Hội thảo góp ý Dự thảo Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ giai đoạn 2016-2020

0
123

GiadinhNet – Ngày 23/8, Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ giai đoạn 2016-2020.

Tham dự Hội thảo có ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cùng đông đảo các đại biểu là lãnh đạo, cán bộ phụ trách truyền thông của Chi cục DS-KHHGĐ 11 tỉnh, thành phố trên cả nước.


Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Theo đánh giá của Tổng cục DS-KHHGĐ, sau 5 năm thực hiện Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015 đã tạo được môi trường xã hội ngày càng đồng thuận, ủng hộ cao hơn; nhận thức, thái độ, kỹ năng lựa chọn, thực hiện các hành vi có lợi và bền vững về DS-KHHGĐ của các nhóm đối tượng được nâng cao hơn trước đó.

Hơn nữa, kiến thức, kỹ năng về kế hoạch hóa gia đình, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, kể cả các cặp vợ chồng mới kết hôn được nâng lên, là yếu tố quyết định để duy trì mức sinh thay thế trong những năm qua.

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông được thực hiện liên tục, rộng khắp và từng bước đổi mới về nội dung và hình thức, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ngày càng được thực hiện rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình hành động còn nhiều hạn chế, bất cập như nhận thức, sự hiểu biết của các nhóm đối tượng đích đối với các vấn đề dân số mới nảy sinh còn ở mức độ trung bình; việc thực hiện nhiệm vụ, hoạt động truyền thông còn dàn trải, thiếu tập trung, chưa hiệu quả…


Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ phát biểu tại Hội thảo

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ phát biểu tại Hội thảo

Do đó, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi giai đoạn 2016-2020 tập trung vào việc: truyền thông chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước; truyền thông mở rộng các hoạt động can thiệp nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc toàn diện SKSS, hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và tham luận thêm một số nội dung để hoàn thiện dự thảo như đề nghị phân nhóm các địa phương theo từng mức sinh khác nhau để có những mục tiêu và giải pháp truyền thông phù hợp với từng địa bàn; cụ thể hóa hơn nữa các tỷ lệ thực hiện các mục tiêu trong DS-KHHGĐ; chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ ở từng địa phương đồng thời, nêu ra những giải pháp để thực hiện chương trình truyền thông trong giai đoạn tới một cách hiệu quả nhất.

Kết luận buổi Hội thảo, ông Lê Cảnh Nhạc hoan nghênh và đánh giá cao các ý kiến đầy tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự. Theo đó, những góp ý của các đại biểu sẽ được Ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu để hoàn thiện chương trình truyền thông chuyển đổi hành vi trong giai đoạn mới.

Lê Đức Hy