Xóa bỏ bất bình đẳng giới từ những điều nhỏ nhất

0
262

GiadinhNet – Việt Nam đã có rất nhiều hành động nhằm giảm bớt sự kỳ thị và bất bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ. Những hành động này đã được thể chế hóa thành chính sách nhà nước, thành văn bản luật, đơn cử như Luật Bình đẳng giới được ban hành năm 2006 và Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn nhiều khó khăn. Trước hết là do thái độ, nhận thức hành vi của một số người còn mang tính định kiến về giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn khá nặng nề.

Trẻ thơ Hà Nội trong ngày khai giảng. Ảnh: Chí Cường
Trẻ thơ Hà Nội trong ngày khai giảng. Ảnh: Chí Cường

Nam giới làm khoa học, nữ giới chỉ may vá, nội trợ ?!

Thực tế, nhiều người có định kiến về giới mà vô tình không biết. Chị Nguyễn Thị Nguyệt (Hà Đông, Hà Nội) sinh đôi một trai, một gái. Chồng chị là con một, lại sống chung với bố mẹ chồng nên khi hai cháu ra đời, mọi sự quan tâm của ông bà đều dành hết cho đứa cháu trai. Bản thân chị Nguyệt cũng thường hay sai con gái làm mấy việc lặt vặt như quét nhà, phụ mẹ nấu cơm, đôi lúc cầm giúp mẹ một vài thứ… chứ ít khi sai con trai làm vì chỉ đơn giản “con trai đâu cần vào bếp, lớn lên sẽ có vợ lo”(?!). Nếu con gái có làm sai chị lại mắng để cháu làm lại. Có lần con nhỡ đánh rơi cái cốc, chị liền mắng con một trận khiến cháu khóc thút thít.

Chị không ngờ rằng, chính sự vô tâm và chuyện tưởng “nhỏ nhặt” ấy đã làm tổn thương đứa con gái quá “nhạy cảm” của mình.Một lần tình cờ đọc được cuốn nhật ký của con gái với từng câu, từng chữ đều thể hiện sự giận hờn với mẹ đã không đối xử công bằng, chị mới nhận ra mình đang đối xử bất bình đẳng giữa hai đứa con. Cô bé viết: “Con gái thì cũng là con của bố mẹ mà tại sao cả nhà luôn yêu quý anh, không bắt anh phải làm bất cứ việc gì. Tại sao con bé hơn anh mà con luôn phải nhường anh. Con ghét mẹ nhiều lắm”…

Định kiến đó không chỉ tồn tại trong một bộ phận gia đình mà còn thể hiện ngay cả môi trường giáo dục. Ở trường học, ngay trong các giờ học trên lớp, nhiều thầy cô luôn nhờ các em nữ lên xóa bảng hay đi giặt giẻ lau chứ hiếm thấy nhờ em nam? Rồi ngay cả trong sách giáo khoa tiểu học cũng không ít các hình ảnh minh họa dạy trẻ phải biết làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ như quét nhà, nhặt rau… phải là hình ảnh bé gái(?).

Chính những điều tưởng chừng đơn giản như vậy đã khiến cho trẻ hình thành lối suy nghĩ không tích cực ngay từ khi còn bé. Các trẻ nam mặc nhiên cho rằng: “Việc giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà là việc của con gái mà không phải việc của mình.”

Rất cần sự thay đổi

PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, dân số, môi trường và các vấn đề xã hội (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) tham gia nghiên cứu về vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục nhiều năm chia sẻ: “Sách giáo khoa hiện nay có nhiều hình ảnh gây bất bình đẳng. Theo khảo sát của chúng tôi ở 3 cuốn sách Tự nhiên xã hội lớp 1, Giáo dục công dân lớp 6 và lớp 10 đã cho thấy rất nhiều bài viết, hình ảnh mang nặng định kiến giới. Hình ảnh người phụ nữ, trẻ em gái thường gắn với việc lau nhà, rửa bát, đi chợ… còn việc đá bóng, vi phạm Luật giao thông, chơi bời, xem ti vi thì nhất thiết là hình bé trai và bố.

Hay những câu chuyện về vị anh hùng này, anh hùng kia trong cuốn sách lịch sử, hầu hết là nam giới trong khi đó nữ giới cũng có rất nhiều nhân vật anh hùng… Sách văn học cũng vậy, các câu ca dao tục ngữ thường nói về thân phận hẩm hiu, khổ sở của phụ nữ quá nhiều. Chẳng hạn, sách Ngữ văn lớp 10 có tới 2 đoạn nàng Kiều than thân, gây ra cái nhìn nặng nề, tăm tối về thân phận phụ nữ. Hình tượng Người con gái Nam Xương, Mị (Vợ chồng A Phủ), người đàn bà làng chài (Chiếc thuyền ngoài xa)… cũng có số phận buồn, thể hiện sự bất công trong xã hội.

Những nội dung, hình ảnh đó cũng phản ảnh vị thế, vai trò phụ nữ luôn ở thế yếu, phụ thuộc nam giới. Nam giới là nhân vật chủ động, trụ cột gia đình, dũng cảm, hoạt động ngoài xã hội, người đạt trình độ chuyên môn cao như nhà khoa học, bác sỹ… Còn phụ nữ chỉ là người làm công việc đơn giản, gắn với nội trợ chăm sóc, con cái… Chính những hình ảnh này tạo ra định kiến về giới tính trong nhận thức của học sinh, dẫn đến sự bất bình đẳng giới trong gia đình và xã hội.

“Một đứa trẻ lớn lên được dạy rằng, đàn ông sinh ra là để lo việc lớn, việc nội trợ nhỏ nhặt, tầm thường, rửa bát, nấu cơm,.. là việc của người phụ nữ sẽ ngấm sâu vào tiềm thức trong suốt cả quá trình nó lớn lên. Hình ảnh này sẽ tác động mạnh đến não của các em học sinh, theo thời gian nó trở thành định kiến một cách rất tự nhiên. Từ sách vở, việc áp dụng định kiến đó vào thực tế cuộc sống của các em cũng tự nhiên như thế. Định kiến đó lại được truyền lại cho các thế hệ sau như lẽ đương nhiên” – PGS.TS Thịnh nhấn mạnh.

Nâng cao bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái

Để góp phần nâng cao vị thế của trẻ em gái, xóa bỏ bất bình đẳng giới, theo PGS.TS Hoàng Bá Thịnh cho rằng, sách giáo khoa cần có sự thay đổi về hình ảnh minh họa. Trong sách giáo khoa lớp 1 không chỉ có hình ảnh cô giáo mà cần cả hình ảnh thầy giáo. Trong các tranh về học sinh cũng cần cân bằng bé trai, bé gái. Tăng thêm hình ảnh ảnh các em gái, phụ nữ về tính chất, phạm vi hoạt động và năng lực huyên môn… chứ không phân định khả năng như trên.

Sách được thay đổi là tốt nhưng chưa đủ, quan trọng hơn là những người thực hiện nó. Các thầy cô trong quá trình dạy cho học trò cũng cần có quan điểm, biết phương pháp lồng ghép vấn đề định kiến giới như gợi vấn đề cho các em thảo luận liện hệ với bản thân, gia đình. Ngay từ bậc học mẫu giáo, giáo viên nên lồng ghép giáo dục giới tính cho các em từ những trò chơi. Trò chơi không phải đặc quyền riêng cho giới nào. Chẳng hạn chơi búp bê, nấu ăn may vá, không chỉ là dành cho bé gái mà bé trai cũng có thể tham gia. Hoặc những trò chơi liên quan kỹ thuật như ô tô, máy bay, xe lửa… vốn nhiều người nghĩ chỉ bé trai mới chơi thì bé gái cũng có thể tiếp cận.

Dự án Sáng kiến bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái ở Việt Nam do Bộ GD&ĐT và Văn phòng UNESCO khởi động vào tháng 8 năm 2015 và thực hiện tới năm 2020 cũng đang góp phần nâng cao bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái có hiệu quả hiện nay. Dự án nhằm tăng cường việc thực hiện quyền của trẻ em gái và phụ nữ về giáo dục và loại bỏ những bất bình đẳng mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt tại gia đình, trường học và cộng đồng gồm 3 hợp phần. Nâng cao năng lực quản lý của ngành Giáo dục – Đào tạo; Lồng ghép giới trong xây dựng chương trình và sách giáo khoa cũng như trong thực tiễn giảng dạy; Nâng cao nhận thức cho các em học sinh, các bậc cha mẹ học sinh, thành viên cộng đồng và truyền thông.

Đến nay, dự án đã xây dựng được các dự thảo kế hoạch hành động về bình đẳng giới cho ngành Giáo dục – Đào tạo, tài liệu khuyến nghị về tăng cường yếu tố bình đẳng giới và tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới và xóa bỏ định kiến giới trong chương trình sách giáo khoa…Tổng cộng có gần 200 cán bộ giáo dục đã tham gia hội thảo tham vấn, tập huấn, nâng cao năng lực về lồng ghép giới và xóa bỏ định kiến giới trong chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng các hoạt động ngoại khóa ở các cấp học nên có những chủ đề về giáo dục tính bình đẳng giới không ảnh hưởng đến chương trình chính khóa. Nên khuyến khích sự tham gia của nam thanh niên và trẻ em trai vì họ là tác nhân của thay đổi văn hoá xã hội cần thiết.

PGS.TS Hoàng Bá Thịnh cho hay: Theo một nghiên cứu 76 cuốn SGK của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 có 8.276 nhân vật trong nội dung văn bản và 7.987 nhân vật trong các hình ảnh. Trong tổng số 8.276 nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản, nam giới chiếm 69%, nữ 24%, còn lại 7% là trung tính về giới ví dụ đứa trẻ, học sinh, phụ huynh… Về hình ảnh, trong tổng số 7.987 hình ảnh thì nam giới chiếm 58%, nữ chiếm 41%, còn lại là trung tính hoặc không rõ giới tính.

Sự chênh lệch giữa nhân vật nam và nữ cũng có sự khác biệt theo các cấp học, càng lên cấp học cao sự chênh lệch càng lớn, nhất là ở cấp THPT. Nghề nghiệp của nhân vật nam giới trong SGK cũng đa dạng hơn nghề nghiệp của nữ giới…

Phương Thuận