữ nói chung và chăm sóc đầy đủ hơn nữa cho trẻ em gái để không có trẻ em gái nào phải đứng ngoài lề các chương trình nghị sự phấn đấu cho sự tiến bộ xã hội.

Trong những năm qua, Tổng cục DS-KHHGĐ đã có những hoạt động gì trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em gái vị thành niên, thưa ông?

– Với ý nghĩa đầu tư cho thế hệ tương lai đối với trẻ em gái vị thành niên, trong những năm qua, chúng ta đã tập trung vào một số việc. Trước hết là công tác truyền thông, giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo là một trong những cơ quan tham gia tích cực vào chương trình chăm sóc sức khỏe vị thành niên/vị thành niên (VTN/TN) thông qua việc đưa các kiến thức giáo dục giới tính, giáo dục về đời sống gia đình vào trong chương trình học tập, lồng ghép vào trong các bộ môn học ở trường; trang bị kiến thức về giới, bình đẳng giới cho trẻ em gái; tổ chức biên soạn tài liệu, dạy học, giáo dục cũng như đào tạo đội ngũ giáo viên để nâng cao kiến thức về SKSS, bình đẳng giới đối với học sinh, sinh viên nói chung và trẻ em gái nói riêng.

Trong công tác truyền thông, chúng ta cũng tổ chức rất nhiều câu lạc bộ, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền trên báo chí, sách báo nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi cách nhìn của xã hội đối với vai trò của phụ nữ nói chung và trẻ em gái nói riêng. Cung cấp cho các đối tượng này những kiến thức về chăm sóc SKSS, bao gồm những kỹ năng phòng ngừa có thai ngoài ý muốn, phòng chống HIV/AIDS.

Ngoài ra, tăng cường cung cấp các phương tiện tránh thai đối với vị thành niên thông qua việc mở rộng chương trình tiếp thị xã hội và đưa các phương tiện tránh thai bán rộng rãi trên thị trường với giá phù hợp để vị thành niên có thể tiếp cận được. Đồng thời xây dựng một loạt các cơ sở cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ thân thiện với VTN/TN.

Trong những năm sắp tới, những vấn đề trên sẽ được đưa vào dự thảo Luật Dân số, được quy định rõ ràng trong các điều khoản quy định quyền được chăm sóc SKSS/KHHGĐ đối với VTN/TN. Quy định rõ trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS cho VTN/TN.

Đó là những nội dung chúng ta đã làm và cần phải làm mạnh hơn nữa trong tương lai để VTN/TN nói chung và trẻ em gái nói riêng được trang bị kiến thức, có đầy đủ điều kiện tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Bảo vệ, nâng cao vị thế và quyền của trẻ em gái

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: Dương Ngọc
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: Dương Ngọc

Hiện nay, thực trạng công tác chăm sóc SKSS cho VTN/TN đang gặp khó khăn gì? Theo ông, những rào cản nào làm ảnh hưởng đến công tác này?

– Những cuộc điều tra về VTN/TN cho thấy, chúng ta đang gặp những khó khăn sau:

Thứ nhất, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản của VTN/TN chưa được đầy đủ. Vẫn còn nhiều trẻ VTN/TN chưa có hiểu biết về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bản thân.

Thứ hai, trong bối cảnh giao lưu và hội nhập ngày càng rộng rãi, trong đó, việc giao lưu về mặt văn hóa ngày càng cởi mở hơn, VTN/TN có quan niệm “thoáng” hơn trong vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Thứ ba, khả năng tiếp cận của VTN/TN với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản khó khăn hơn các đối tượng khác. Sự khó khăn này có phần do định kiến của xã hội nói chung, định kiến của cha mẹ VTN/TN nói riêng trong việc cho con em tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (quan niệm sai lầm rằng cho tiếp cận sớm với những dịch vụ này sẽ hư hỏng sớm…).

Cả ba nguyên nhân trên tạo ra rào cản cho VTN/TN trong việc tiếp cận kiến thức, dịch vụ chăm sóc SKSS cũng như phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng HIV/AIDS.

Tuy nhiên, với những nỗ lực đã làm được, chúng ta thấy rằng, nhận thức cũng như hành vi của VTN/TN đã có những chuyến biến tích cực. Chính vì thế, mặc dù chưa đạt được như kỳ vọng nhưng việc có thai ngoài ý muốn và phá thai trong lứa tuổi VTN/TN trong những năm vừa qua có xu hướng giảm xuống.

Để giúp cho VTN/TN nói chung và trẻ em gái vị thành niên nói riêng có được sự quan tâm, hỗ trợ tốt nhất, Tổng cục DS-KHHGĐ sẽ có những giải pháp nào trong thời gian tới, thưa ông?

– Tổng cục DS-KHHGĐ nhận thức rõ đây là nhiệm vụ phải làm, trong thời gian tới, cần phải phối hợp với tất cả các cơ quan đẩy mạnh việc chăm sóc SKSS cho VTN/TN thông qua các giải pháp như truyền thông thay đổi hành vi; Tạo điều kiện cho VTN/TN nói chung, trong đó có trẻ em gái vị thành niên tiếp cận được những dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ thân thiện đối với VTN/TN với chi phí phù hợp; Tăng cường những chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho sự nghiệp học hành, phát triển cá nhân cho trẻ em gái…

Những giải pháp trên sẽ giúp VTN/TN được bảo vệ, được sống trong môi trường lành mạnh hơn, hướng đến việc nâng cao vị thế và quyền của trẻ em gái cũng như công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho trẻ em gái được tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

UNFPA và những hành động hết sức ý nghĩa

“Trong sự nghiệp dân số nói chung và việc quan tâm, đầu tư cho trẻ em gái nói riêng, chúng ta cũng nhận được sự giúp đỡ về mặt tài chính cũng như kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các nước và đặc biệt là của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA).

UNFPA đã hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi; hỗ trợ trong việc xây dựng các đề án, chính sách để nâng cao hơn nữa các kiến thức, hiểu biết cho VTN/TN; tạo điều kiện cho VTN/TN có thể tiếp cận những dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ thân thiện với chi phí phù hợp. Mong rằng trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục nhận được sự đầu tư, hỗ trợ ngày càng thiết thực, ý nghĩa của UNFPA, các tổ chức nước ngoài, chính phủ các nước trong lĩnh vực này…”.

Một trong những khía cạnh chúng ta không thể không chú ý đến, đó là thực trạng lựa chọn giới tính thai nhi dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Việc thích sinh nhiều con trai hơn dẫn đến sự thiếu hụt trẻ em gái và hệ quả trong tương lai là thiếu hụt phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Việc dư thừa nam giới, thiếu hụt phụ nữ dẫn đến rất nhiều những hệ lụy như các trẻ em gái phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Đó là thời gian dành cho học tập rất có thể sẽ bị ảnh hưởng, thời gian dành cho sự chuẩn bị cho tương lai rất dễ bị tác động; vấn nạn buôn bán trẻ em gái, buôn bán phụ nữ, hoạt động mại dâm tăng lên…

Hà Thư (thực hiện)